Bao giờ mới hết “giải cứu”?
"Giải cứu" dưa hấu | |
Giải cứu nông sản đến bao giờ! |
Giải pháp... tạm thời
Những ngày gần đây, tại nhiều địa phương trong cả nước đã dấy lên phong trào “giải cứu” dưa hấu cho bà con nông dân ở miền Trung. Đi đầu trong phong trào này là các bạn trẻ, sinh viên nhiều trường đại học, cao đẳng trong cả nước… Thế nhưng, cũng qua lời kêu gọi mua giúp dưa hấu ở Quảng Ngãi hay Quảng Nam đã bộc lộ những bất cập, lúng túng trong việc tiêu thụ nông sản cho nông dân trên thị trường như hiện nay.
Giải cứu nông sản cần nhiều giải pháp căn cơ |
Mới đây, tại TP. Đà Nẵng sinh viên Trường Đại học Đông Á đã thành lập các điểm bán dưa hấu cho nông dân Quảng Ngãi. Anh Nguyễn Văn Ken, Phó bí thư Đoàn trường Đại học Đông Á tâm sự, chúng tôi thật sự đau lòng khi thêm một lần nữa bà con lại rơi vào tình cảnh tồn đọng lượng lớn dưa hấu cần được tiêu thụ gấp.
Đặc biệt, trong đó có nhiều hộ nông dân là gia đình sinh viên đang theo học tại trường. Bởi thế, quyết định đồng hành cùng gia đình sinh viên bằng những điểm “giải cứu” dưa hấu đã nhanh chóng được toàn thể sinh viên, giảng viên và người dân địa phương ủng hộ. Ngay sau khi các điểm bán dưa được thành lập, những quả dưa hấu của bà con nông dân đã được các bạn sinh viên trực tiếp bán đến tay người dùng với giá 5.000 đồng/kg.
Toàn bộ số tiền thu được sau khi trừ chi phí vận chuyển sẽ được trực tiếp trao đến tay các gia đình sinh viên… Cùng với sinh viên ở Đà Nẵng, sinh viên nhiều trường đại học, cao đẳng tại TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội hay Thừa Thiên - Huế cũng đã chung tay “giải cứu” dưa hấu cho bà con nông dân miền Trung.
Bên cạnh, sự vào cuộc của các bạn trẻ, nhiều DN, siêu thị cũng đã và đang hỗ trợ, tìm đầu ra cho các sản phẩm nông sản, đặc biệt là sản phẩm dưa hấu ở miền Trung. Trong đó, có thể kể đến hệ thống siêu thị Big C. Theo đó, từ ngày 4/4/2017, Big C Việt Nam đã triển khai chương trình “Big C Việt Nam chung tay vì dưa hấu Quảng Ngãi”. Thực hiện chương trình cán bộ, nhân viên của siêu thị đã phối hợp với các cơ quan chức năng ở địa phương, trực tiếp thu mua dưa hấu cho bà con.
Sau đó, sản phẩm sẽ được phân phối trên toàn hệ thống của siêu thị với mức giá đồng nhất 4.800 đồng/kg. Ngoài việc thu mua dưa hấu giúp nông dân, Big C Việt Nam còn hỗ trợ chi phí vận chuyển, hậu cần, kho vận, không thu lãi trên giá bán.
Đồng thời, tổ chức tuyên truyền trực quan, phát loa kêu gọi khách hàng mua sắm tại các siêu thị chung tay hỗ trợ nông dân… Cũng nhằm hỗ trợ việc tiêu thụ nông sản, trước đó hệ thống siêu thị này cũng đã thu mua, hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm hành tím, tỏi, chuối… cho bà con nông dân ở địa phương.
Cần giải pháp căn cơ
Thực tế, những năm gần đây cứ đến độ tháng 3, tháng 4 hàng năm tại nhiều địa phương lại rộ lên phong trào mua giúp dưa hấu cho bà con nông dân miền Trung. Tuy nhiên, đây mới chỉ là những giải pháp tạm thời. Thiếu những giải pháp hỗ trợ một cách căn cơ, lâu dài nên nhiều người đã đặt câu hỏi, đến bao giờ mới hết cảnh “giải cứu” nông sản.
