Khi bán lẻ trở thành mục tiêu đầu
Phát triển hệ thống thanh toán bán lẻ tại Việt Nam - Cơ hội và thách thức | |
Công nghệ giúp nâng tầm quản trị | |
Không chỉ để quảng bá hình ảnh |
Moody’s dự báo kinh tế Việt Nam sẽ tiếp tục tăng trưởng vững (6,1% trong năm nay và 6% trong năm tới) nhờ các hoạt động xuất khẩu và đầu tư nước ngoài sôi động. Ngoài ra, lạm phát và lãi suất ổn định đang hỗ trợ cho nhu cầu trong nước và tiêu dùng của các hộ gia đình. Mặc dù tăng trưởng tín dụng đã dịch chuyển về phía vay tiêu dùng và cho vay DN vừa và nhỏ (SME) với lãi suất cao hơn, nhưng lãi suất tiết kiệm cũng tăng.
Thêm nữa, tốc độ tăng trưởng tín dụng gia tăng, trong khi nguồn vốn bên ngoài hạn chế, Moody’s nhận định khả năng sinh lợi của các NH Việt Nam ổn định ở mức thấp, chất lượng tài sản cũng sẽ ổn định, nhưng vẫn còn yếu trong 12-18 tháng tới. Tổ chức này đánh giá rằng sự tăng trưởng tín dụng nhanh chóng là một yếu tố tiêu cực đối với chất lượng tài sản trong tương lai của các NH.
NH tập trung bán lẻ dịch vụ tài chính, người tiêu dùng hưởng lợi |
Và khi Việt Nam hội nhập sâu vào nền kinh tế thế giới thì hệ thống NHTM Việt Nam cũng phải sẵn sàng đối mặt với những thách thức của tự do hóa và toàn cầu hóa. Để thích ứng và phát triển, mỗi định chế tài chính đều đề ra một chiến lược chiếm lĩnh những mảng thị trường riêng biệt, tạo ra sức mạnh thị trường phù hợp với tiềm lực tài chính cũng như khả năng định lượng được rủi ro cho mỗi giao dịch phát sinh. Lượng hóa được rủi ro sẽ giúp TCTD lượng hóa được số vốn cần thiết cho mỗi giao dịch.
Thực tế, không chỉ trong báo cáo của Moody’s, một số lãnh đạo NHTM thừa nhận rằng họ đang phải trải qua quãng thời gian khó khăn và thách thức cũng lớn dần đối với mảng kinh doanh truyền thống. Đó là, khi nguồn vốn huy động bị san sẻ, tăng trưởng tín dụng liên tục giảm, nợ xấu ngày càng tăng… khiến lợi nhuận giảm đáng kể. Theo đó, nhiều NH phải tìm cách chuyển hướng để tồn tại.
Xu hướng mới mà các NHTM lựa chọn lúc này là đầu tư cho mảng dịch vụ NH. Dù mới bước đầu tập trung khai thác và phát triển, nhưng nhiều NHTM đã nhanh chóng đuổi kịp xu thế, cung cấp ra thị trường rất nhiều sản phẩm tiện ích và được người tiêu dùng đón nhận nồng nhiệt.
Tâm điểm thị trường hướng đến là sự kiện NHTMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) chính thức được vinh danh ở hạng mục giải thưởng NH bán lẻ tiêu biểu 2016 do Hiệp hội NH Việt Nam (VNBA) phối hợp với Tập đoàn Dữ liệu quốc tế (IDG) tổ chức mới đây. Bất ngờ là bởi đây vốn là mảng thị trường dành cho các NH cổ phần, còn BIDV được biết đến như một NH bán buôn vốn. Chiến lược phủ sóng trên thị trường bán lẻ của BIDV đã đạt thành tích có hơn 100 sản phẩm bán lẻ, hàng năm cung cấp hơn 20 sản phẩm, dịch vụ mới ra thị trường, phục vụ hơn 8 triệu khách hàng cá nhân.
Tham vọng chiếm lĩnh phân khúc này cũng được NHTMCP Công thương Việt Nam (VietinBank) nhắm đến thông qua hệ thống gồm 2.200 cây xăng thuộc sở hữu trực tiếp của Petrolimex và 4.000 cây xăng thuộc các đại lý của Petrolimex qua thương vụ nhận sáp nhập với PG Bank.
Năng nổ, nổi bật trên thị trường tài chính tiêu dùng còn phải kể tới VPBank. Sớm phát hiện ra phần đất “màu mỡ” này, Công ty Tài chính FE Credit của VPBank trong năm 2015 đã đem về khoản lợi nhuận "đáng nể" trên 1.000 tỷ đồng, nâng tổng số khách hàng vay của VPBank đạt 116 nghìn tỷ, tăng 49% so với năm trước. Lần công bố báo cáo tài chính quý III/2016, VPBank đã cán đích sớm 3 tháng cho chỉ tiêu lợi nhuận 3.200 tỷ đồng cả năm 2016.
