Cây xanh Hà Nội, còn nhiều trăn trở
Tại cuộc họp báo mới đây do Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội tổ chức, ông Võ Nguyên Phong - Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, đã có 2 người chết, ít nhất 7 người khác bị thương, 25 ô tô cùng nhiều xe máy do cây xanh bị gãy, đổ đè vào. Đó là chưa kể cây xanh gãy đổ còn gây hư hại cho các hệ thống điện, gây mất điện trên diện rộng tại nhiều địa bàn sau cơn mưa giông chiều 13/6.
Cây xanh đổ còn nguyên vỏ bọc bầu đất |
Theo ông Võ Nguyên Phong, gần 1.000 cây đổ tại 12 quận nội thành tập trung vào các quận Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Đống Đa và Hoàng Mai chủ yếu là các cây rễ nông, ăn ngang, cành dòn như muồng, bằng lăng...
Tuy nhiên, theo phản ánh của nhiều cơ quan báo chí, trong những cây gãy đổ còn có cả những cây mới trồng còn nguyên bầu, bọc nilon bao kín, rễ cọc chính bị cắt. Theo ông Ngô Việt Nhật (Đống Đa) thì đây là việc làm hết sức cẩu thả, coi thường tính mạng của người dân, bởi những cây này khó có thể sống được và cực kỳ dễ đổ khi rễ cây không ăn sâu được xuống đất tạo độ vững chãi cho cây. Các cơ quan quản lý cần truy trách nhiệm đến cùng để bảo vệ người dân và tránh những trường hợp đáng tiếc về sau… bởi nếu trồng kiểu này thì chả cần giông, chỉ cần một cơn gió nhẹ cây cũng “đổ” thôi.
Về vấn đề này theo ông Võ Nguyên Phong, Phó giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội, Thành phố đã có chỉ đạo và giao Sở Xây dựng kiểm tra, nếu phát hiện sai phạm, thành phố sẽ xử lý nghiêm theo quy định. Theo đó, Sở Xây dựng đã trao đổi, các hợp đồng trồng cây thì khi nào cây sống, phát triển mới được thanh toán. Còn nếu trồng không đúng kỹ thuật, cây không sống mà chết thì phải trồng đến khi cây sống.
Cũng theo ông Phong thì việc trồng cây theo chủng loại nào để phù hợp với đô thị hiện nay, hiện đang được chỉ đạo thực hiện rà soát, nghiên cứu để xác định ra nhóm cây phù hợp. Để làm được điều này thì cần có nghiên cứu và có ý kiến của các nhà khoa học.
Bên cạnh đó, cơn giông lốc tại Hà Nội vừa qua cũng khiến cho nhiều cây xanh mới được đưa vào trồng gãy đổ hàng loạt, đặc biệt là rất nhiều cây non. Theo Giáo sư Nguyễn Lân Dũng thì cây non đổ là “đương nhiên” vì không được chống đỡ bởi cây mới trồng phải chống đỡ. Liên quan đến trồng loại cây nào cho phù hợp, Giáo sư Dũng cho rằng, người Pháp đã nghiên cứu kỹ đối với cây trồng trong thành phố. Đó là cây sống được lâu, cây bóng mát tốt, cây có thể cho hoa đẹp; nếu có thể cho quả tốt thì càng tốt, nếu không cũng không sao.
Ví dụ: bằng lăng, phượng cho hoa đẹp, cây sấu cho quả ngon, nhưng như cây xà cừ thì chỉ có bóng mát, hay cây sao đen… Một loại cây vừa có bóng mát, vừa khó đổ, vừa là thức ăn mát tại sao lại không phát triển trồng?
Mặt khác, Giáo sư cũng cho rằng chúng ta không chặt cây khác để trồng sấu mà trồng xen những cây còn nhỏ để khi có bóng mát rồi mới chặt cây già cỗi chứ không có chuyện chặt phăng cả phố rồi bắt người dân đợi 15 năm nữa mới có bóng mát? Điều đó không thể chấp nhận được. Chúng ta không thể thay thế bóng mát này ngay bằng bóng mát khác. Hình thức thay thế tốt nhất là trồng xen.
Một vấn đề khác được nhiều người dân quan tâm là vấn đề chặt tỉa cây trước mỗi mùa mưa bão. Anh Phan Đức Long (Minh Khai) chia sẻ, mỗi năm trước mùa mưa giông thành phố thường tổ chức cắt tỉa cành, thay thế cây sâu, mục tuy nhiên việc này thường tiến hành tại các trục chính, có mật độ giao thông lớn mà chưa tiến hành cắt tỉa cành ở những con phố nhỏ, nên tại một số tuyến phố nhỏ cành cây khô, rơi xuống khá nhiều, cây mục cũng có mà không thấy được cắt tỉa, di dời gây nguy hiểm cho người dân sống xung quanh.
Mặt khác, việc xác định cây bị mục, rỗng cũng chỉ bằng kinh nghiệm và mắt thường nên cũng khó chính xác, nhiều cây đổ xuống đã mục lõi từ lúc nào…
Cơn giông thật thì đã đi qua từ lâu song cơn “giông” lòng người thì mới chỉ bắt đầu, đó là cách làm cẩu thả của những người trồng cây, cách chọn và tìm kiếm một loại cây thật sự phù hợp với đô thị, việc cắt tỉa, thay thế cây xanh… đã đến lúc thành phố nhìn nhận lại vấn đề cây xanh cho đúng mức.
Ở đó các nhà khoa học, các kiến trúc sư cùng nhau phân tích đánh giá các loại cây trong thành phố về độ an toàn, tính thẩm mỹ… để có thể chọn ra được các chủng loại cây trong thành phố, độ tuổi phù hợp của cây để thay thế. Có như vậy mới có thể có một chiến lược dài hạn về cây xanh thành phố, để Hà Nội mãi mãi là thành phố xanh. Nhưng quan trọng hơn hết tất cả những điều đó phải làm bằng một chữ “tâm” trong sạch có như thế cơn “giông” lòng người mới sớm qua đi được.