Đừng nhẫn tâm với những hàng cây
Cả chục năm qua, không ít hộ dân cho rằng cây xanh trước cửa nhà mình gây vướng víu, ảnh hưởng đến gia đình, phải chặt bỏ. Họ nghĩ ra vô vàn kế, khi thì đổ nước sôi, khi đổ hóa chất, a-xít... Có hộ tự ý dùng dao, cưa cho nhanh. Những năm qua, nhiều trường hợp phá hoại tài sản chung đã gây ra bức xúc trong nhân dân tại Láng Hạ, Khâm Thiên… Xót xa hơn, tại phố Phó Đức Chính, mới đây 3 cây xà cừ đã chết khô cùng một lúc. Theo phản ánh của một số người dân trong khu vực, những cây xà cừ này và một số cây cạnh đó đã bị chằng dây đèn điện một thời gian dài, bị đóng đinh vào thân để treo biển quảng cáo, căng bạt bán hàng.
Vẻ đẹp cây xanh Hà Nội |
Một kiểu triệt hạ khác cho thấy sự bất cần và cũng hết sức vô cảm của không ít người dân, đó là vào những ngày lễ, tết hay ngày rằm, họ đốt vàng mã “hun” luôn gốc cây. Nhiều hộ dân chất cả đống vàng mã, gây lửa khói nghi ngút, bụi mù mịt cả góc phố. Tuy cây không chết ngay, nhưng sự việc cứ trở đi trở lại sẽ khiến sức đề kháng của cây yếu và khô dần. Rõ nhất là cây xà cừ trước cửa số nhà 1116 Đê La Thành, một phần gốc cây đã bị cháy, thành sẹo do việc đốt vàng mã.
Khảo sát trên những con phố, chúng tôi nhận thấy nhiều cây xanh bị chết khô, có cây đã được cưa sát gốc. Cây thì bị kẻ xấu chặt trộm, cây bị đổ hóa chất, đổ a-xít hoặc nước sôi, cây bị quấn chằng chịt dây điện… Có những hộ bán hàng đã rất “sáng tạo”, lấy thân cây làm giá treo hàng. Sự việc này phổ biến trên đường Đê La Thành, nơi có khá nhiều hộ kinh doanh sắt thép, vật liệu xây dựng, đồ gỗ. Một cụ già sinh sống ở khu vực này cho biết: “Đây là con phố được ghi nhận có nạn lấn chiếm vỉa hè, lòng đường ở mức cao kỷ lục. Hơn thế, nhiều người chẳng có ý thức. Họ chất đồ quanh gốc, đè lên cây, để xe ô tô bốc dỡ hàng húc vào cây”.
Chúng tôi còn ghi nhận nhiều hộ kinh doanh sắt thép đã đóng đinh vào thân cây và treo lỉnh kỉnh nhiều thứ đồ. Tại phố Đặng Dung và Lý Thường Kiệt, một số hộ kinh doanh hàng ăn cũng đặt bếp than, lò nướng ngay dưới gốc cây. Một số khác dùng gạch, xi-măng bịt kín xung quanh gốc, làm nước mưa không ngấm xuống đất, khiến rễ cây nghẹt thở và chết dần.
Ông Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hiệp hội Công viên cây xanh Việt Nam cho biết, cây xanh cũng như con người, cần phải được chăm sóc và bảo vệ. Nhưng ở nhiều thành phố lớn như TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội, người ta đã ứng xử quá kém với cây xanh, từ đó dẫn đến diện tích cây xanh đô thị bị thu hẹp. “Người ta nhẫn tâm quá, đã bức hại cây cối bằng nhiều cách. Giá cái cây mà biết nói, nó sẽ tố ra. Nhưng cái cây lại chỉ là cái cây… Chính bệnh vô cảm, bất cần của một bộ phận người dân đã bức hại cây xanh”, ông Chính thở dài.
Điều đáng nói, trong quá trình phát triển đô thị, xây dựng hạ tầng, chúng ta đã phải chặt và di dời biết bao cây xanh, rồi lại đã phải tốn rất nhiều công sức và tiền bạc để trồng những hàng cây mới, trên những tuyến phố mới. Nhưng cũng phải mất vài chục năm để chúng trở thành tán rộng làm bóng mát cho con người, cho đô thị. Và ở một khía cạnh nào đó, hy sinh cây xanh để nhường chỗ cho hạ tầng luôn là một mất mát.
Cây xanh là linh hồn của phố xá, là những lá phổi xanh của đô thị. Như kiến trúc sư Phạm Thanh Tùng - Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam, thì cây xanh là một thành tố của đô thị văn minh, văn hóa. Bảo vệ cây xanh là góp phần bảo vệ sinh quyển văn hóa của Hà Nội, của hồn phố. Con người không có cớ gì nhẫn tâm với những hàng cây đã và đang làm cho cuộc sống có ý nghĩa, đẹp hơn, văn minh và đáng sống hơn.