Yếu tố nào thúc đẩy triển vọng cổ phiếu ngành Ngân hàng khi thị trường nâng hạng?
Bà Phan Mỹ Hạnh, Giám đốc Trung tâm Sản phẩm (Khối KHCN), Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) |
Tiềm năng từ việc nâng hạng thị trường chứng khoán
Trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam đang phục hồi mạnh mẽ và chuẩn bị bước vào giai đoạn chuyển mình quan trọng với kỳ vọng nâng hạng thị trường chứng khoán lên nhóm thị trường mới nổi, ngành Ngân hàng nổi lên như một trụ cột quan trọng không chỉ của nền kinh tế mà còn của thị trường tài chính. Đây là ngành đóng vai trò then chốt trong việc cung cấp vốn, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế và thu hút dòng vốn đầu tư trong và ngoài nước.
Từ góc nhìn của mình, bà Phan Mỹ Hạnh, Giám đốc Trung tâm Sản phẩm (Khối KHCN), Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) cho biết, có nhiều yếu tố thúc đẩy triển vọng cổ phiếu ngành Ngân hàng và ngành này tiếp tục là tâm điểm trên thị trường chứng khoán.
Sự phục hồi của nền kinh tế Việt Nam trong nửa cuối năm 2024 là kết quả của các chính sách tài khóa và tiền tệ được triển khai đồng bộ từ đầu năm. Những tín hiệu tích cực đã được phản ánh qua tăng trưởng tín dụng và các hoạt động kinh doanh ngân hàng.
“Những chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước đã bắt đầu phát huy tác dụng từ quý III/2024. Tốc độ tăng trưởng tín dụng của ngành Ngân hàng đã tốt hơn hẳn so với 06 tháng đầu năm. Theo số liệu mới nhất từ Ngân hàng Nhà nước, đến ngày 30/9, tín dụng tăng 9%, cao hơn so với cùng kỳ năm 2023. Với VPBank, trong quý III/2024 vừa rồi, chúng tôi cũng đã đạt được tốc độ tăng trưởng là 10,4%, cao hơn so với tốc độ tăng trưởng trung bình của ngành (9%)”, bà Hạnh cho biết.
Cũng theo bà Hạnh, ngành Ngân hàng không chỉ là động lực chính giúp khôi phục hoạt động kinh tế mà còn đóng vai trò dẫn dắt trong việc duy trì ổn định lãi suất và cung cấp vốn. Đặc biệt, vào cuối năm – thời điểm cao điểm về nhu cầu tín dụng, các ngân hàng sẽ tiếp tục đóng góp quan trọng để hỗ trợ tăng trưởng.
“Cuối năm cũng là thời điểm doanh nghiệp dồn sức chuẩn bị hàng hóa cung ứng cho thị trường dịp Tết, đồng thời hoàn tất các đơn hàng xuất khẩu nên nhu cầu vốn lớn hơn. Vì vậy, chúng tôi kỳ vọng trong quý IV, tín dụng sẽ tăng trưởng mạnh mẽ hơn, hướng tới mục tiêu tăng trưởng 15% mà NHNN đã đề ra”, bà Hạnh phân tích thêm.
Về tiềm năng từ việc nâng hạng thị trường chứng khoán. Một trong những động lực chính thúc đẩy triển vọng ngành Ngân hàng là sự kiện nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam lên nhóm các thị trường mới nổi. Điều này không chỉ thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài mà còn nâng cao vị thế của cổ phiếu ngành Ngân hàng trên thị trường. Bà Hạnh nhấn mạnh: “Ngành Ngân hàng hiện là ngành xương sống nền kinh tế, chiếm tỷ trọng lớn nhất vốn hóa trên toàn thị trường chứng khoán. Hiện tại, các chuyên gia cũng duy trì dự báo rằng lợi nhuận toàn ngành Ngân hàng trong quý IV/2024 và cả năm 2025 sẽ tiếp tục giữ vững đà tăng trưởng, đóng góp quan trọng cho thị trường chứng khoán”.
Ngoài ra, với việc nâng hạng, các ngân hàng thương mại sẽ là điểm đến hấp dẫn cho dòng vốn ngoại nhờ nền tảng tài chính ổn định, chiến lược phát triển dài hạn và sự tham gia của các đối tác chiến lược nước ngoài. Một ví dụ điển hình là VPBank với sự góp mặt của Ngân hàng SMBC (Nhật Bản).
“Như trường hợp của VPBank, ngoài đáp ứng các tiêu chuẩn chung, chúng tôi còn có thế mạnh là nền tảng vốn lớn, cung cấp đa dạng sản phẩm dịch vụ đến tất cả các phân khúc khách hàng, luôn tiên phong đi đầu số hóa. Đó cũng là lý do mà đối tác chiến lược của chúng tôi, Ngân hàng SMBC của Nhật Bản, đã giải ngân đến 1,4 tỷ USD để mua 15% vốn, cho thấy tầm nhìn dài hạn từ 5 hay 10 năm tới”, bà Hạnh dẫn chứng.
