Tháo gỡ căn bản vướng mắc liên quan đến xử lý nợ xấu
Thông qua Nghị quyết về thí điểm xử lý nợ xấu của các TCTD | |
Xử lý nợ xấu: Không có vùng cấm cho các sai phạm | |
Xử lý nợ xấu, chắc chắn lãi suất sẽ giảm |
Sáng ngày 21/6, tại Hội trường Diên Hồng – Nhà Quốc hội với 424 ý kiến tán thành, chiếm tỷ lệ 86,35% đại biểu tham gia biểu quyết, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về xử lý nợ xấu (XLNX) của các tổ chức tín dụng (TCTD). Đây là Nghị quyết thí điểm mang tính đặc thù giải quyết khoản nợ xấu phát sinh bất thường trong thời gian vừa qua.
Không sử dụng ngân sách để XLNX
Theo Nghị quyết này, nguyên tắc XLNX phải bảo đảm công khai, minh bạch, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức mua bán, XLNX và cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan; Phù hợp với cơ chế thị trường trên nguyên tắc thận trọng, bảo đảm quyền lợi của người gửi tiền và giữ vững sự ổn định, an toàn hệ thống; Không sử dụng ngân sách nhà nước để XLNX; Cơ quan, tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật để xảy ra nợ xấu và trong quá trình XLNX phải chịu trách nhiệm theo quy định của pháp luật.
Nghị quyết về XLNX được Quốc hội thông qua và có hiệu lực từ ngày 15/8 tới đây là một bước để hoàn thiện hành lang pháp lý |
Nợ xấu quy định tại Nghị quyết này là khoản nợ hình thành trước ngày 15 tháng 8 năm 2017 gồm: Được xác định là nợ xấu theo quy định tại Phụ lục Về xác định nợ xấu ban hành kèm theo Nghị quyết này trước ngày 15/8/2017; Được xác định là nợ xấu theo quy định tại Phụ lục Về xác định nợ xấu ban hành kèm theo Nghị quyết này trong thời gian Nghị quyết có hiệu lực. Trường hợp cần thiết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, sửa đổi Phụ lục theo đề nghị của Chính phủ và báo cáo Quốc hội tại kỳ họp gần nhất. TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức mua bán, XLNX chịu trách nhiệm xác nhận bằng văn bản khoản nợ là nợ xấu khi có yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong quá trình XLNX, tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu theo quy định tại Nghị quyết này.
Đối với việc bán nợ xấu và tài sản bảo đảm, Nghị quyết cho phép giá bán phù hợp với giá thị trường, có thể cao hơn hoặc thấp hơn dư nợ gốc của khoản nợ. Việc mua, bán nợ xấu của tổ chức mua bán, XLNX: Tổ chức mua bán, XLNX được mua khoản nợ xấu đang hạch toán trong, ngoài bảng cân đối kế toán của TCTD, trừ TCTD liên doanh và TCTD 100% vốn nước ngoài, được chuyển khoản nợ xấu đã mua bằng trái phiếu đặc biệt thành khoản nợ xấu mua theo giá thị trường theo hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Tổ chức mua bán, XLNX được bán nợ xấu cho pháp nhân, cá nhân, bao gồm cả pháp nhân, cá nhân không có chức năng kinh doanh mua, bán nợ...
TCTD được quyền thu giữ tài sản bảo đảm
Quyền thu giữ tài sản bảo đảm, một trong những vấn đề được quan tâm thời gian qua và xem như là vướng mắc lớn nhất trong quá trình XLNX đã được Điều 7, Nghị quyết quy định: Bên bảo đảm, bên giữ tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu có nghĩa vụ giao tài sản bảo đảm kèm theo đầy đủ giấy tờ, hồ sơ pháp lý của tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu cho TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức mua bán, XLNX để xử lý theo thỏa thuận trong hợp đồng bảo đảm và quy định của pháp luật về giao dịch bảo đảm. Trường hợp bên bảo đảm, bên giữ tài sản không giao tài sản bảo đảm cho TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức mua bán, XLNX để xử lý thì TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức mua bán, XLNX được thu giữ tài sản bảo đảm theo quy định tại điều này.
Bên cạnh đó, TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức mua bán, XLNX có quyền thu giữ tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu của bên bảo đảm, bên giữ tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu khi đáp ứng đầy đủ các điều kiện: Khi xảy ra trường hợp xử lý tài sản bảo đảm theo quy định tại Điều 299 Bộ luật Dân sự; Tại hợp đồng bảo đảm có thỏa thuận về việc bên bảo đảm đồng ý cho TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài có quyền thu giữ tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu khi xảy ra trường hợp xử lý tài sản bảo đảm theo quy định của pháp luật; Giao dịch bảo đảm hoặc biện pháp bảo đảm đã được đăng ký theo quy định của pháp luật; Tài sản bảo đảm không phải là tài sản tranh chấp trong vụ án đã được thụ lý chưa giải quyết hoặc đang giải quyết tại tòa án có thẩm quyền; không đang bị tòa án áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời; không đang bị kê biên hoặc áp dụng biện pháp bảo đảm thi hành án theo quy định của pháp luật....
