Cạnh tranh quyết liệt ở bán lẻ
Khi bán lẻ là trọng tâm cốt lõi | |
BIDV tiếp tục được vinh danh là Ngân hàng bán lẻ tốt nhất Việt Nam | |
Khi bán lẻ trở thành mục tiêu đầu |
Từ ngày 1/1/2017 đến nay, tỷ lệ tối đa sử dụng nguồn vốn ngắn hạn để cho vay trung, dài hạn đối với các NHTM giảm từ 60% xuống 50%, đồng thời hệ số rủi ro đối với các khoản phải đòi để kinh doanh bất động sản tăng từ 150% lên 200%. Quy định này vô hình trung làm hạn chế nguồn cung tín dụng trung, dài hạn buộc những NHTM đó phải tối ưu hóa việc sử dụng vốn. Trong khi kiếm tiền bằng dịch vụ, nguồn tiền rất bền vững, và đặc biệt không phải trích lập dự phòng rủi ro nợ xấu. Trường hợp thành công ở mảng dịch vụ hiện nay được minh chứng ở một số NH nước ngoài.
Nếu nhìn vào báo cáo tài chính năm 2016 của Ngân hàng TNHH MTV HSBC Việt Nam, tổng tài sản đạt hơn 71.138 tỷ đồng, vốn điều lệ 7.528 tỷ đồng, nhưng tổng lợi nhuận trước thuế đã là 1.801 tỷ đồng. Cụ thể hơn, nếu thu nhập lãi thuần trong năm đạt 2.396 tỷ đồng, thì lãi thuần từ hoạt động dịch vụ đã là 628 tỷ đồng. Trong đó, lãi thuần từ hoạt động kinh doanh ngoại hối tăng mạnh tới 66% lên 754 tỷ đồng. Bên cạnh đó, chi phí hoạt động của HSBC giảm so với năm trước còn 1.845 tỷ đồng.
Các hoạt động phi tín dụng đem lại lợi nhuận nhưng ít rủi ro và bền vững |
Biết vậy nhưng khi được hỏi, phần lớn các lãnh đạo NH cũng thừa nhận không dễ để thực hiện mục tiêu đã đề ra. Cụ thể, để đi đúng định hướng kế hoạch tái cơ cấu các TCTD giai đoạn 2016-2020 theo yêu cầu của NHNN, tăng nguồn thu dịch vụ lên trên 30%, một số NH cho biết trong kế hoạch hoạt động năm 2017 của mình, họ giảm tín dụng khách hàng doanh nghiệp, tập trung nhiều hơn cho tín dụng doanh nghiệp nhỏ và vừa, tín dụng thể nhân... nhưng kết quả vẫn chưa khả quan.
Trường hợp của Vietcombank là một ví dụ. Với một NHTM lớn của Việt Nam như Vietcombank, tín dụng vẫn đang là đóng góp trực tiếp cho lợi nhuận (với 18,9%). Trong khi lợi nhuận trước thuế sau trích lập dự phòng là 8.212 tỷ đồng. Thu từ dịch vụ của Vietcombank mới chỉ tập trung vào doanh số thanh toán quốc tế - tài trợ thương mại đạt tới 54,02 tỷ USD; doanh số mua bán ngoại tệ (không bao gồm giao dịch liên ngân hàng) đạt 34,63 tỷ USD; dịch vụ chuyển tiền kiều hối đạt 1,64 tỷ USD…
Đáng kể là dư quỹ dự phòng rủi ro của Vietcombank đến cuối 2016 đã lên tới 8.202 tỷ đồng. Vietcombank kỳ vọng sẽ có lợi nhuận khả quan hơn nếu quá trình tăng thu hồi và xử lý nợ xấu càng nhanh thì càng tăng hoàn nhập dự phòng vào lợi nhuận do đã trích lập hết dự phòng rủi ro, mua lại hết nợ xấu tại Công ty Quản lý tài sản các TCTD Việt Nam (VAMC) năm 2016, ông Nghiêm Xuân Thành, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Vietcombank bật mí.
