Chính sách tiền tệ góp phần ổn định vĩ mô
Ngân hàng Việt Nam – Những dấu ấn của 10 tháng đầu năm 2017 | |
Cơ hội “cắt phao” tín dụng ngoại tệ | |
Điều hành CSTT góp phần ổn định vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng hợp lý |
Ông Đỗ Văn Sinh |
Những chỉ số kinh tế vĩ mô được Chính phủ báo cáo tại kỳ họp Quốc hội lần này đã nói lên điều gì, nhất là với lĩnh vực CSTT, thưa ông?
Phải khẳng định rằng, những con số 13 chỉ tiêu về kinh tế - xã hội được Quốc hội thông qua hồi đầu năm đến nay đã đạt và vượt kế hoạch, trong đó tăng trưởng GDP 9 tháng 6,41% và khả năng hoàn thành mục tiêu 6,7% trong năm nay là rất đáng mừng sau những nỗ lực của Chính phủ nói chung và các bộ, ngành nói riêng, trong đó phải kể đến sự quyết liệt từ các giải pháp điều hành CSTT của NHNN.
Có thể nói từ đầu nhiệm kỳ đến bây giờ, đặc biệt từ đầu năm 2017 các chính sách kinh tế vĩ mô, trong đó đặc biệt là CSTT đạt được rất nhiều thành tựu.
Đó là NHNN đã điều tiết cung tiền hợp lý, giúp kiểm soát lạm phát cơ bản ổn định ở mức thấp, hỗ trợ cho việc điều chỉnh giá các mặt hàng nhà nước quản lý không tác động lớn đến lạm phát mục tiêu; đồng thời đảm bảo thanh khoản cho hệ thống TCTD, tạo điều kiện ổn định mặt bằng lãi suất và giảm lãi suất cho vay, hỗ trợ phát hành TPCP với lãi suất giảm. Tín dụng tăng đều ngay từ đầu năm đã góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, thúc đẩy nền sản xuất của chúng ta phát triển. Thị trường ngoại hối, tỷ giá ổn định.
Không chỉ các tổ chức nghiên cứu, các chuyên gia trong nước mà tôi được biết các tổ chức quốc tế cũng đánh giá là đồng tiền của chúng ta ổn định, đó là một trong những khó khăn mà đầu năm chúng ta nhận định nhưng đến nay đã thực hiện được. Điều này đã tác động tích cực đến tăng trưởng và ổn định kinh tế vĩ mô.
Ông có cho rằng, đôi lúc trong điều hành NHNN đã phải chịu áp lực?
Nói chung là hiện nay nền kinh tế của chúng ta phát triển vẫn dựa rất lớn vào nguồn lực về vốn, trong khi đó việc đầu tư phát triển dựa vào vốn ngân sách thì rất hạn hẹp, đặc biệt thu ngân sách chưa được cao, trong khi chi thường xuyên lại rất lớn, chính vì vậy nguồn lực, nguồn vốn đầu tư từ ngân sách cho đầu tư phát triển rất hạn hẹp. Hơn nữa đầu tư từ nhà nước rất khó bởi khống chế từ trần nợ công.
Chính vì vậy, chúng ta phải huy động nguồn lực khác để hỗ trợ cho nền kinh tế và khiến kênh tín dụng ngân hàng vẫn phải đóng vai trò quan trọng. Và hệ thống NH phải chịu áp lực đưa vốn ra nền kinh tế với liều lượng bao nhiêu và lãi suất ở mức nào là hợp lý.
Tôi nhớ có thời điểm các NHTM đã giảm lãi suất cho vay từ 0,5-1% nhưng vẫn phải giữ lãi suất huy động là một áp lực không hề nhỏ. Thông thường để giảm lãi suất cho vay về căn cơ phải giảm lãi suất huy động nhưng thời gian qua, ngành NH giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ cho DN trong bối cảnh vẫn phải đảm bảo kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô trong trung và dài hạn, đảm bảo an toàn hoạt động của các TCTD để làm tốt chức năng trung gian tài chính thì đó là thành công.
Điều này cũng thể hiện sự rất cố gắng của cả hệ thống NH, sự điều hành rất quyết liệt của Ngân hàng Trung ương và sự đồng hành của hệ thống các NHTM. Các NHTM đã tích cực hiện đại hóa các sản phẩm dịch vụ, cải cách thủ tục, tiết giảm chi tiêu không cần thiết, giảm chi phí thấp nhất, để hạ lãi suất cho vay. Chính vì làm tốt nên chúng ta tạo niềm tin cho người dân, giúp nền kinh tế phát triển và khi người dân có thu nhập thì việc huy động vốn của NH thuận lợi hơn. Và khi đồng vốn quay trở lại, NH có nhiều tiềm lực và tiếp tục cho vay ra nền kinh tế sẽ tốt hơn, hiệu quả hơn.
