Bóc vỏ mục tiêu, tìm lõi tăng trưởng
“Giảm lãi suất để hỗ trợ doanh nghiệp và phục vụ mục tiêu tăng trưởng kinh tế” | |
Xây dựng kế hoạch đạt tốc độ tăng trưởng 6,4-6,8% trong năm 2018 | |
Thúc tiêu dùng để hỗ trợ tăng trưởng |
Theo các chuyên gia, mục tiêu tăng trưởng kinh tế 6,7% của năm nay dù rất khó khăn nhưng không phải không thể đạt được. Tuy nhiên, quan trọng nhất là cách làm thế nào, bởi nếu không việc cố đạt được tăng trưởng năm nay có thể sẽ tạo hệ lụy cho nền kinh tế trong những năm sau.
Các chỉ số đều cho thấy tăng trưởng tích cực
Tại buổi Tọa đàm công bố Báo cáo kinh tế vĩ mô quý II/2017, TS. Nguyễn Đức Thành - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VERP) nhận định, tăng trưởng quý II vừa qua có ý nghĩa rất quan trọng đối với tăng trưởng kinh tế của cả năm nên cần phân tích kỹ để có các giải pháp cho thời gian tiếp theo. Theo VERP, kinh tế quý II đã có sự hồi phục rõ nét với mức tăng trưởng 6,17% so với cùng kỳ, nhờ sự cải thiện mạnh mẽ trong lĩnh vực nông nghiệp và dịch vụ.
Bên cạnh đó, ngoại trừ khai khoáng, các ngành còn lại trong khu vực công nghiệp – xây dựng đều tăng trưởng khả quan, tương đương cùng kỳ năm 2016. Thương mại quốc tế gia tăng mạnh trong quý vừa qua với tăng trưởng xuất khẩu và nhập khẩu trong quý lần lượt đạt 24,5% và 26,8% so với cùng kỳ, cao nhất trong vòng hơn nửa thập kỷ. Đặc biệt, xuất khẩu tăng tốc, từ mức tăng trưởng 12,8% của quý trước lên 24,5% so với cùng kỳ trong quý II đã góp phần cải thiện đáng kể thâm hụt thương mại.
Các chuyên gia trao đổi tại tọa đàm |
Tiêu dùng cũng cải thiện mạnh mẽ cả về giá và lượng, với tăng trưởng tương ứng 10,1% và 8,4% so với cùng kỳ. Đầu tư cũng phục hồi nhẹ, chủ yếu nhờ khu vực FDI. Lượng vốn FDI đăng ký mới tăng vọt lên mức 8,92 tỷ USD trong quý II, chủ yếu do một số dự án lớn mới được triển khai. Bên cạnh đó, chỉ số hoạt động kinh tế VEPI (Viet Nam Economic Performance Index, được VEPR thử nghiệm tính toán và tổng hợp dựa trên số liệu về sản lượng điện thương phẩm, kim ngạch xuất nhập khẩu, vận tải hàng hóa nội địa, TTTD và PMI sản xuất) cũng cho thấy sự phục hồi của nền kinh tế.
Đáng chú ý, TS. Thành cho biết không như VERP dự báo trước đây khi quan ngại việc TPP dừng lại có thể làm cho dòng vốn FDI vào suy giảm, thực tế FDI trong quý II vừa qua, dòng vốn này vẫn tăng trưởng tương đối tốt cả về đăng ký và giải ngân. “Chúng tôi sẽ tiếp tục theo dõi diễn biến của FDI trong những quý tới, nhưng trước mắt với thực tế trên thì dòng vốn FDI vào Việt Nam được xem là tích cực”, TS. Nguyễn Đức Thành cho biết.
