Tạo xung lực mới cho đầu tàu kinh tế
Sớm thông qua Nghị quyết để TP.Hồ Chí Minh phát triển nhanh hơn | |
Sốt sắng ngóng cơ chế “đặc thù” | |
Tạo cơ chế đặc thù để TP. HCM “cất cánh” |
Theo kế hoạch, ngày 24/11/2017 Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua Nghị quyết về cơ chế, chính sách để phát triển TP. Hồ Chí Minh. Đến nay dù còn nhiều ý kiến khác nhau, song đa số ý kiến đại biểu Quốc hội đều mong muốn sớm thông qua Nghị quyết thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Hồ Chí Minh.
“Sức nóng của vấn đề này không chỉ trong phòng họp Diên Hồng mà những ngày qua còn lan toả trong từng ngóc ngách của thành phố, nơi hơn 8 triệu nhịp đập trái tim đang đợi chờ và dõi theo quyết định của Quốc hội”, đại biểu Phạm Trọng Nhân (Bình Dương) phát biểu.
Theo ông, giây phút nghị quyết này được thông qua sẽ là một dấu mốc lịch sử cho sự phát triển của thành phố, nhưng kết quả đó không phải chiến thắng của riêng thành phố mà đó chính là chiến thắng của tất cả chúng ta về sự sẻ chia, đồng cảm. Đó là chiến thắng của sự vượt lên trên tư duy cục bộ, bản ngã địa phương để hướng đến sự thống nhất trong tư duy phát triển, không chỉ riêng của thành phố mà trên hết đó chính là phát triển vì cả nước và cho cả nước.
TP. HCM đóng góp hơn 21% GDP của cả nước, 28% tổng thu ngân sách |
Một số đại biểu khác cũng đồng tình với Chính phủ khi cho rằng, cùng với một số địa phương khác nhiều năm qua thành phố đã đóng góp rất lớn cho nền kinh tế là một điều không ai phủ nhận. Trong vai trò, vị thế của mình, thành phố mang tên Bác luôn được nhắc đến với một tình cảm trân quý và được hình tượng sống động ví như một đầu tàu kinh tế của cả nước. Dù làm ra nhiều của cải, vật chất đóng góp hơn 21% GDP của cả nước, 28% tổng thu ngân sách nhưng tỷ lệ điều tiết để lại cho thành phố ngày càng ít đi và nay là thấp nhất trong cả nước. Nếu như thành phố làm ra 100 đồng thì phải điều tiết về Trung ương 82 đồng, 18 đồng giữ lại phải trang trải cho chi thường xuyên, đầu tư phát triển, trả nợ và nhiều khoản chi khác.
“Có thể nói con số khá ít ỏi này so với nhu cầu đầu tư giải quyết các tồn tại để tiếp tục giữ được vai trò là động lực của một đầu tàu kinh tế thì quả là một bài toán quá khó cho thành phố”, ông Nhân nói.
Một số ý kiến khác thì cho rằng, mặc dù trách nhiệm sẻ chia thành phố vì cả nước luôn được xem là một tấm lòng trọn vẹn nghĩa tình, nhưng ở chiều ngược lại dường như còn có gì đó thật chưa công bằng lắm với nhân dân thành phố, những người lẽ ra phải được nhiều hơn một ít từ những thành tựu của mình. Và một cơ chế chính sách đặc thù là một đòi hỏi cấp bách không thể không có trong bối cảnh hiện nay.
Nhiều đại biểu tán đồng với dự thảo nghị quyết trình lần này vì cơ chế chính sách đặc thù này sẽ tạo một xung lực cho phát triển, một nguồn năng lượng mới bổ sung cho đầu tàu kinh tế. Giai đoạn dân số vàng ngắn ngủi của Việt Nam đã bước vào chặng cuối cùng, bẫy thu nhập trung bình sẽ không để chúng ta kịp giàu thì đã vội già. Nơi từng được xem là hòn ngọc Viễn Đông vẫn oằn mình trong khói bụi kẹt xe và ngập chìm sau những cơn mưa nặng hạt. Nếu chúng ta không mạnh dạn vượt rào, không đủ dũng cảm và tự tin một lần dấn thân cho cái mới thì tiềm năng vẫn mãi là những viễn cảnh tốt đẹp trong các đề án.
Việc tạo cơ chế riêng cho thành phố không phải là ưu đãi thêm cho địa phương một phần tư chiếc bánh ngân sách mà đây chỉ ví như một liều thuốc khỏe cần thiết mà giao cho thành phố tự tìm cho mình để giúp cho thành phố có đủ sức tiếp tục gồng gánh và neo kéo những toa tàu để tiếp tục cuộc hành trình. Không có thời điểm nào phù hợp hơn, nhắc lại câu nói của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: "Tầm nhìn sẽ quyết định phương thức, tư duy và cách thức chúng ta hành động tại thời điểm hiện tại", một số đại biểu cho rằng, TP. Hồ Chí Minh không phải của riêng nhân dân thành phố mà thành phố mang tên Bác là của nhân dân cả nước.
Nhiều đại biểu cũng đã rất đồng tình với Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân khi dẫn lời cố Thủ tướng Singapore Lý Quang Diệu cho rằng: "Nếu tôi cần động lực phát triển, tôi có trong tay nguồn lực, tôi sẽ cho ai trước, đầu tư vào chỗ nào trước. Dĩ nhiên tôi sẽ đầu tư vào chỗ động lực người biết làm ăn, người có khả năng làm giàu để tạo ra của cải vật chất và lấy đó làm đầu tàu kéo những người chưa biết làm ăn, người nghèo đi lên. Còn nguồn lực đó nếu chia nhỏ ra thì tất cả chúng ta nắm tay nhau cứ đi hàng ngang, cùng nghèo và rất chậm để có người khá người giàu". Singapore đã thành cường quốc cũng từ chính câu nói này.
Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho biết, bản dự thảo nghị quyết mới nhất đã tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội tại phiên thảo luận tại tổ nên đã có điều chỉnh nhất định. Theo dự thảo nghị quyết chỉ cho phép tăng thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt và thuế bảo vệ môi trường khống chế trần của mức tăng không quá 25% so với mức thuế hoặc thuế suất hiện hành. Các loại thuế khác như thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập cá nhân vẫn được giữ nguyên. Về lương vẫn áp dụng lương cơ bản và mức trần không được quá 1,8 lần mức lương ngạch, bậc, chức vụ theo lương cơ bản... |