Ông Nguyễn Văn Thắng |
Đại biểu Nguyễn Văn Thắng – Chủ tịch HĐQT VietinBank: Giải quyết được vấn đề căn bản của thị trường
Trong suốt giai đoạn vừa qua, theo thống kê của NHNN, việc XLNX chủ yếu do tự các NHTM xử lý với con số trên 50 nghìn tỷ đồng với các hình thức đôn đốc, động viên khách hàng trả nợ và theo con đường khởi kiện ra tòa. Đặt ra vấn đề như vậy để thấy Nghị quyết về XLNX rất cần thiết, bởi vì nó giải quyết được vấn đề căn bản của thị trường mua bán nợ, nơi đó có hàng hóa có người mua, người bán và thực sự chúng ta có thể bán được nợ xấu và bán hơn giá trước đây rất nhiều.
Thay vì phải có chức năng kinh doanh mới được mua bán nợ như trước đây, theo Nghị quyết, mọi tổ chức, cá nhân đều được tham gia mua nợ xấu và các cá nhân này được kế thừa quyền của chủ nợ đối với tài sản bảo đảm của khoản nợ, kể cả các tài sản quyền sử dụng đất cũng như tài sản gắn liền với đất.
Nghị quyết cho phép các tổ chức được bán các khoản nợ theo giá thị trường, mặc dù nội dung này rất nhỏ nhưng quyết định đến việc chúng ta có bán được hay không. Đối tượng mua bán nợ là mọi cá nhân tổ chức có quyền tham gia là rất tốt cho việc XLNX. Ngoài ra, những quy định về nguyên tắc XLNX, các nguyên tắc XLNX và tài sản bảo đảm đã tạo được hành lang pháp lý và tháo được vướng mắc trong XLNX và tài sản bảo đảm gắn với nợ xấu.
Ông Lưu Bình Nhưỡng |
Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre): Giải cứu cho nền kinh tế, cho tất cả các quan hệ xã hội
Nghị quyết về XLNX của các TCTD được Quốc hội thông qua và có hiệu lực từ ngày 15/8 tới đây là một bước để chúng ta hoàn thiện hành lang pháp lý. Đặc biệt, quy định về thủ tục rút gọn trong giải quyết tranh chấp liên quan đến tài sản bảo đảm tại tòa án sẽ tháo gỡ nhiều vướng mắc trong quá trình XLNX hiện nay.
Các khoản nợ tín dụng là những khoản nợ lớn và có ảnh hưởng rất lớn đến nền kinh tế, đặc biệt trong giai đoạn hiện nay đang huy động các nguồn lực cho phát triển kinh tế. Vậy nên, Nghị quyết đưa ra thủ tục rút gọn trong giải quyết tranh chấp liên quan đến tài sản bảo đảm là bước kiểm nghiệm để hoàn thiện pháp luật. Ở đây không phải là vấn đề giải cứu tín dụng, mà là giải cứu cho nền kinh tế, giải cứu cho tất cả các quan hệ xã hội. Đây là bước đầu tiên thí điểm, cho nên tôi cũng như các ĐBQH ủng hộ.
Ông Trần Hoàng Ngân |
Đại biểu Trần Hoàng Ngân (TP. Hồ Chí Minh): Giúp lưu thông các tài sản bất động sản
Nghị quyết về XLNX được Quốc hội thông qua không chỉ để giải quyết vấn đề “xóa” nợ xấu mà quan trọng hơn Nghị quyết còn tháo gỡ cơ bản những điểm nghẽn trong xử lý tài sản thế chấp trong cầm cố, tài sản bảo đảm, từ đó đảm bảo công bằng giữa người đi vay và cho vay. Và khi chúng ta xử lý được nợ xấu sẽ giúp cho thị trường tiền tệ lưu thông tốt hơn, dư nợ tín dụng có điều kiện tăng đều và hiệu quả. Mặt khác, khi giải quyết được nợ xấu thì giảm chi phí xã hội, chi phí trích lập dự phòng rủi ro, giúp cho lãi suất ngân hàng giảm, đóng góp chung cho nền kinh tế phát triển.
Một điểm quan trọng nữa là Nghị quyết về XLNX được Quốc hội thông qua và có hiệu lực sẽ giúp cho các công trình, dự án bất động sản dở dang đó được “lưu thông” và như vậy sẽ chống được sự lãng phí của xã hội.