Trong khi đó, lạm phát lao dốc trong quý II. CPI tháng 6 chỉ ở mức 2,54% so với cùng kỳ năm trước và 0,2% so với năm 2016. Theo lý giải của VERP, giá thực phẩm giảm mạnh do khủng hoảng dư cung thịt lợn cùng với giá xăng dầu được điều chỉnh giảm đã bù đắp hầu hết tác động của các đợt điều chỉnh giá dịch vụ công. Trong khi đó, tổng phương tiện thanh toán tăng trưởng thấp khiến lạm phát cơ bản cũng liên tục suy giảm trong nửa đầu năm nay.
Tuy nhiên, một trong những quan ngại đầu tiên được đặt ra là mặc dù đã có sự phục hồi trong quý II nhưng các chỉ báo cũng cho thấy, kinh tế Việt Nam ngày càng trở nên phụ thuộc vào khu vực FDI, đặc biệt từ một số công ty lớn như Samsung. Nếu như năm 2009, xuất khẩu của khu vực FDI chỉ chiếm 32,9% tổng xuất khẩu thì con số này đã tăng lên 70,2% năm 2016 và 72,4% trong nửa đầu năm 2017.
Bên cạnh đó, bội chi NSNN dù giảm đáng kể trong hai quý đầu năm nhưng chủ yếu xuất phát từ thực tế chậm giải ngân vốn đầu tư phát triển chứ không phải đến từ việc cắt giảm chi tiêu thường xuyên của bộ máy nhà nước. Đồng thời, chi trả nợ gốc và lãi lần lượt đạt 88,1 và 50 nghìn tỷ đồng, tương ứng đạt 53,8% và 50,5% dự toán. “Các khoản chi này cho thấy áp lực trả nợ của Chính phủ đang ngày càng tăng cao. Nếu không có các biện pháp cắt giảm chi tiêu một cách hợp lý, NSNN sẽ trở nên mất cân bằng một cách nghiêm trọng, nguồn vốn dành cho đầu tư phát triển sẽ suy giảm hoặc phải tiếp tục vay nợ để bổ sung”, TS. Nguyễn Đức Thành cảnh báo.
Nỗ lực đạt mục tiêu bằng cách thức phù hợp
Theo chuyên gia kinh tế, TS. Lê Đăng Doanh, việc Chính phủ muốn đạt tốc độ tăng trưởng 6,7% trong năm nay là hợp lý và phù hợp với yêu cầu, vì nếu không đạt tức là 2 năm liên tục không đạt yêu cầu đề ra theo Nghị quyết của Đại hội Đảng cho giai đoạn 2016-2020. Hơn nữa, nếu không đạt mục tiêu này thì bội chi ngân sách và tỷ lệ nợ công có thể vượt ngưỡng đề ra.
“Chỉ có điều là cách thức nào để đạt được mục tiêu đó thì còn nhiều ý kiến khác nhau. Tôi thấy, tiềm năng để đạt được nằm ở cải cách, trước hết là cải cách DNNN. Nếu cải cách được bộ phận này sẽ góp phần mang lại hiệu quả rõ rệt. Bên cạnh đó, Thủ tướng đã tuyên bố năm 2017 này là năm giảm chi phí nhưng đến nay, giữa năm rồi nhưng tôi chưa thấy kế hoạch giảm chi phí ấy cụ thể là giảm ở đâu. Chúng ta mới chỉ thấy lãi suất NH bắt đầu giảm thôi, còn các chi phí khác như vận tải, chi phí phi chính thức vẫn còn cao… Cho nên, điều quan trọng ở đây là cần thực hiện một cách hiệu quả, kịp thời các chỉ thị, chỉ đạo của Thủ tướng bằng các kế hoạch, chỉ tiêu cụ thể”, ông Doanh bình luận.
Yếu ở khâu thực thi cũng là vấn đề được TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia tài chính – ngân hàng chỉ ra. “Ở trên thì Chính phủ đã ban hành rất nhiều nghị quyết, chỉ thị, văn bản nhưng cán bộ công chức ở phía dưới, nhất là ở các bộ, ngành, địa phương quá chậm thực thi nên gần như 6 tháng đầu năm, môi trường kinh doanh không có nhiều chuyển biến tích cực”, TS. Lực nói.
