Cải cách hành chính của NHNN: Nhìn từ lăng kính của nhà quản lý
“Cải cách hành chính là hành trình không có điểm dừng để phục vụ người dân, doanh nghiệp” | |
Cải cách hành chính: Điểm tựa thực hiện mục tiêu kép |
4 năm liền dẫn đầu bảng xếp hạng Chỉ số cải cách hành chính (CCHC) các bộ ngành (Par-Index) cho thấy những nỗ lực bứt phá không ngừng của NHNN trong công tác CCHC theo Nghị quyết 30c của Chính phủ. Song kết quả đó cũng đặt ra áp lực mới cho NHNN trong công tác CCHC.
Chính vì vậy, cuộc kiểm tra CCHC mà Ban chỉ đạo CCHC của Chính phủ tại NHNN hôm 26/6 là cơ hội để NHNN nhìn lại chính mình để từ đó đẩy nhanh tiến độ CCHC thực hiện thành công Kế hoạch 2010 - 2020 theo Nghị quyết 30c/NQ-CP.
Điểm tựa thành công từ ý chí cải cách
Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú cho biết, câu chuyện CCHC không chỉ được NHNN triển khai mạnh mẽ trong nhiệm kỳ này của Chính phủ và gần chục năm trước đó từ Nghị quyết 30c mà xa hơn nữa là cùng với quá trình đổi mới và cải cách của cả nước. CCHC được coi là một nhiệm vụ chính trị quan trọng của toàn Ngành với người đứng đầu, trực tiếp chỉ đạo là Thống đốc NHNN.
Từ đây, NHNN đã ban hành kế hoạch CCHC 5 năm, kế hoạch hàng năm điều chỉnh cho phù hợp với chỉ đạo Chính phủ và nhiệm vụ trọng tâm của ngành Ngân hàng, triển khai đồng bộ và quyết liệt trong toàn Ngành. CCHC trở thành một nội dung trong các cuộc họp, giao ban định kỳ của NHNN để đánh giá, kiểm điểm để có những điều chỉnh, chỉ đạo phù hợp.
“4 năm đứng đầu Par-Index, không đến từ kết quả của việc “ganh đua” thứ bậc mà là mong muốn của Ban lãnh đạo NHNN là phải làm tốt hơn vì đã ở vị trí đứng đầu thì phải làm cho xứng đáng”, Phó Thống đốc Đào Minh Tú chia sẻ. Sự quyết liệt này có thể thấy rõ trong việc NHNN đưa kết quả CCHC là một trong các tiêu chí xếp loại lãnh đạo các đơn vị. NHNN cũng chuyên biệt hóa công tác CCHC với 1 phòng chức năng riêng để kịp thời tham mưu chuyển hóa các chỉ đạo của Chính phủ thành các kế hoạch hành động cũng như giám sát việc triển khai thực hiện quyết liệt, kịp thời theo kế hoạch.
Thành quả cải cách có thể cảm nhận rất rõ. Phó chánh văn phòng Bộ Tư pháp Lê Thu Anh đánh giá, NHNN đã làm rất tốt về công tác xây dựng thể chế, tập trung ban hành văn bản tháo gỡ vướng mắc thuộc quyền quản lý của ngân hàng. 6 tháng đầu năm, 100% các văn bản ban hành đúng kế hoạch, không có hiện tượng nợ.
Đại diện từ Văn phòng Chính phủ, bà Nguyễn Thị Trà Lê cho biết, với đặc thù cải cách kiểm soát TTHC cho đối tượng quản lý là TCTD nhưng các TCTD này lại có rất nhiều các thủ tục liên quan đến người dân DN, CCHC ở NHNN ngoài việc tạo điều kiện thuận lợi cho các TCTD thì còn phải đảm bảo kiểm soát chặt chẽ các TCTD để các tổ chức này thực hiện các thủ tục dịch vụ với người dân và DN, không tác động, ảnh hưởng xấu đến môi trường kinh doanh, năng lực cạnh tranh.
