Chứng khoán tuần: Hành động lạ và khác biệt của khối ngoại
Tuy nhiên điểm khác lạ là hành động bán ra tương đối mạnh của nhà đầu tư nước ngoài. Trong 3 năm gần đây, các tháng 8 khối ngoại đều bán ròng, nhưng mức độ của tháng 8 năm nay có phần mạnh hơn.
Tuần rút vốn ròng ngàn tỷ đầu tiên trong 3 năm
Đột biến đáng chú ý nhất của thị trường trong tuần qua là việc khối ngoại rút vốn quá mạnh. Đã có 1.119 tỷ đồng bị rút thẳng qua các giao dịch khớp lệnh. Nói cách khác, đây chính là lượng vốn tác động lên giá cổ phiếu hàng ngày vì hút tiền khỏi sức mua trực tiếp. Nếu tính cả thỏa thuận, giá trị vốn rút ròng tuần qua cũng tới 1.118,6 tỷ đồng.
Tổng giá trị cổ phiếu bán ra qua giao dịch khớp lệnh trong tuần tới 2.250,1 tỷ đồng, chiếm 15,2% tổng giá trị khớp lệnh của toàn thị trường. Đây là tỷ trọng cao nhất kể từ đầu năm 2016. Nhà đầu tư nước ngoài có thể giao dịch cực lớn ở một số cổ phiếu cá biệt nào đó, nhưng rất hiếm khi chiếm một tỷ trọng quá 10% tổng giá trị thị trường.
Từ đầu năm đến nay, thị trường trải qua 32 tuần giao dịch, nhưng chỉ có 7 tuần quy mô bán ra của khối ngoại vượt quá 10% giá trị thị trường, tức là chưa tới 22% thời gian. Cho đến trước tuần này, tỷ trọng bán ra cao nhất cũng chỉ tới 13,1%.
Mặt khác, con số 1.119 tỷ đồng nói trên có thể lớn, nhưng vẫn chưa gây sốc bằng tính đột biến của nó. Tuần bán ròng vượt quá 1.000 tỷ đồng gần nhất của khối ngoại là tuần từ 13-17/10/2014. Cũng phải nhấn mạnh rằng từ 2013 đến nay, nhà đầu tư nước ngoài chỉ có 2 tuần mà quy mô giao dịch bán ròng vượt quá 1.000 tỷ và tuần này là tuần thứ hai. Điều đó nói lên rằng đột biến này là cực kỳ khác biệt.
Thị trường vẫn thường được chứng kiến các phiên giao dịch bán ròng 500-700 tỷ đồng hàng tuần, nhưng đó phổ biến là những tuần có giao dịch của hai quỹ ETF trong các dịp tái cơ cấu danh mục. Với nhu cầu giao dịch lô lớn, thật ra những tuần đó lại không có gì bất ngờ.
Tuần qua thị trường hoàn toàn bình thường, nghĩa là chỉ có các tổ chức đầu tư thông thường giao dịch mà không trùng vào thời điểm tái cơ cấu của các quỹ ETF. Vì thế đây chắc chắn là sự thay đổi chiến lược đầu tư của các tổ chức này.
Nhìn theo tháng trong 4 năm trở lại đây, tháng 8 nào khối ngoại cũng bán ròng với quy mô tương đối lớn. Tháng 8/2013 khối ngoại bán ròng 830,2 tỷ đồng; tháng 8/2014 là -956,4 tỷ đồng; tháng 8/2015 là -191 tỷ đồng. Chưa hết tháng 8/2016, khối ngoại đã bán ròng khoảng 908,4 tỷ đồng.
Trừ năm 2013, cả 3 năm gần đây khối ngoại đều bán ròng tháng 8 sau khi đã mua ròng lớn trong 4 tháng trước đó. Như vậy, việc bán ròng lớn trong tháng 8 hàng năm có khả năng cao là quy luật chốt lời thông thường. Điểm khác biệt của năm nay có lẽ là mức độ bán ra rất lớn dồn vào một thời điểm, chính là tuần giao dịch vừa qua với trên 1.000 tỷ đồng.
Chiến lược nắm giữ đã thay đổi?
