Chế tài mạnh với đối tượng chây ì đóng bảo hiểm xã hội
Lấy chuẩn nghèo làm căn cứ đóng BHXH
Mặc dù, Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) năm 2014 đến 1/1/2016 mới có hiệu lực, nhưng do phạm vi điều chỉnh của Luật có liên quan rộng rãi tới người dân, việc đẩy nhanh tốc độ ban hành các văn bản hướng dẫn, công tác tuyên truyền, việc cần có sự hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước để mở rộng đối tượng tham gia BHXH… đã được các cơ quan liên quan đặt ra ngay từ bây giờ.
Bà Trương Thị Mai – Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội cho biết, Luật BHXH năm 2014 hướng tới hai mục tiêu quan trọng là: Đảm bảo an sinh xã hội cho người dân thông qua việc bổ sung, điều chỉnh chính sách để mở rộng nhanh hơn diện bao phủ BHXH.
Đồng thời, Nhà nước có chính sách để khuyến khích, hỗ trợ lao động trong khu vực phi chính thức tham gia BHXH tự nguyện, hướng tới năm 2020 có khoảng 50% lực lượng lao động tham gia BHXH tự nguyện và có khoảng 50% lực lượng lao động tham gia BHXH; Đảm bảo an toàn, cân đối quỹ BHXH thông qua việc xây dựng lộ trình hợp lý nhằm điều chỉnh công thức tính lương hưu theo nguyên tắc mức hưởng phải dựa trên cơ sở mức đóng và tăng thời gian đóng BHXH để đảm bảo cân đối với thời gian hưởng BHXH của người lao động.
Luật BHXH 2014 hướng tới mục tiêu vận động nông dân tham gia bảo hiểm tự nguyện |
Tại Hội thảo “Hướng tới bảo đảm an sinh xã hội cho người dân thông qua việc triển khai thi hành Luật BHXH”, do Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội tổ chức ngày 12/3, ông Bùi Sĩ Lợi – Phó chủ nhiệm Ủy ban cho rằng, cần bổ sung quy định người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn (gọi chung là cấp xã) khi tham gia BHXH bắt buộc trong phạm vi chế độ hưu trí và tử tuất thì Nhà nước sẽ đóng 14%, người lao động đóng 8% trên mức tiền lương cơ sở.
Theo đó, cả nước hiện có khoảng 240.000 người hoạt động không chuyên trách ở xã, nếu Nhà nước đóng 14% thì mỗi năm ngân sách nhà nước phải chi khoảng 443 tỷ đồng.
Về chính sách khuyến khích để mở rộng đối tượng tham gia BHXH tự nguyện hiện khoảng 37 triệu người, theo ông Lợi, có thể lấy mức chuẩn nghèo hiện nay (ví dụ, khu vực nông thôn là 400.000 đồng/người/tháng) làm căn cứ đóng BHXH của lao động nông thôn để đưa ra mức đóng bao nhiêu % của chuẩn nghèo. Tuy nhiên, phải tính toán để làm sao sau 20 năm nữa họ hết tuổi lao động thì phải hưởng lương bằng mức chuẩn nghèo, bởi mức chuẩn nghèo khi đó có thể là 2 triệu đồng.
“Với đối tượng lao động nông thôn mà không có hỗ trợ của Chính phủ thì người dân sẽ không tham gia BHXH. Ngay như bảo hiểm y tế với đối tượng hộ cận nghèo hiện nay, Nhà nước hỗ trợ 75%, địa phương cho 15% nhưng người dân có theo đâu?” - ông Bùi Sĩ Lợi bày tỏ băn khoăn và nhấn mạnh: Chính phủ tính trong Luật BHXH này là đóng ở mức nào thì đóng, nhưng phải bảo đảm khi người đóng BHXH về hưu họ được hưởng mức lương đáp ứng được mức sống tối thiểu. Còn đóng BHXH mà về hưu như các cụ già hiện nay hỗ trợ được 180 nghìn đồng/tháng thì không được.
Làm thế nào để “hút” dân tham gia BHXH?
Ông Phạm Minh Huân – Thứ trưởng Bộ LĐ - TB&XH cho rằng, một trong những thách thức khi thi hành Luật BHXH là với quy định mở rộng đối tượng áp dụng BHXH bắt buộc, BHXH tự nguyện, để đảm bảo tính khả thi cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, tăng cường công tác quản lý lao động, thực hiện khai trình lao động theo quy định của pháp luật. Cơ quan BHXH cần cải cách thủ tục hành chính và triển khai các biện pháp hỗ trợ DN và người lao động trong thực hiện quy định này.
Tuy nhiên, bà Cù Thị Hậu – đại biểu Quốc hội tỉnh Hưng Yên cho rằng, ứng dụng công nghệ thông tin để giảm bớt chi phí quản lý không khó mà làm thế nào để thu hút người dân tham gia BHXH mới là vấn đề khó. Cùng với đó, Nhà nước phải có chế tài đủ mạnh để xử lý đối tượng chây ì không đóng BHXH.
Ông Nguyễn Hữu Đoan – Chủ tịch Hiệp hội DN tỉnh Hải Dương đưa dẫn chứng thực tế: Có DN ký hợp đồng với 700 lao động, nhưng chỉ có 200 lao động tham gia đóng BHXH. Nếu cứ trốn tránh như thế thì làm sao quỹ BHXH tăng được.
Trong hàng loạt giải pháp đưa ra tại Hội thảo, theo ông Đỗ Phạm Nhật Tân – nguyên Vụ trưởng Vụ BHXH (Bộ LĐ-TB&XH), bên cạnh việc đẩy mạnh tuyên truyền, tiến độ thực hiện xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn Luật BHXH theo quy định của Chính phủ cần được tuân thủ, thuận tiện trong thực thi và khả thi trong áp dụng.
Cơ quan BHXH phải đáp ứng với các yêu cầu mới đặt ra trong Luật; các bộ, ngành liên quan chủ động nguồn lực tài chính hỗ trợ cho người lao động tham gia BHXH tự nguyện theo các phương án khác nhau để trình Chính phủ sớm quyết định những nội dung đã ghi trong Luật về thời điểm, mức hỗ trợ, đối tượng nhận hỗ trợ và thời hạn hỗ trợ.
Số người tham gia BHXH tính đến ngày 31/12/2014 là 11.647.784 người. Trong đó, số người tham gia BHXH bắt buộc là 11.451.530 người (tham gia bảo hiểm thất nghiệp là 9.213.302 người), tham gia BHXH tự nguyện là 196.254 người. Nhìn chung, số người tham gia BHXH mới chiếm khoảng 70% tổng số lao động thuộc diện phải tham gia BHXH bắt buộc theo quy định của Luật BHXH (2006), chiếm khoảng 0,5% tổng số lao động thuộc diện tham gia BHXH tự nguyện. Đáng lưu ý là phần lớn lao động trong khu vực phi chính thức, nông dân chưa tham gia loại hình BHXH này. |