Bởi, thực tế không chỉ có dưa hấu mà nhiều loại nông sản khác cũng đang cần được hỗ trợ để tiêu thụ trên thị trường như, chuối, khoai tây, thanh long, hành, tỏi…
Quay trở lại với câu chuyện dưa hấu ở miền Trung, năm nay nông sản này lại rơi vào cảnh được mùa mất giá. Tại Quảng Ngãi, địa phương có diện tích trồng dưa lớn nhất ở miền Trung. Theo số liệu của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh, toàn tỉnh có khoảng 700ha dưa hấu, tập trung chủ yếu ở các huyện Bình Sơn, Sơn Tịnh, Mộ Đức, Đức Phổ… Với năng suất khoảng 2,5 đến 3 tấn/sào, ước tính sản lượng dưa thu hoạch trong vụ đầu năm sẽ đạt khoảng 24.000 tấn.
Tuy nhiên, ngay từ đầu vụ thu hoạch hàng trăm ha dưa hấu đã bắt đầu chín nhưng do không có người mua, nên giá dưa rớt mạnh. Có thời điểm, người nông dân bán dưa tại ruộng xuống thấp chỉ còn 500 đến 1.000 đồng/kg. Trong khi, ở mức giá 2.500 đồng/kg mới đủ để bù đắp chi phí mà người trồng đã bỏ ra.
Tương tự, ở địa phương lân cận Quảng Nam nhiều hộ trồng dưa hấu cũng phải lao đao do giá dưa hấu “tuột dốc” thảm hại. Có thời điểm nhiều hộ dân ở huyện Duy Xuyên, Thăng Bình… phải bỏ dưa ngoài đồng, không vội thu hoạch do quá ế ẩm. Ông Hồ Hành ở xã Duy Châu, huyện Duy Xuyên cho biết, năm nay do mưa nắng thất thường, nên sản lượng dưa hấu không cao.
Đặc biệt, mấy năm trước còn thấy thương lái đến tận ruộng mua dưa, năm nay không thấy ai đến mua nên bà con chỉ biết bán lẻ trên dọc tuyến đường ĐT 610. Như một điệp khúc, cứ vào vụ thu hoạch người trồng dưa lại nơm nớp nỗi lo rớt giá…
Câu chuyện nông sản như dưa hấu cần được “giải cứu”, lặp đi, lặp lại nhiều năm nay ở miền Trung. Tuy nhiên, đến nay cơ quan chức năng lẫn người dân vẫn chưa có những giải pháp khắc phục hiệu quả. Nguyên nhân đầu tiên, do việc quy hoạch diện tích trồng nông sản chưa được thực hiện một cách nghiêm túc ở nhiều nơi. Trong khi, đối với bà con nông dân vẫn còn tâm lý “thấy người ăn khoai, vác mai đi đào”. Đơn cử như vụ dưa hấu năm 2015, giá dưa ở Quảng Nam hay Quảng Ngãi xuống thấp chỉ 500 đồng/kg. Nhiều hộ mất trắng, rơi vào cảnh thua lỗ.
Thế nhưng, bước sang năm 2016 thấy giá dưa trên thị trường bắt đầu nhích lên, bà con lại đua nhau, đổ xô trồng. Chưa kể đến chất lượng dưa rất thấp, ruột trắng, không ngọt… khiến người tiêu dùng không mặn mà. Hệ lụy, đến thời điểm bây giờ đang cần được các đoàn thể, DN đến “giải cứu”.
Theo nhiều chuyên gia, hỗ trợ tiêu thụ nông sản cho bà con đang rất cần nhiều giải pháp căn cơ. Trong đó, sự điều tiết của cơ quan chức năng đóng vai trò hết sức quan trọng. Trong đó, cần xây dựng và thực hiện quy hoạch sản xuất phù hợp với nhu cầu thực tế. Bên cạnh, hỗ trợ nông dân làm tốt khâu thị trường, củng cố thương hiệu nông sản, đồng thời phát triển hệ thống thương mại nội địa, để dễ dàng tiêu thụ nông sản ngay trong nước.
Về phía người nông dân, cần tránh việc thấy lợi nhuận trước mắt sẵn sàng bỏ quy hoạch, dẫn đến cung vượt cầu. Đồng thời, tăng cường áp dụng các giải pháp công nghệ, khoa học kỹ thuật để có thể sản xuất các loại nông sản, đáp ứng được nhu cầu của thị trường. Bên cạnh đó, phải kể đến vai trò của các DN vào cuộc tích cực hơn, trong việc hỗ trợ nông dân tiêu thụ nông sản một cách bền vững và lâu dài.