Cần một hệ sinh thái trong xử lý nợ xấu
XLNX có ý nghĩa quan trọng với sự phát triển bền vững của Việt Nam | |
Gạt đi nỗi lo "thất thoát tài sản" để XLNX theo cơ chế thị trường | |
Tháo gỡ căn bản vướng mắc liên quan đến xử lý nợ xấu |
Không có phép thần cũng như không có một phương thức hay giải pháp ngắn hạn nào có thể giải quyết được nhanh chóng nợ xấu. Xử lý nợ xấu (XLNX) là một quá trình lâu dài và để giải quyết được thì cần những bước đi mang tính quyết liệt. Trong khi đó cơ chế chính sách hỗ trợ của Nhà nước và Chính phủ cho XLNX còn thiếu, chưa đồng bộ, thiếu nguồn lực và cơ chế đặc thù cho VAMC hoạt động…
Sau 5 năm triển khai Đề án 254 (Đề án “Cơ cấu lại hệ thống các TCTD giai đoạn 2011-2015”) và Quyết định 843 phê duyệt đề án XLNX của các TCTD, nợ xấu đã được kiềm chế và tỷ lệ nợ xấu nội bảng đến cuối 2015 được đưa về mức dưới 3%. Đồng thời, Công ty Quản lý tài sản của các TCTD Việt Nam (VAMC) được chứng minh là công cụ đặc biệt, hỗ trợ các TCTD trong việc phân bổ chi phí XLNX, hỗ trợ cơ cấu lại DN qua đó góp phần XLNX, giảm thiểu rủi ro cho các TCTD, DN và thúc đẩy tăng trưởng tín dụng (TTTD) hợp lý cho nền kinh tế.
Quang cảnh hội thảo về XLNX ngày 26/9 |
Dù đã đạt được những kết quả khả quan nhưng nợ xấu hiện tại và nợ tiềm ẩn trở thành nợ xấu vẫn còn lớn, tiềm ẩn rủi ro đối với an toàn, hiệu quả hoạt động của các TCTD. Bên cạnh đó, quá trình XLNX còn gặp nhiều khó khăn, chủ yếu liên quan đến khâu xử lý TSBĐ. Trong khi đó, cơ chế chính sách hỗ trợ của Nhà nước và Chính phủ cho XLNX còn thiếu, chưa đồng bộ, thiếu nguồn lực và cơ chế đặc thù cho VAMC hoạt động…
Trên cơ sở những kết quả đạt được và những vướng mắc, thách thức đó, đồng thời tham khảo kinh nghiệm XLNX từ các nước có những điểm tương đồng với Việt Nam, NHNN đã tham mưu Chính phủ trình Quốc hội xem xét ban hành Nghị quyết 42 về thí điểm XLNX của các TCTD. Nghị quyết này được thông qua vào tháng 6/2017.
Tại Hội thảo: “XLNX tại Việt Nam: Giảm thiểu các rủi ro trong ngành NH và cải thiện sự phát triển của nền kinh tế” do NHNN và Nhóm Ngân hàng Thế giới (WBG) tổ chức ngày 26/9/2017, các chuyên gia đều đánh giá cao mục tiêu và tính tích cực của Nghị quyết này. Như theo TS. Katia D’Hulster, chuyên gia cao cấp ngành tài chính của WBG, việc Nghị quyết 42 đã đưa ra các tiêu chí cả về định tính và định lượng trong việc xác định và ghi nhận nợ xấu là một điều tích cực và cho thấy Việt Nam đang đi theo đúng các tiêu chuẩn và thông lệ quốc tế.
Trong khi đó, bà Beatrice Maser, Đại sứ Thụy Sỹ tại Việt Nam nhìn nhận: “Nợ xấu gây ảnh hưởng tới ổn định của nền tài chính, gây tổn hại tới những hoạt động kinh tế, nhất là tác động tới các DNNVV trong tiếp cận vốn để đầu tư, tăng trưởng, tạo công ăn việc làm. Nghị quyết 42 ra đời đã đặt ra những nguyên tắc cơ bản để đảm bảo một nền tài chính lành mạnh của Việt Nam”.
Tuy nhiên bà Beatrice Maser cũng cho rằng, XLNX là một quá trình lâu dài và để giải quyết được thì cần những bước đi mang tính quyết liệt. Trong đó, những chính sách và giải pháp mang tính “tư duy nhiệm kỳ” cần phải được thay thế bởi những nỗ lực và chương trình hành động quả quyết và mang tính lâu dài. Bên cạnh đó, những khoản nợ xấu có thể mang ra “buôn bán” được trên thị trường cũng chỉ là những giải pháp ngắn hạn mà cùng với đó cần phải tiến hành song song công việc tái cơ cấu và nâng cao quản trị. Đồng thời trong quá trình đó, một nền tảng giám sát NH toàn diện cần phải được xây dựng.