Nguyên nhân của quy mô “đột biến ngàn tỷ” nói trên là một số giao dịch quá bất thường. Tiêu biểu nhất là 5 cổ phiếu VNM, VIC, HBC, MSN, HPG. Trong tổng giá trị bán ra qua khớp lệnh trên toàn thị trường 2.250,1 tỷ đồng tuần qua, 5 cổ phiếu này bị bán 1.471,1 tỷ đồng, tức là chiếm 65,4%.
Trong số này, giao dịch kinh khủng nhất thuộc về VNM và VIC, với tổng giá trị bán trong tuần tương ứng 725,21 tỷ đồng và 211,16 tỷ đồng. Với hàng trăm tỷ đồng giá trị cổ phiếu bị bán ra thì chắc chắn đó không phải là các giao dịch thông thường.
VNM có lẽ là cổ phiếu gây bất ngờ nhất khi liên tục bị bán ròng lớn kể từ chính thức mở room lên 100%. Nhà đầu tư nước ngoài cũng có mua vào VNM, thậm chí trong 3 tuần đầu tháng 8 thì có 2 tuần đầu khối này vẫn mua ròng nhẹ. Chỉ riêng tuần qua mức rút vốn ròng tới 404,21 tỷ đồng, làm thay đổi hoàn toàn cục diện.
Tuần qua cũng là tuần VNM tăng giá khoảng 5,1% và tuần trước nữa tăng 7,9%. Tính từ đầu tháng 8 đến nay VNM tăng khoảng 16,6% giá trị. Vì thế, rất có thể đang có hoạt động chốt lời ngắn hạn đối với VNM. Kể từ khi VNM được mở room và khả năng mua của khối ngoại rất dễ dàng, không còn phải tranh nhau như trước thì VNM có thể bị giao dịch ngắn hạn nhiều hơn. Nếu như trước đây do room cạn sạch, khối này muốn bán đi khi giá tăng cao và mua lại khi giá điều chỉnh cũng khó vì sẽ có nhà đầu tư nước ngoài khác lấp đầy room.
Đối với VIC, trong 3 tuần qua, nhà đầu tư nước ngoài rút ròng khoảng 465,5 tỷ đồng, nhiều nhất thị trường, vượt cả VNM. Trong thời gian này, có những thời điểm VIC phục hồi giá rất mạnh, như tuần từ 8-12/8 VIC tăng giá 9,6% nhưng khối ngoại vẫn bán ròng 246,5 tỷ đồng.
Khối ngoại đang có dấu hiệu tái cơ cấu mạnh mẽ khi xuất hiện các thông tin bất lợi về VIC liên quan đến TTF, vốn có thể gây rủi ro đến khoản vay của công ty này.
Đây chỉ là hai trong số nhiều blue-chips bị bán ra mạnh mẽ trong khoảng 2 tuần qua. Đây cũng chính là 2 tuần mà chỉ số HSX30 tăng trưởng tốt nhất thị trường. Cụ thể, chỉ số này đã tăng 6,46% nhưng VN-Index trong thời gian này chỉ tăng 4,88%, HNX-Index tăng 2,53%, HSXMidcap tăng 4,98%, HSXSmallcap tăng 2,69%.
Nói cách khác đa số blue-chips trong 2 tuần qua đã tăng trưởng tốt hơn mặt bằng chung và điều đó gắn liền với các giao dịch bán ra mạnh mẽ của nhà đầu tư nước ngoài không hẳn là không có liên quan. Cụ thể, trong 2 tuần qua, khối ngoại rút về lượng tiền mặt 1.214,5 tỷ đồng trong rổ HSX30. Cần lưu ý là toàn thị trường (cả HNX lẫn giao dịch thỏa thuận) bị rút vốn 1.118,6 tỷ đồng.
Dù là chốt lời giao dịch ngắn hạn, tái cơ cấu danh mục, hay chốt lời dài hạn, lực bán ra của nhà đầu tư nước ngoài đang nổi lên như một động thái khác lạ trong lúc này. Thị trường chưa chịu tác động gì lớn và nhà đầu tư trong nước vẫn đang tự hào là “tay bo” thành công với khối ngoại. Tuy nhiên nếu lực bán này không giảm, sẽ cần rất nhiều tiền để có thể tiếp tục hấp thụ khối lượng đó.