Nhìn nhận về dư địa để đạt mục tiêu tăng trưởng năm nay, ông Lực cho rằng vẫn “có cửa” nếu quyết tâm làm. Trong đó, thay vì tập trung vào tăng sản lượng khai khoáng (vì hiện nguồn cung dồi dào và dự báo giá dầu năm nay khó tăng mạnh), nên tập trung vào thúc đẩy tiêu dùng cá nhân và tiêu dùng Chính phủ. Tiêu dùng 6 tháng chiếm gần 80% GDP, trong đó tiêu dùng cá nhân khoảng 69% và tiêu dùng Chính phủ khoảng 10%. “Nếu chúng ta kích được tỷ lệ đó lên, như thông qua du lịch, cho vay tiêu dùng… thì sẽ tạo cú huých tốt cho tăng trưởng kinh tế”, TS. Lực đề xuất. Bên cạnh đó, việc đẩy mạnh hơn nữa tái cơ cấu, đặc biệt là tái cơ cấu DNNN, xử lý nợ xấu và cải thiện môi trường kinh doanh cũng là những vấn đề vừa mang tính cấp thiết trước mắt, vừa lâu dài tất yếu phải làm.
Đồng tình với các quan điểm trên, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng, vấn đề mấu chốt của Việt Nam vẫn là cải cách và cải cách đó nằm trong tay Nhà nước là chính. “Nằm trong tay Nhà nước nhưng Nhà nước không thực hiện được, hoặc chỉ đưa ra chính sách, quyết định mà không thực thi được trong hệ thống của mình sẽ tạo điểm nghẽn của nền kinh tế. Vậy cải cách bắt đầu từ đâu? Tôi cho rằng, nó phải bắt đầu từ trong chính bộ máy Nhà nước, phải làm cho thông từ trên xuống dưới, nghiêm được về kỷ cương thì mới có thể làm cho nền kinh tế bật lên được trong tương lai”, bà Lan nhấn mạnh.
Báo cáo của VERP cho rằng: “Đây là thời điểm Việt Nam cần xem xét lại cách thức tăng trưởng vì bối cảnh hội nhập đang thay đổi. Các tư duy ngắn hạn, mang tính đối phó với sự suy giảm tăng trưởng như nỗ lực tăng thêm vốn, đẩy nhanh giải ngân các công trình công, hoặc tăng sản lượng khai thác dầu thô… có thể vừa không khả thi, vừa xóa nhòa những quyết tâm cải cách”.
Việc cần giữ vững và nhất quán về thông điệp đối với phát triển bền vững, ổn định vĩ mô cũng là vấn đề mà chuyên gia kinh tế, TS. Võ Trí Thành lưu ý. Nếu thông điệp về chính sách vi mô không cẩn trọng, thiếu nhất quán, chỉ tập trung vào tăng trưởng trong ngắn hạn thì đôi khi người ta lại có thể nghi ngờ về tính kiên định với ổn định vĩ mô.
Bên cạnh đó, chuyên gia này cho rằng cần làm rõ vấn đề giải trình. Trong đó nổi lên 3 nội dung quan trọng: Thứ nhất, với mức tăng trưởng ấy thì các cân đối vĩ mô lớn sẽ tốt hay không, có phải đánh đổi gì không? Thứ hai, tăng trưởng ấy cơ bản phải dựa trên việc tận dụng hiệu quả và làm tốt hơn với các nguồn lực mà chúng ta đã có như giảm chi phí, cải thiện môi trường kinh doanh... Thứ ba, quan trọng nhất là vấn đề sáng tạo và đổi mới. Chúng ta cần tìm ra nhưng yếu tố đang yếu kém, đi sau các nước để tập trung cải thiện.