Phát biểu tại hội thảo, Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho biết: Nghị quyết 42 đã đưa ra những giải pháp, chính sách để thực hiện thí điểm cho XLNX trong giai đoạn tới. Các giải pháp này sẽ góp phần hỗ trợ cho quá trình XLNX của TCTD, chi nhánh NH nước ngoài và công ty quản lý tài sản, theo hướng triển khai nhanh, dứt điểm và qua đó đóng góp cho hoạt động của các TCTD được an toàn, hiệu quả và phát huy vai trò trung gian tài chính để đóng góp sự phát triển kinh tế. Sau khi Nghị quyết 42 và Quyết định 1058 phê duyệt Đề án tái cơ cấu giai đoạn 2016-2020 được ban hành, Thống đốc NHNN đã chỉ đạo quyết liệt để ban hành các chỉ thị, chương trình, kế hoạch hành động triển khai. Tuy nhiên quá trình tái cơ cấu, XLNX là quá trình rất khó khăn, cần nhiều thời gian nguồn lực nên việc học hỏi kinh nghiệm từ các nước trên thế giới, qua đó có thêm các bài học trong triển khai là rất cần thiết. Ban lãnh đạo NHNN hy vọng đây là cuộc hội thảo rất có ý nghĩa và những thông tin chia sẻ sẽ là đầu vào hữu ích trong quá trình XLNX trong thời gian tới. Sự tham gia của đông đảo đại diện các bộ, ban, ngành tại hội thảo cũng sẽ giúp nhiều cho quá trình XLNX vì nợ xấu do nhiều nguyên nhân nên cần sự phối hợp của các bên liên quan. |
Đồng tình với quan điểm trên, ông TS. Sumant Battra, Giám đốc chuyên môn phụ trách điều hành, Công ty Luật Kesar Dass & Associates của Ấn Độ cho biết, với kinh nghiệm làm việc ở các châu lục khác nhau trong hơn 20 năm qua ông tự tin kết luận rằng, không có phép thần nào trong XLNX, cũng như không có một phương thức hay giải pháp ngắn hạn nào để có thể giải quyết được nhanh chóng nợ xấu. “Nợ xấu rất phức tạp và cần có một hệ sinh thái trong XLNX”, chuyên gia này nhấn mạnh.
Các chuyên gia cũng cho rằng ở nước nào cũng vậy, cùng với quá trình TTTD và tăng trưởng kinh tế thì nợ xấu phát sinh là điều tất yếu. Vấn đề đặt ra là làm sao quản lý được nợ xấu ở mức độ an toàn cho mỗi TCTD nói riêng cũng như cho hệ thống và nền kinh tế nói chung, xây dựng các hệ thống giám sát và cảnh báo sớm để ngăn chặn nợ xấu mới vượt ngoài tầm kiểm soát. Điều đó đòi hỏi nỗ lực từ từng TCTD cũng như của cả hệ thống với một khung khổ hành lang pháp lý rõ ràng cho cả việc tuân thủ và xử lý.
Đáng lưu ý, qua nghiên cứu quá trình phát triển của các công ty công quản lý tài sản công (AMC) ở nước trên thế giới, bà Ruth Neyens, chuyên gia XLNX cho biết các AMC này hoạt động đều theo luật được thiết kế rất chi tiết, cụ thể. “Khi bắt tay vào XLNX thì cần sự đồng thuận cao. Và khi chúng ta càng chi tiết, cụ thể về cách làm của AMC thì sẽ càng ít tranh cãi khi tiến hành đưa ra các quyết định như bán thanh lý tài sản. Luật sẽ mang lại hành lang và tính độc lập để AMC có thể theo đó mà làm chứ không còn phải hỏi ai nữa cả. Tức là khi Chính phủ đã cho AMC quyền làm gì thì cứ theo quyền đó mà làm thôi”, bà Ruth Neyens nói.
Trong khi đó theo TS.Jenniffer Isern – Giám đốc Khối tư vấn tài chính và thị trường phụ trách khu vực Đông Á và Thái Bình Dương của WBG, XLNX có ý nghĩa hết sức quan trọng, giúp cho các TCTD tiếp tục phát huy tốt vai trò kênh dẫn vốn chủ đạo, đáp ứng nhu cầu vốn cho hoạt động sản xuất kinh doanh của nền kinh tế. Với cách tiếp cận đó, WB cam kết hỗ trợ Việt Nam triển khai các giải pháp phù hợp với điều kiện đặc thù, nhất là cải thiện khung pháp lý và giám sát, thiết lập môi trường và hệ thống pháp lý lành mạnh và thuận lợi cũng như hình thành một thị trường mua bán nợ xấu hoạt động hiệu quả.