Bình đẳng nhờ chính sách
Ảnh minh họa |
Hôm rồi, hội thảo đánh giá 30 năm đổi mới được tổ chức tại Hà Nội có nêu một thành tựu quan trọng về giảm nghèo. Theo biểu đồ được trưng lên, tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn 1,25 USD/ngày giảm “chóng mặt” trong vòng hơn một thập kỷ qua và hiện đang ở mức rất thấp.
Đáng chú ý là, bất chấp tăng trưởng có xu hướng đi xuống, phân phối thu nhập nền kinh tế đến các đối tượng trong xã hội ngày càng bình đẳng hơn so với nhiều nước trên thế giới.
“Tiêu chuẩn 40%”, hay hệ số Gini đo lường tỷ trọng thu nhập (chi tiêu) của 40% dân số nghèo nhất, đang cho thấy bình đẳng trong phân phối thu nhập nền kinh tế có chiều hướng tốt lên (giá trị thấp đi trong thang điểm từ 0-1). Theo số liệu của Ngân hàng Thế giới (WB), hệ số Gini của Việt Nam thấp hơn so với phần lớn các nước trong khu vực, chỉ cao hơn Hàn Quốc và Indonesia.
“Việt Nam là nước có sự phân hóa giàu nghèo mạnh hơn Hàn Quốc và Indonesia, nhưng bình đẳng hơn so với Malaysia, Philippines và Thái Lan…”, Tổng cục Thống kê bình luận trong một nghiên cứu gửi đến Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
Đó là hệ quả từ việc trong nhiều năm qua, các chính sách ưu đãi hướng tới đối tượng khó khăn đã được ban hành liên tục. So với nhiều nước trên thế giới, người dân Việt Nam dễ dàng hơn trong tiếp cận giáo dục nhờ giá dịch vụ ở mức vừa phải, bên cạnh đó là các gói tín dụng hỗ trợ học sinh sinh viên. Hay nhiều gói tín dụng ưu đãi phát triển nông nghiệp nông thôn, hỗ trợ hộ nghèo…
Trong đa số các trường hợp thoát nghèo bền vững thời gian qua, vai trò của tín dụng chính sách khá nổi bật. Nhiều trường hợp sau khi vay vốn tín dụng chính sách còn kéo theo nhiều hộ dân trong khu vực cùng vượt khó, tạo thành vùng kinh tế phát triển ở quy mô vừa.
Tuy nhiên, giảm nghèo nhờ chính sách ưu đãi không thể phát huy trên diện rộng, nếu chỉ nhìn vào tín dụng. Khi mà hạ tầng ở khu vực nông thôn còn hạn chế, đó cũng là rào cản đối với thông thương nông sản phát triển kinh tế.
Việc thiếu cơ chế sử dụng lao động nông thôn khiến số lượng cử nhân thất nghiệp còn lớn ở khu vực này… trong khi đó, đa số hộ nghèo phân bố ở khu vực nông thôn, sản xuất nông nghiệp là chủ yếu thì rủi ro thiên tai, dịch bệnh hoàn toàn có thể biến hộ giàu thành nghèo chỉ sau một vụ cá, lứa lợn…
Thực tế đó cũng là nhìn nhận của Bộ Kế hoạch và Đầu tư: “Giảm nghèo ở Việt Nam trong thời gian qua nhìn chung chưa bền vững. Mặc dù hàng chục triệu hộ gia đình ở Việt Nam đã thoát nghèo trong gần hai thập kỷ qua nhưng nhiều hộ trong số đó có mức thu nhập rất sát với ngưỡng nghèo, điều này dẫn đến nguy cơ rất dễ bị tái nghèo”.
Chính vì thế, cùng với giai đoạn tăng trưởng cao sau 30 năm đổi mới vừa qua, việc giảm bất bình đẳng trong phân phối thu nhập, hạn chế phân hóa giàu nghèo tại Việt Nam chỉ có thể bền vững khi chính sách này được đặt trong tổng thể phát triển của nền kinh tế.
Đầu tư cho cơ sở hạ tầng nông thôn từ nguồn vốn ngân sách phải cân đối hài hòa trong tổng đầu tư phát triển của cả nước, làm cơ sở cho phát triển kinh tế - xã hội vùng sâu, vùng xa; hay chuỗi sản xuất phải được kết nối có tính hệ thống từ thành thị đến khu vực nông thôn để hình thành thị trường tiêu thụ sản phẩm cho nông dân; cơ chế tuyển dụng cán bộ trong khu vực Nhà nước cũng cần phải minh bạch để cho những nhân lực có trình độ từ khu vực nông thôn được phát huy năng lực, sở trường ở đúng vị trí tương xứng... Để cho 40% dân số nghèo nhất có cơ hội tự mình đứng lên làm giàu bền vững và ngày càng ít phụ thuộc hơn vào chính sách ưu đãi.