Cũng tập trung mạnh cho mảng khách hàng cá nhân, Techcombank được xem như một điển hình thành công trong phát triển và khai thác khách hàng cá nhân bên cạnh những mảng dịch vụ khác. Tính đến cuối tháng 9/2016, dư nợ cho vay khách hàng cá nhân đã chiếm tới 43,5% tổng dư nợ.
Không nằm ngoài xu thế, NHTMCP Quốc Tế (VIB) cũng cho biết đang được người tiêu dùng đón nhận rất tốt ở mảng dịch vụ bán lẻ. Thế nên, NH này tự tin cho rằng, tất cả đang mở ra triển vọng to lớn để các NH như VIB khai phá. Quả vậy, nếu quan sát, có thể thấy trong 5 năm trở lại đây, VIB đã tập trung đầu tư công nghệ và nhân lực cho lĩnh vực NH số. Năm 2013, dưới sự hỗ trợ của cổ đông chiến lược Common Wealth Bank of Australia (CBA của Úc), lợi ích NH đạt được tăng lên rõ rệt thông qua việc cắt giảm chi phí vận hành (giảm hơn nửa chi phí tiền điện và tiền thuê DC) và là cột mốc quan trọng trong lộ trình phát triển công nghệ điện toán đám mây và ảo hóa tại VIB…
Điều đáng nói ở đây là việc chuyển hướng mục tiêu của các NH nói chung và VIB nói riêng không chỉ mang lại lợi nhuận cho NH mà nó cũng mang lại lợi ích rất lớn cho người tiêu dùng. Bằng chứng là chính quá trình số hoá của VIB mang đến cho khách hàng trải nghiệm mới hơn, phù hợp hơn, sử dụng các dịch vụ hấp dẫn hơn. Tỷ lệ khách hàng dùng NH điện tử của VIB đang tăng nhanh, đặc biệt đối tượng ở độ tuổi 25-40 chiếm đa số giao dịch với VIB qua NH số.
Nhờ đầu tư mạnh cho công nghệ (khoảng 8% doanh thu/năm), ứng dụng NH di động MyVIB đã được trao giải “Sản phẩm Dịch vụ NH sáng tạo nhất Việt Nam năm 2015” (của IDG) - kết quả của sự hợp tác giữa VIB với đối tác chiến lược CBA. Thành công trong chiến lược phát triển NH số sẽ tạo đà, tăng lợi thế giúp VIB hiện thực hóa tầm nhìn “Trở thành NH sáng tạo và hướng tới khách hàng nhất tại Việt Nam”.
Có lẽ, vì được sự đón nhận từ phía khách hàng, mà VIB tự tin cho biết, họ sẽ không dừng lại ở 160 chi nhánh, phòng giao dịch như hiện nay để phục vụ hơn 1,6 triệu khách hàng cá nhân, 34.000 khách hàng DN có quy mô nhỏ, vừa và lớn, mà VIB sẽ tiếp tục mở rộng, hướng tới phục vụ 1 triệu DN vào năm 2020.
Khi trao đổi với một chuyên gia tài chính, vị này thừa nhận mục tiêu mà mỗi NH đặt ra cho tiến trình phát triển dịch vụ bán lẻ không phải là con số ảo, mà họ có cơ sở để thực hiện. Nói như vậy vì hiện nay, Việt Nam mới có khoảng 40% người trưởng thành có tài khoản NH, trong khi Malaysia đạt 78%, Singapore là 96-97%... Nếu so với 52% dân số đang sử dụng internet thì, tỷ lệ người dùng sử dụng dịch vụ NH số như mobile banking, internet banking chỉ mới đạt khoảng 44%...
Như vậy, trong bối cảnh mà thương mại điện tử đang ngày càng phát triển thì NH nào chịu đầu tư bài bản để phát triển dịch vụ thì NH đó sẽ thu hút được khách hàng đến giao dịch nhiều hơn, góp phần đẩy nhanh tiến trình hiện thực hóa mục tiêu “Thanh toán không dùng tiền mặt trong nền kinh tế” - một trong những mục tiêu trọng tâm cả ngành NH Việt Nam hướng tới…
Theo lộ trình Chính phủ đặt ra: đến năm 2020 sẽ có 30% dân số tham gia mua sắm trực tuyến, với giá trị trung bình 350USD/người/năm; doanh số thương mại điện tử B2C tăng 20%, đạt 10 tỷ USD, chiếm 5% so với tổng mức bán lẻ hàng hóa, doanh thu dịch vụ tiêu dùng cả nước. Ngoài ra, 100% siêu thị, trung tâm mua sắm, cơ sở phân phối hiện đại có thiết bị chấp nhận thẻ thanh toán (POS) và cho phép người tiêu dùng thanh toán không dùng tiền mặt. Bên cạnh đó, 70% đơn vị cung cấp dịch vụ điện, nước, viễn thông… nhận thanh toán hóa đơn của cá nhân, hộ gia đình qua hình thức không dùng tiền mặt. |