Yếu tố nào thúc đẩy triển vọng cổ phiếu ngành Ngân hàng
Theo bà Hạnh, đầu tiên là chính sách tiền tệ ổn định và hỗ trợ tăng trưởng tín dụng. Ngân hàng Nhà nước đã và đang duy trì chính sách tiền tệ ổn định nhằm thúc đẩy tăng trưởng tín dụng và hỗ trợ doanh nghiệp. Điều này tạo ra một môi trường thuận lợi để ngành Ngân hàng tiếp tục phát triển.
“Hơn nữa, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục duy trì chính sách tiền tệ ổn định để thúc đẩy tăng trưởng tín dụng. Thị trường trái phiếu doanh nghiệp cũng đã dần phục hồi, giúp hỗ trợ thanh khoản cho các doanh nghiệp bất động sản”, bà Hạnh chia sẻ
Thứ hai là chuyển đổi số và phát triển bền vững. Bên cạnh các yếu tố vĩ mô, ngành Ngân hàng còn dẫn đầu trong xu hướng chuyển đổi số và phát triển bền vững, mở ra cơ hội tăng trưởng dài hạn. Tại VPBank, chiến lược đổi mới này đang được triển khai mạnh mẽ. Như VPBank, năm 2024 và trong năm tới 2025 sẽ chú trọng các chiến lược đổi mới như đẩy mạnh chuyển đổi số và ứng dụng Generative AI trong các hoạt động ngân hàng để nâng cao hiệu quả hoạt động; đẩy mạnh xanh hóa danh mục đầu tư, tăng trưởng tài trợ các dự án xanh.
Trong giai đoạn kinh tế gặp nhiều thách thức, ngành Ngân hàng đã tích cực tham gia hỗ trợ doanh nghiệp và người dân. Thực hiện chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước, các ngân hàng đã liên tục cập nhật, điều chỉnh các chính sách nhằm hỗ trợ cho doanh nghiệp và người dân tiếp cận nguồn vốn ổn định, lãi suất giảm. Cụ thể như, với VPBank, từ đầu năm đến nay chúng tôi đã cắt giảm lãi suất hơn 1% cho các khách hàng cá nhân vay tiêu dùng và giảm 0,5-1% cho các khách hàng hộ kinh doanh.
Ngoài ra, VPBank còn tích cực tham gia vào các chương trình tín dụng xã hội. Ngân hàng cũng tích cực tham gia vào gói tín dụng 120.000 tỷ đồng cho chương trình cho vay mua nhà ở xã hội, với cam kết giải ngân tối thiểu 2.500 tỷ đồng dành cho khách hàng cá nhân tham gia chương trình.
Mặc dù có nhiều tiềm năng, ngành Ngân hàng vẫn đối mặt với những thách thức như áp lực từ lạm phát, tình hình bất động sản còn khó khăn và biến động thị trường tài chính toàn cầu. Tuy nhiên, theo bà Hạnh, những giải pháp chủ động từ các ngân hàng sẽ giúp vượt qua các trở ngại này. “Bên cạnh việc giảm lãi suất, chúng tôi cũng liên tục tinh giản các thủ tục cho vay, cùng với địa bàn trải rộng các tỉnh, thành phố, bao gồm cả các địa bàn nông thôn, miền núi. Chúng tôi đã tạo điều kiện hỗ trợ cho người dân dễ dàng tiếp cận nguồn vốn hơn”.
Ngoài ra, việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ và chiến lược phát triển bền vững cũng giúp ngành Ngân hàng nâng cao khả năng cạnh tranh và quản trị rủi ro.
Tổng hợp từ các phân tích trên có thể thấy rằng cổ phiếu ngành Ngân hàng là một lựa chọn đầu tư tiềm năng trong bối cảnh hiện nay. Những yếu tố vĩ mô thuận lợi, chính sách tiền tệ ổn định, cùng với việc nâng cao năng lực nội tại thông qua chuyển đổi số và hợp tác quốc tế, đang tạo ra nền tảng vững chắc cho sự phát triển của ngành.
“Ngành Ngân hàng luôn có vai trò quan trọng trong nền kinh tế. Chính vì vậy khi kinh tế có dấu hiệu tăng trưởng tốt thì ngành Ngân hàng cũng được hưởng lợi từ đó. Với vai trò là trụ cột kinh tế và tỷ trọng vốn hóa lớn trên thị trường chứng khoán, ngành Ngân hàng không chỉ thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế mà còn tiếp tục là điểm sáng trong danh mục đầu tư của các nhà đầu tư trong và ngoài nước”, bà Hạnh kết luận.