Cần một lộ trình ứng xử với rác
Dragon Capital phát động cuộc thi ảnh chủ đề về môi trường | |
Nhức nhối kênh Ba Bò | |
Đừng nhẫn tâm với những hàng cây |
Theo Hiệp hội Bảo tồn đại dương, vấn nạn rác thải nhựa là một trong những thách thức môi trường lớn nhất thế giới. 5 nước ở châu Á đang phải tích cực xử lý vấn nạn ô nhiễm rác thải nhựa là Việt Nam, Trung Quốc, Indonsia, Philippines và Thái Lan. Lượng rác thải rắn tại Việt Nam được dự đoán sẽ tăng 38% từ 11,6 triệu tấn (năm 2016) lên 15,9 triệu tấn (năm 2030). Rác thải bao bì nói chung, rác thải nhựa nói riêng (chiếm gần 40% tổng lượng rác thải bao bì) đang được tái chế với tỷ lệ thấp, dưới 10%. Số còn lại được xử lý bằng công nghệ chôn lấp hoặc được thải trực tiếp ra môi trường.
Trước nguy cơ bị rác thải nhựa bủa vây, đang từng ngày từng giờ gậm nhấm môi trường, sức khỏe cộng đồng, 9 công ty hàng đầu trong lĩnh vực hàng tiêu dùng và bao bì đã bắt tay nhau thành lập Liên minh Tái chế bao bì Việt Nam (PRO Vietnam) - một tổ chức tự nguyện phi lợi nhuận, tập trung hỗ trợ phát triển một hệ sinh thái thu gom, tái chế bao bì trong nước đủ mạnh, giúp tăng tỷ lệ tái chế và giảm thiểu tỷ lệ bao bì thải ra môi trường. Cụ thể, PRO Vietnam sẽ đẩy mạnh hỗ trợ các hoạt động trên các lĩnh vực gồm nâng cao nhận thức người tiêu dùng về tái chế và phân loại rác, làm vững mạnh hệ sinh thái thu gom bao bì sẵn có. Đồng thời, PRO Vietnam cũng hỗ trợ các chương trình tái chế của nhà máy xử lý và các nhà máy sản xuất nguyên liệu tái chế.
Sự ra đời của PRO Vietnam như một cam kết đồng hành cùng nỗ lực của Chính phủ trên hành trình bảo vệ môi trường, tạo ra nền kinh tế tuần hoàn, trong đó những sản phẩm thải bỏ từ công đoạn này sẽ được sử dụng ở giai đoạn khác nhằm giảm lượng phát thải ra môi trường. Để làm được điều đó, cần sự nỗ lực chung, cả từ Chính phủ, doanh nghiệp đến hộ gia đình.
Doanh nghiệp chỉ mất vài giây để sản xuất một cái túi ni-lon, một vỏ chai nhựa, một ống hút nhựa, người dân sử dụng trong vài phút và thải loại trong tích tắc. Còn rác nhựa phải mất hàng chục, thậm chí, hàng nghìn năm để phân hủy hoàn toàn. Hiện đã có một số doanh nghiệp sản xuất sản phẩm túi phân hủy từ tinh bột, hoặc túi, ống hút, găng tay, cốc giấy phân hủy sinh học... nhưng vẫn như sao buổi sớm!
Nhìn nhận một cách khách quan, cần sớm có các chính sách, pháp luật cụ thể về vấn đề này. Ở góc độ môi trường, việc quản lý, giảm thiểu chất thải nhựa cần phải có cách tiếp cận quản lý theo vòng đời sản phẩm, từ thiết kế, sản xuất, đóng gói, tiêu dùng, thải bỏ, thu hồi, xử lý và tái chế chất thải nhựa. Cần sử dụng tổng hợp nhiều công cụ chính sách, kinh tế, kỹ thuật, quy chuẩn mang tính bắt buộc. Đồng thời, tăng cường hỗ trợ các hoạt động tái chế nhựa thân thiện môi trường và nâng cao trách nhiệm của nhà sản xuất, nhà nhập khẩu đối với rác thải nhựa. Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, đang nghiên cứu tham mưu bổ sung bao bì nhựa vào đối tượng chịu thuế và nâng cao mức thuế suất để hạn chế việc sản xuất, tiêu dùng. Trong định hướng sửa Luật bảo vệ Môi trường sẽ được Chính phủ trình Quốc hội vào tháng 5/2020 và dự kiến sẽ thông qua luật này vào cuối năm 2020, Bộ Tài nguyên và Môi trường tham mưu điều chỉnh 8 nội dung chính của luật, trong đó có những nội dung liên quan đến rác thải nhựa.
Trước đó, Hà Nội yêu cầu không dùng sản phẩm nhựa sử dụng một lần trong tổ chức các sự kiện của cơ quan, đơn vị và tiến tới không sử dụng các sản phẩm này trong các hoạt động thường nhật từ nay đến năm 2020; các trung tâm thương mại, siêu thị phấn đấu đến hết ngày 31/12/2020, 100% không dùng túi ni-lon khó phân hủy; phấn đấu đến năm 2025, các doanh nghiệp sản xuất không sản xuất các sản phẩm nhựa dùng một lần, túi ni-lon khó phân hủy;…
Một mặt, Việt Nam đã và đang huy động sự tham gia của cả xã hội vào phong trào chống rác thải nhựa, phấn đấu đến năm 2025 không sử dụng đồ nhựa dùng một lần. Mặt khác, người đứng đầu Chính phủ Việt Nam cũng đề nghị các nước chung tay xây dựng các thể chế, quy định về biển và đại dương nhằm kiểm soát, giảm thiểu và ngăn ngừa rác thải nhựa biển; trong đó có sáng kiến về thúc đẩy hình thành mạng lưới toàn cầu về chia sẻ dữ liệu biển - đại dương và tiến tới Khuôn khổ toàn cầu về ngăn ngừa rác thải nhựa biển vì các đại dương xanh tại Hội nghị Thượng đỉnh G20 tại Osaka, Nhật Bản mới đây.