Đây cũng là lý do CCHC được xem là nhiệm vụ của toàn Ngành với những yêu cầu gay gắt của NHNN với các TCTD trong việc cải cách thủ tục, hỗ trợ DN, và NHNN có các đợt kiểm tra, chấn chỉnh cũng như tháo gỡ vướng mắc cho các TCTD.
“Tôi thấy NHNN rất ý thức được vai trò của mình, thường xuyên chỉ đạo các TCTD cải cách thủ tục của họ. Riêng NHNN đối với cải cách TTHC đã 2 năm liền đứng đầu trong xếp hạng với các bộ ngành. Về đơn giản hóa chế độ báo cáo, NHNN là một trong số ít các bộ ban hành được Thông tư về vấn đề này trong năm 2018”, bà Lê cho biết.
Cần thêm những lực đẩy
Ông Nguyễn Trọng Thừa - Thứ trưởng Bộ Nội vụ, Phó trưởng ban Chỉ đạo CCHC Chính phủ nhận định, CCHC mạnh mẽ và thực chất của NHNN đã tương tác tích cực đến nền kinh tế với những thành quả rõ ràng: đẩy lùi lạm phát, ổn định tỷ giá; thúc đẩy sản xuất kinh doanh, xuất khẩu, đóng góp lớn cho GDP cả nước. Chưa kể những tác động xã hội lớn khác như hạn chế tín dụng đen, đóng góp vào kế hoạch phát triển DN của Chính phủ, tạo công ăn việc làm; góp phần ổn định nền kinh tế và hòa nhập với quốc tế.
Tuy nhiên ông Thừa cũng lưu ý, trong giai đoạn cuối thực hiện Nghị quyết 30c và các chỉ đạo của Chính phủ, NHNN cần phải làm tốt hơn nữa các nhiệm vụ đã đặt ra. Trong đó NHNN cần chú ý cơ cấu toàn diện tổ chức bộ máy theo quy định, đảm bảo tinh gọn hiệu quả. Cải cách hệ thống tín dụng hiệu quả hướng đến đáp ứng tiêu chuẩn khu vực.
Ông cũng đặt ra kỳ vọng NHNN sẽ tiếp tục đi đầu trong việc hiện đại hóa, ứng dụng công nghệ, thực hiện Chính phủ điện tử. NHNN không chỉ theo dõi đánh giá sự hài lòng của các TCTD, người dân và DN về CCHC mà Thống đốc cần theo dõi sự hài lòng của người dân đối với các TCTD để thúc đẩy công tác CHCC của Ngành tốt hơn, tiếp tục là một trong những đơn vị đi đầu trong công tác CCHC.
Đóng góp cho công tác CCHC của NHNN, đại diện các bộ ngành cũng đã chỉ ra những “điểm trừ” mà NHNN cần khắc phục trong thời gian tới để nâng cao công tác CCHC thực hiện Nghị quyết 02 của Chính phủ như chưa công bố kịp thời công bố thông tin ban hành văn bản, còn sót trong công tác kiểm tra rà soát văn bản. Hay như với việc nâng cao chỉ số tiếp cận tín dụng đã có tài liệu hướng dẫn nhưng thiếu kế hoạch đốc thúc các bộ ngành hoàn thành...
Ghi nhận những đóng góp của các bộ ngành cho công tác CCHC, Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết trên cơ sở chỉ đạo chung và kết luận của Đoàn kiểm tra tới đây, NHNN sẽ tiếp thu và có chương trình kế hoạch triển khai chấn chỉnh khắc phục ngay những yếu kém còn tồn tại trong năm nay.
Xác định CCHC không có điểm dừng, Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết NHNN cũng định hướng sẽ làm sâu, làm mạnh hơn nữa công cuộc CCHC để hòa nhịp cùng sự vận động không ngừng của nền kinh tế, khoa học kỹ thuật, hoàn thành chương trình CCHC giai đoạn 2010 - 2020 và tạo nền tảng cho kế hoạch CCHC giai đoạn tiếp theo và xa hơn nữa.