CEO Tim Cook lý giải tại sao iPhone lại bảo mật hơn điện thoại Android
Apple phát hành iOS 11.3, khắc phục scandal về pin | |
Tất cả iPhone năm nay sẽ có Face ID | |
5 công bố quan trọng nhất trong sự kiện giáo dục vừa qua của Apple |
Bài phỏng vấn với Tim Cook xoay quanh khá nhiều chủ đề và điều được CEO Apple nhấn mạnh nhiều nhất, đó chính là cách tiếp cận của Apple với sự riêng tư và bảo mật của người dùng.
Cook khẳng định, sự khác biệt dễ thấy giữa iOS và Android nằm ở cách Apple quản lý các ứng dụng trước khi xuất bản trên App Store.
CEO Apple chia sẻ: "Chúng tôi luôn tỉ mỉ xem xét từng ứng dụng. Tìm hiểu chúng có tác dụng gì và liệu có thực hiện theo đúng các cam kết hay đáp ứng đầy đủ chính sách bảo mật không? Chúng tôi luôn mong muốn cải tiến và làm tốt hơn nữa. Apple luôn cẩn thận đánh giá từng ứng dụng".
Tim Cook – "Tôi sẽ không để bị rơi vào trường hợp của Facebook"
Trong phần lớn bài phỏng vấn, Tim Cook cũng không quên đưa ra quan điểm xoay quanh vụ việc dữ liệu của hơn 50 triệu tài khoản Facebook bị khai thác trái phép gây chấn động giới công nghệ gần đây.
Apple không phải là công ty hay lên tiếng chỉ trích các đối thủ. Tuy nhiên trường hợp của Facebook là ngoại lệ, bởi nó liên quan đến dữ liệu người dùng.
Khi được hỏi về phản ứng nếu phải đối mặt với tình huống mà Facebook đang gặp phải hiện nay, Tim Cook khẳng định, ông sẽ không bao giờ để bản thân và công ty rơi vào tình thế giống như Mark Zuckerberg đang trải qua.
Tim Cook cho rằng, đáng lẽ ra các công ty công nghệ không nên lưu trữ hay duy trì hồ sơ chi tiết của người dùng. Nếu dữ liệu cá nhân bị lưu trữ trái phép và rao bán không kiểm soát, bất kể ai cũng có thể biết bạn đã truy cập trang web nào trong suốt nhiều năm qua hay địa chỉ liên lạc, tên tuổi của bạn.
Nói cách khác, ông không mong muốn những dữ liệu chi tiết của mỗi cá nhân tồn tại và nếu có nên thì để người dùng kiểm soát. Ông cũng khuyến khích người dùng hãy chủ động lướt web bằng chế độ riêng tư và chặn cookies để tự bảo vệ mình.
"Chúng tôi đã lo lắng nhiều năm qua về việc người dùng tại các quốc gia đang cho đi nhiều dữ liệu mà không hay biết chúng được sử dụng như nào. Khi mọi chuyện vỡ lỡ, họ là những người phải chịu tổn hại dù chẳng hề hay biết về việc dữ liệu cá nhân bị khai thác. Không may là tiên đoán đó đã trở thành sự thật và không chỉ một lần", Cook nói thêm.
Apple từ lâu đã theo đuổi chính sách bảo mật riêng tư chặt chẽ. Công ty coi sự riêng tư giống như "nhân quyền" và "quyền tự do" của mỗi công dân.
Chính bởi vậy, Cook nhấn mạnh: "Chúng tôi có thể kiếm được cả núi tiền nếu coi khách hàng là sản phẩm. Nhưng chúng tôi không làm điều đó.
Khi được hỏi về việc soạn ra các quy định thu thập và sử dụng dữ liệu người dùng của các công ty công nghệ, Tim Cook cho rằng, quy định là tốt nhưng chúng ta lại không thể định nghĩa rõ ràng về giới hạn của chúng. Hơn hết, chúng phải được điều chỉnh sao cho phù hợp với lợi ích của đôi bên.
iPhone được chế tạo tại Mỹ chứ không phải Trung Quốc
Đó là lời khẳng định của CEO Tim Cook trước câu hỏi của đài MSNBC về những suy diễn cho rằng, iPhone có nguồn gốc từ Trung Quốc. Tim Cook một mực khẳng định, đây là một quan điểm rất sai lầm về sản phẩm của Apple. Cook nhấn mạnh, nhiều bộ phận trên iPhone thực chất được sản xuất tại Mỹ.
Tuy nhiên vì điều kiện nhà xưởng không cho phép nên Apple buộc phải thuê các bên sản xuất và lắp ráp tại nhiều quốc gia, trong đó có Trung Quốc. Đó là chưa kể, Apple đang phải làm việc với ít nhất 9.000 đối tác cung ứng linh kiện nên việc một mình làm không xuể là chuyện đương nhiên.
Cook nói thêm: "Chúng tôi làm nhiều bộ phận, linh kiện ở nước Mỹ. Mọi người thường chỉ nhìn nơi sản phẩm cuối cùng được lắp ráp. Chúng tôi biết rằng, Apple chỉ được khai sinh duy nhất trên một mảnh đất, đó là nước Mỹ. Công ty sẽ chẳng thể phát triển được như hiện nay nếu sinh ra ở các nước khác trên thế giới. Chúng tôi yêu đất nước này. Đây là đất nước của chúng tôi và Apple luôn muốn tạo ra càng nhiều công việc tại Mỹ càng tốt".
Hiện có nhiều bộ phận trên iPhone được sản xuất tại Mỹ, ví dụ kính màn hình của Corning được sản xuất tại Kentucky hay mô-đun Face ID được chế tạo tại bang Texas. Apple hiện có tổng cộng 84 ngàn nhân lực tại hơn 50 bang ở Mỹ. Công ty dự kiến sẽ tạo thêm việc làm cho ít nhất 20 ngàn người Mỹ trong vòng 5 năm tới.