Còn với VIB, năm 2016, tỷ lệ nguồn vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn đạt 47,1%. Đóng góp mạnh nhất cho tổng thu nhập hoạt động đạt 3.401 tỷ, đến từ hoạt động dịch vụ đạt 255 tỷ, cao hơn năm 2015 53%. Thời gian qua, VIB nỗ lực chuyển hướng đẩy mạnh các hoạt động khác như kinh doanh ngoại hối, mua bán chứng khoán đầu tư, thu nhập từ góp vốn, mua cổ phần đều tăng trưởng so với năm 2015. Mỗi năm, ngân hàng này cố gắng tăng trưởng mảng dịch vụ để thực hiện mục tiêu.
Dù rằng năm 2016, NH này đã đạt danh hiệu "Ngân hàng bán lẻ phát triển nhanh nhất tại Việt Nam" từ tạp chí Global Banking And Finance Review, và ứng dụng MyVIB cũng giành giải “Ứng dụng Ngân hàng di động có trải nghiệm khách hàng tốt nhất Việt Nam 2016” của tạp chí The Asset nhưng có thể đó chưa thực sự là kết quả cuối cùng.
Có lẽ vì vậy mà ngân hàng này tiếp tục xin cổ đông thông qua chủ trương nhận chuyển nhượng mảng bán lẻ của một tổ chức tín dụng tại Việt Nam (gồm tài sản và công nợ để khai thác trong hệ thống) trong năm 2017. Trong dự toán kinh phí hoạt động VIB cũng dành một lượng vốn góp tối đa để thực hiện các phi vụ mua bán và sáp nhập đóng góp tăng trưởng lợi nhuận 750 tỷ đồng trong năm 2017. Chưa biết kết quả sẽ thế nào nhưng có thể nói quyết định này sẽ mở ra cơ hội mới để VIB mở rộng thị phần ngân hàng bán lẻ của mình, miễn là chất lượng tài sản tốt, minh bạch, ông Hàn Ngọc Vũ, Tổng giám đốc VIB khẳng định.
Nhìn một cách khách quan, thu nhập của người dân đang tăng lên cùng với sự tăng trưởng kinh tế đang tạo cơ hội lớn cho các NHTM vừa giúp người tiêu dùng gia tăng giá trị tài sản và quản lý tốt hoạt động kinh doanh của mình vừa thực hiện các hoạt động thanh toán hàng ngày. Đơn cử, chỉ riêng các hoạt động phi tín dụng, như thu phí các dịch vụ cá nhân, doanh nghiệp (gồm chuyển tiền, bảo hiểm, kế toán, dịch vụ tư vấn đầu tư, thanh toán quốc tế) đem lại lợi nhuận nhưng ít rủi ro và bền vững hơn là hoạt động tín dụng.
Trên cơ sở định hướng vào mảng bán lẻ, ngân hàng đó không chỉ tập trung xây dựng và quản trị sản phẩm, mà còn hình thành một đội ngũ tư vấn chuyên nghiệp, am hiểu sản phẩm đảm bảo khách hàng hiểu rõ được những rủi ro cũng như các lợi ích tiềm năng mà sản phẩm đó đem lại. Chỉ có như vậy, bán lẻ mới mong thu hút được người tiêu dùng, còn ngân hàng thu được phí. Tuy nhiên, định hướng hay chiến lược, vấn đề còn lại là ngân hàng đó có kiên định với mục tiêu mà mình đề ra hay không mà thôi.
Nhìn vào thực trạng tăng trưởng tín dụng 4 tháng đầu năm 2017, được Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng công bố, tín dụng tăng cao nhất trong 6 năm gần đây, đạt 4,86%, trong khi cùng kỳ chỉ tăng 3%. Điều này cho thấy sự phục hồi kinh tế ngày càng rõ nét hơn, nhất là trong lĩnh vực công nghiệp. Bên cạnh đó, nỗ lực từ các ngân hàng trong tìm kiếm những đối tác phù hợp để cho vay và kiểm soát được dòng tiền tốt hơn nên tốc độ giải ngân đã nhanh hơn. Tuy nhiên vẫn còn những lo ngại từ một số chuyên gia, trong điều kiện kinh tế vĩ mô ổn định, chỉ số giá tiêu dùng tháng 4 không tăng mặc dù đã điều chỉnh giá dịch vụ y tế bước hai tại 14 tỉnh, thành phố. Lo ngại là vì tín dụng vẫn phụ thuộc quá nhiều vào thị trường bất động sản và sức khỏe của các doanh nghiệp. |