Giải cứu nông sản đến bao giờ!
Nghịch lý thị trường nông sản sạch | |
Nông sản sao mãi “núp bóng”… |
Những ngày gần đây, cộng đồng mạng hô hào giải cứu khoai tây cho bà con Ninh Bình. Theo thông tin đăng tải, “hiện tại bà con nông dân 2 huyện Yên Khánh, Yên Mô của tỉnh Ninh Bình đang tồn 60 tấn khoai tây ruột vàng. Nguyên nhân do Công ty Chế biến và xuất khẩu khoai gặp khó khăn nên tạm dừng thu mua vô thời hạn...”.
Một “chiến dịch” giải cứu gừng cho nông dân Hà Giang |
Không chỉ có khoai tây, có thể thấy những năm gần đây liên tục những “chiến dịch” giải cứu nông sản được phát động. Nào là giải cứu dưa hấu, thanh long, hành, gừng, tỏi... Làm thế nào để nông sản đến được với người tiêu dùng mà không cần những “chiến dịch” giải cứu của cộng đồng?
Có tận mắt chứng kiến người nông dân phá bỏ những vườn vải thiều lâu năm ở Lục Ngạn (Bắc Giang) vài năm trước mới thấu hiểu được câu chuyện về được mùa mất giá. Ở giai đoạn đó, giá vải thiều liên tiếp xuống thấp khiến nhiều người nông dân ở đây quyết định phá bỏ hoàn toàn vườn vải lâu năm để trồng cam Vinh, bưởi Diễn, cam đường...
Anh Nguyễn Văn Nam (Bắc Giang) chia sẻ, chúng tôi cần các nhà khoa học, cơ quan quản lý trả lời cho người dân chúng tôi: Chúng tôi cần trồng cây gì? Trồng như thế nào? Khi trồng được thì bán ở đâu? Bán cho ai? Chứ từ vải thiều và giờ là cam, bưởi đều phụ thuộc hoàn toàn vào thương lái nên rất bấp bênh. Vài năm gần đây cam, bưởi có giá cao, dân đổ xô vào trồng thế này thì chỉ vài ba vụ nữa sẽ lại rớt giá, lại phải chặt bỏ thôi...
Từ góc độ người tiêu dùng chị Trần Thị Hương (Thanh Xuân, Hà Nội) chia sẻ, chúng ta cần phải xem lại hệ thống phân phối các sản phẩm nông nghiệp, nếu cần thì nhà nước nên đầu tư, hỗ trợ các thương lái để phát triển thị trường tiêu thụ nội địa. Bởi trong khi nông sản tại nhiều địa phương bị rớt giá thảm hại, thế nhưng giá những sản phẩm ấy ở các thị trường lớn như Hà Nội vẫn giữ nguyên giá, thậm chí giá còn tăng hơn…
Đơn cử như, khi nông dân Đà Lạt không bán được củ dền tím phải kêu gọi cộng đồng giải cứu thì nhiều chợ của Hà Nội không có hàng bán, hoặc có thì là hàng nhập từ Trung Quốc, hàng không đảm bảo chất lượng, nguồn gốc như hàng nông sản Việt. Rồi dưa hấu, hành... giá ngoài chợ Hà Nội vẫn rất cao trong khi tại nơi trồng phải đổ bỏ vì không bán được.
Chị Nguyễn Thị Hường, một tiểu thương tại chợ Thanh Xuân (Hà Nội) chia sẻ: Quả thật thấy nhiều nơi nông sản bán rất rẻ chị cũng muốn nhập về để bán, thế nhưng nguồn hàng không ổn định nên khó tính chuyện lâu dài. Dù biết nhập về thì hàng bán được, vừa giúp bà con nông dân vừa có hàng giá tốt cho người mua, nhưng đành chịu…
Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long nhận định tổ chức kênh phân phối hàng nông sản chưa tốt. Nông sản từ ruộng tới chợ hoặc siêu thị hiện nay phải qua quá nhiều kênh trung gian. Người sản xuất thường bị ép giá ở mức thấp nhất, trong khi người tiêu dùng phải mua giá cao, lợi ích chảy hết vào túi nhà buôn, thương lái.
Thực tế, lâu nay nền nông nghiệp của Việt Nam sản xuất không theo nhu cầu thị trường, nông dân thấy giá cao là đổ xô vào nuôi, trồng mà ít quan tâm đến nhu cầu thị trường như thế nào, bán đi đâu. Nếu không thay đổi được điều này thì vẫn mải loay hoay trong vòng luẩn quẩn “được mùa mất giá” mà thôi.
Theo nhiều chuyên gia kinh tế thì câu chuyện giải cứu nông sản ế phải có giải pháp tổng thể, bắt đầu từ việc phải thay đổi quy trình sản xuất nông nghiệp: dự báo thị trường tốt hơn, quy hoạch sản xuất phù hợp… Theo đó, giải pháp tốt nhất là tổ chức sản xuất theo mô hình hợp tác xã, công ty liên doanh, xây dựng mô hình liên kết... Chỉ khi nào tổ chức được sản xuất nông nghiệp theo quy mô công nghiệp thì mới giải quyết được tình trạng sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, nhưng lại ồ ạt chạy theo thị trường như hiện nay.
Một vấn đề nữa cũng được khá nhiều chuyên gia đặt ra là cần xây dựng thương hiệu cho nông sản. Hiện có tới 90% nông sản Việt Nam xuất khẩu hay bán sản phẩm mà không có thương hiệu. Điều này đã làm giảm giá trị của nông sản Việt, đồng thời hạn chế các sản phẩm này đi vào các kênh phân phối lớn, chính thống như hệ thống siêu thị, hệ thống các cửa hàng tiện lợi, nơi mà uy tín thương hiệu luôn được đặt lên hàng đầu.
Có thể thấy, hành động nghĩa tình giúp người dân giải cứu nông sản trên các trang mạng, của cộng đồng là cần thiết trong cơn nguy cấp. Thế nhưng quan trọng hơn vẫn là cần sự vào cuộc và phối hợp của nhiều bộ, ngành, địa phương liên quan để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất nông nghiệp, định hướng nông dân trong phát triển kinh tế… để xây dựng và phát triển từng mặt hàng nông sản có thế mạnh của Việt Nam, không chỉ trên thị trường trong nước mà cả ra thế giới.