Điều hành CSTT không chỉ đảm bảo kiểm soát mục tiêu lạm phát mà còn phải đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô |
Ông đánh giá thế nào về điều hành tỷ giá, thị trường ngoại tệ thời gian qua?
Theo tôi cách điều hành chính sách tỷ giá hiện nay linh hoạt như vậy giúp chúng ta kiểm soát được sự biến động của tỷ giá tương đối phù hợp với cơ chế thị trường và người dân tin tưởng vào VND. Vì nếu cần mua - bán ngoại tệ thì người dân có thể vào hệ thống NH. Theo tìm hiểu của tôi thì trước đây người dân găm giữ ngoại tệ nhưng giờ họ đã chuyển sang VND và mọi thứ mua bán, giao dịch rất thuận lợi.
Thanh khoản thị trường tốt, hệ thống các TCTD mua ròng ngoại tệ từ khách hàng, trên cơ sở đó, NHNN đã mua được lượng ngoại tệ khá lớn từ đầu năm đến nay để tăng dự trữ ngoại hối nhà nước lên mức 45 tỷ USD.
Nếu NHNN tiếp tục duy trì được chính sách tỷ giá phù hợp thì chúng ta tạo tiền đề tiếp tục ổn định kinh vĩ mô, ổn định giá trị đồng tiền và chống đô la hóa nền kinh tế một cách hiệu quả.
Nghị quyết 42 của Quốc hội đã có hiệu lực. Theo ông việc xử lý nợ xấu sẽ đạt mục tiêu?
Tôi cho rằng, Nghị quyết 42/2017/QH14 quy định thí điểm một số chính sách về xử lý nợ xấu là thể chế quan trọng để hệ thống NH có thể khơi thông được vướng mắc, tồn đọng nợ xấu mà chúng ta gặp khó khăn nhiều năm nay. Được biết, sau khi nghị quyết có hiệu lực đến nay Công ty Quản lý tài sản của các TCTD Việt Nam (VAMC) đã phối hợp với TCTD thu hồi khoảng 5.000 tỷ đồng nợ xấu. Và từ đầu năm đến nay VAMC đã thu hồi được hơn 16 nghìn tỷ đồng.
Khi khơi thông được nợ xấu sẽ tạo điều kiện để chúng ta sử dụng nguồn lực đó để cho vay, có điều kiện giảm lãi suất và trở thành tác động kép quay trở lại phục vụ nền kinh tế.
Tuy nhiên, như nhiều đại biểu Quốc hội đã nhìn nhận, chúng ta phải xác định, nợ xấu xảy ra gây tác hại cho cả nền kinh tế. Tôi nhấn mạnh là cả kinh tế và xã hội nên yêu cầu triển khai xử lý nợ xấu không phải chỉ riêng NH mà cả hệ thống chính trị phải vào cuộc. Nghị quyết 42 của Quốc hội cũng chỉ rất rõ phía NH làm gì, các TCTD làm gì và các cơ quan công an, tòa án, ủy ban nhân dân các cấp phải làm gì. Do đó, theo tôi cần tiếp tục phải có sự vào cuộc đồng bộ của các ngành thì chúng ta mới giải quyết được nợ xấu một cách hoàn hảo.
Trong điều hành CSTT thời gian tới, cần phải lưu ý điểm nào, thưa ông?
Tôi xin lưu ý một điểm mà gần đây cũng đã có nhiều quan tâm đó là điều tiết tín dụng cho nền kinh tế. Ví dụ, như năm nay, đầu năm NHNN đặt ra mục tăng trưởng tín dụng 17-18%, nhưng sau đó chúng ta muốn đẩy lên cao hơn, ở mức khoảng 21%. Và hiện nay tín dụng đã tăng hơn 12% rồi, nếu để đạt mục tiêu tăng trưởng tín dụng 21% trong năm mà không kiểm soát được chất lượng tín dụng thì cũng không nên, bởi có thể tác động tới lạm phát và chất lượng tín dụng. Nhất là lo ngại dòng vốn vào thị trường bất động sản và chứng khoán.
Trong khi đó việc điều hành CSTT không chỉ đảm bảo kiểm soát mục tiêu lạm phát mà còn phải đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô trong những năm tiếp theo, đồng thời đảm bảo an toàn hoạt động ngân hàng. Thậm chí một số tổ chức như IMF, WB và Moody’s gần đây khuyến nghị Việt Nam cần kiểm soát tăng trưởng tín dụng ở mức dưới 15% là phù hợp với tình hình kinh tế vĩ mô hiện nay. Theo các tổ chức quốc tế này đến cuối năm 2016 tỷ lệ tín dụng/GDP của Việt Nam đã ở mức 124%. Bởi vậy, theo tôi trong điều hành chính sách tín dụng cần đảm bảo nguyên tắc linh hoạt nhưng phải thận trọng.
Xin cảm ơn ông!