Cải cách thủ tục hành chính là nhiệm vụ thường xuyên
Cải cách hành chính của NHNN: Nhìn từ lăng kính của nhà quản lý | |
“Cải cách hành chính là hành trình không có điểm dừng để phục vụ người dân, doanh nghiệp” |
Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú đề nghị các đơn vị đẩy mạnh cải cách hành chính |
Phương thức chỉ đạo điều hành ngày càng hiện đại
Báo cáo kiểm điểm tình hình thực hiện Quy chế làm việc của NHNN, Chánh văn phòng NHNN Phạm Đức Ấn cho biết, nhờ sự quan tâm, chỉ đạo quyết liệt của Ban lãnh đạo NHNN và nỗ lực của lãnh đạo, cán bộ, công chức các đơn vị nên việc thực hiện nội quy, quy chế tại NHNN Trung ương trong thời gian qua có nhiều chuyển biến tích cực.
Nhìn chung, cán bộ, công chức, viên chức thuộc các đơn vị của NHNN Trung ương đã bám sát và thực hiện tốt chức trách nhiệm vụ được giao. Thủ trưởng các đơn vị cơ bản đã thực hiện đầy đủ trách nhiệm của người đứng đầu trong chỉ đạo, tổ chức triển khai các nhiệm vụ được giao và kiểm tra, giám sát việc thực hiện, đảm bảo tiến độ và hiệu quả công việc. Trong quá trình triển khai chủ động báo cáo Thống đốc và Phó Thống đốc các khó khăn, vướng mắc phát sinh và kiến nghị, đề xuất để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Các đơn vị đã phối hợp tích cực với Văn phòng, Vụ Pháp chế trong việc xây dựng và đẩy nhanh tiến độ thực hiện chương trình công tác, xây dựng văn bản quy phạm pháp luật của NHNN. Nhờ đó, trong 6 tháng đầu năm 2019, tỷ lệ hoàn thành đúng hạn các nhiệm vụ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Ban lãnh đạo NHNN giao đạt 94,1%. Trong đó, riêng nhiệm vụ do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao trên Hệ thống quản lý cơ sở dữ liệu theo dõi liên thông Văn phòng Chính phủ tỷ lệ hoàn thành đạt 100%.
Thông tin thêm về triển khai công tác CCHC nội bộ, ngay từ đầu năm NHNN đã ban hành Kế hoạch CCHC với trọng tâm là hiện đại hóa phương thức chỉ đạo điều hành, triển khai Chính phủ điện tử và cải cách nội bộ, cải cách thủ tục hành chính (TTHC) theo hướng minh bạch, tạo thuận lợi cho người dân, DN trong các giao dịch hành chính với NHNN… Bám sát chỉ đạo trên, công tác kiểm soát TTHC được triển khai thường xuyên, liên tục. Toàn bộ quá trình giải quyết TTHC được quản lý và từng bước được điện tử hóa, thống nhất theo tiêu chuẩn ISO, cơ chế một cửa từ khâu nhận hồ sơ đến khi trả kết quả. Chính phủ điện tử được triển khai cơ bản đúng tiến độ.
Đến nay, hạ tầng công nghệ thông tin (CNTT) và các nền tảng công nghệ để triển khai dịch vụ công đều sẵn sàng để vận hành các hạng mục nghiệp vụ thuộc cấu trúc Chính phủ điện tử của NHNN. Các dự án CNTT đặc biệt là các sản phẩm thuộc dự án FMIMS đã hoàn thành là nền tảng quan trọng trong chiến lược hiện đại hóa hoạt động ngân hàng và hành chính. Hầu hết các hoạt động, nghiệp vụ quan trọng của NHNN và các TTHC có tần suất thực hiện lớn đã được tin học hóa thông qua các phần mềm. Hệ thống thông tin quản lý văn bản và điều hành E-doc đã được triển khai sử dụng đến 100% các đơn vị.
Báo cáo thêm về tình hình và giải pháp kỹ thuật nhằm đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong quản lý điều hành của NHNN, Cục trưởng Cục CNTT Lê Mạnh Hùng cho biết, nhìn chung các văn bản quy phạm pháp luật và các văn bản hướng dẫn được ban hành đã tạo được hành lang pháp lý tương đối đầy đủ và đồng bộ cho việc ứng dụng CNTT.
Nhằm triển khai đồng bộ hệ thống dịch vụ công và một cửa điện tử theo định hướng phát triển của Chính phủ điện tử, đáp ứng tốt hơn nhu cầu người sử dụng, về các tiêu chuẩn kỹ thuật đảm bảo sự liên thông, kết nối giữa các hệ thống… ngày 15/5/2019, NHNN đã ký Quyết định 1025 ban hành Kế hoạch triển khai Hệ thống một cửa điện tử và Cổng dịch vụ công của NHNN đáp ứng quy định tại Nghị định 61/2018/NĐ-CP và các văn bản của NHNN. Đến nay, 100% TTHC của NHNN đã được đăng trên Cổng dịch vụ công NHNN và Cơ sở dữ liệu quốc gia về TTHC phục vụ nhu cầu tìm hiểu, tra cứu thông tin của tổ chức, cá nhân trong và ngoài Ngành. NHNN cũng đã cung cấp 24 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 15 dịch vụ công ở mức độ 4.
Chuyển biến tích cực trong cải cách hành chính
Phát biểu tại hội nghị, Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú đánh giá cao về công tác CCHC, quy chế làm việc trong những năm qua đã có chuyển biến tích cực. Nhờ những cải tiến, chấp hành kỷ cương trong công việc rất tốt của các đơn vị đã giúp nâng cao hiệu quả chỉ đạo điều hành, hoàn thành tốt nhiệm vụ chuyên môn….
Tuy nhiên, Phó Thống đốc lưu ý, vẫn còn những tồn tại, hạn chế trong quy chế làm việc, CCHC… Chẳng hạn như một số đơn vị chưa thực hiện đúng quy định về kiểm soát TTHC, việc cải tiến các quy trình xử lý công việc trong nội bộ một số đơn vị chưa được quan tâm đúng mức; công tác phối hợp giữa các đơn vị còn có trường hợp chưa tốt, một số đơn vị chưa thực hiện nghiêm túc việc theo dõi, cập nhật tiến độ thực hiện nhiệm vụ trên Hệ thống quản lý cơ sở dữ liệu theo dõi của Chính phủ…
Để tạo uy tín toàn diện trong điều hành chính sách, các thủ trưởng đơn vị vụ cục, Đảng bộ, Đoàn Thành niên… tiếp tục đổi mới hơn nữa CCHC tại cơ quan NHNN Trung ương. “Đây là công việc thường xuyên, liên tục. Nâng cao năng lực cạnh tranh, tạo uy tín cho thị trường là vấn đề đòi hỏi phải luôn đặt ra”, Phó Thống đốc nhấn mạnh và đề nghị phải gắn hoạt động cải cách công vụ công chức, CCHC cùng với chất lượng công tác chuyên môn để đánh giá chấm điểm cán bộ. Để làm được những điều này phải có sự đầu tư vào cơ sở vật chất, ví dụ tăng cường an ninh an toàn, quản lý cán bộ, tin học hoá...
Đi vào nhiệm vụ cụ thể, về công tác CCHC, TTHC, tin học hoá, Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú yêu cầu, các đơn vị tập trung xây dựng, mở rộng, sớm hoàn thiện cả về công nghệ, quy định, thủ tục có tính chất pháp lý để tất cả cán bộ đều có chữ ký điện tử. Việc triển khai các chương trình phần mềm về quản lý văn bản, quản lý luân chuyển các văn bản hiện nay làm sao để thay thế và giảm bớt giấy tờ cần được triển khai quyết liệt, đặc biệt làm việc trên môi trường mạng (sử dụng Edoc) mở rộng hơn.
Về việc triển khai Chính phủ điện tử, Phó Thống đốc yêu cầu tăng cường ứng dụng triển khai dịch vụ công trực tuyến cấp độ 3,4. “Văn phòng làm đầu mối cùng Cục CNTT, Vụ Thanh toán... phối hợp thực hiện đúng theo hướng dẫn của Chính phủ.
Về thực hiện quy chế làm việc, đề nghị các đơn vị, vụ, cục tiếp tục tăng cường phối hợp trong việc tham gia văn bản, xin ý kiến, đặc biệt đơn vị đầu mối phải phát huy được vai trò của mình. Trong quá trình xử lý công việc hồ sơ các đơn vị cần đẩy nhanh tiến độ. Ngoài ra, Phó Thống đốc lưu ý vấn đề tiết kiệm, công tác phòng chống cháy nổ... để có môi trường làm việc văn minh, hiệu quả…