Chung tay tạo thói quen không dùng tiền mặt
Người tiêu dùng sẽ được hưởng ưu đãi trong "Ngày không tiền mặt - 16/6" | |
Tài chính toàn diện trong nền kinh tế không dùng tiền mặt |
Họp báo công bố Ngày không tiền mặt - 16/6 do NHNN chỉ đạo về nội dung chương trình |
Ông Phạm Tiến Dũng, Vụ trưởng Vụ Thanh toán: Giúp người tiêu dùng bước qua ngưỡng trả tiền mặt
Với vai trò chỉ đạo nội dung trong chương trình Ngày không tiền mặt, Vụ Thanh toán (NHNN) khẳng định sẽ đồng hành cùng các cơ quan, đơn vị để thực hiện hiệu quả những mục tiêu mà hoạt động thiết thực này đang hướng tới. Từ đó, tạo tiền đề tích cực nhằm xây dựng, hoàn thiện hệ sinh thái thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam trong các năm tới.
Trên thực tế hiện nay, so với thanh toán tiền mặt truyền thống thì với sự đa dạng của công nghệ thanh toán, lợi ích của các hình thức thanh toán trực tuyến như: thanh toán trên nền mã phản hồi nhanh (QR Code), thanh toán qua mã hóa thông tin thẻ (Tokenization), thanh toán phi tiếp xúc (Contactless Payment)… đã vượt trội hơn hẳn. Tại các NHTM, nhiều nghiệp vụ mà hoạt động giao dịch tiền mặt tại quầy hàng chưa thực hiện được thì hệ thống xử lý thanh toán trực tuyến đã có thể làm được.
Chẳng hạn như việc thanh toán tiền điện, nếu khách hàng thanh toán bằng tiền mặt bị trùng hóa đơn (thanh toán 2 lần cho một hóa đơn) thì có thể giao dịch viên vẫn nhận tiền và phải mất công trả lại theo quy trình. Nhưng nếu thanh toán bằng các ứng dụng trực tuyến thì trường hợp thanh toán trùng sẽ được hệ thống loại bỏ, đỡ phiền hà cho các bên.
Theo những thống kê của NHNN thì trong những năm vừa qua hoạt động thanh toán qua các ứng dụng di động đã có sự tăng trưởng khá mạnh. Giá trị thanh toán qua di động trong năm 2018 đã tăng ở mức 169,5% so với năm 2017. Chính vì vậy, việc tổ chức những hoạt động như Ngày không tiền mặt với sự vào cuộc của nhiều đơn vị ngoài ngành Ngân hàng như: Vecom, các DN bán lẻ, các cơ quan truyền thông… thì chắc chắn sẽ làm cho thói quen tiêu dùng tiền mặt giảm xuống và giá trị giao dịch thanh toán điện tử sẽ tiếp tục tăng lên.
Chúng tôi cho rằng, đến nay các nền tảng về công nghệ, về pháp lý đối với thanh toán phi tiền mặt đã khá sẵn sàng và đang tiếp tục được hoàn thiện. Vì vậy, hiệu quả của việc khuyến khích thanh toán trực tuyến phụ thuộc chủ yếu vào sự phối hợp, liên kết chặt chẽ giữa các nhà cung cấp, các trung gian thanh toán và người tiêu dùng.
Trong đó, hoạt động truyền thông, hướng dẫn cũng rất cần được các bên đẩy mạnh để thay đổi thói quen dùng tiền mặt của khách hàng. Bởi chỉ cần người tiêu dùng bước qua được ngưỡng chấp nhận sử dụng các ứng dụng thanh toán không dùng tiền mặt là có thể thành công. Vì chẳng có ai đã từng sử dụng thanh toán online mà lại muốn quay về với tiền mặt cả.
Ông Nguyễn Ngọc Dũng, Phó Chủ tịch Vecom: Cần xử lý tận gốc vấn đề thanh toán tiền mặt
Từ kinh nghiệm trong hoạt động thương mại điện tử chúng tôi nhận thấy, cái gốc của việc người tiêu dùng vẫn giữ thói quen thanh toán bằng tiền mặt khi mua sắm là vì hiện nay nhận thức và hành động cụ thể của các nhà cung cấp sản phẩm, dịch vụ đối với thanh toán trực tuyến vẫn chưa được công bằng.
Thực tế các nhà cung cấp sản phẩm, dịch vụ hiện nay chưa có sự phân biệt giữa khách hàng trả tiền trước (thanh toán trực tuyến - PV) và khách hàng trả tiền sau (giao hàng - thanh toán COD - PV) nên chưa có những chính sách bán hàng hợp lý và công bằng với khách hàng. Trong khi đó, đáng ra người mua trả tiền trước phải được hưởng mức giá rẻ hơn 10-15% thậm chí 30% so với người mua trả tiền sau.
Ghi nhận của Vecom cũng cho thấy, hiện nay các nhà cung cấp sản phẩm dịch vụ cũng tính toán quá chi ly đối với các mức phí phải trả cho các trung gian thanh toán. Vì thế, nhiều nhà cung cấp hạn chế sử dụng các giải pháp thanh toán trực tuyến và không có những khuyến mại hỗ trợ đáng kể cho khách mua hàng thanh toán online. Trong khi đó, ở phía người dùng do sự tin tưởng vào chất lượng sản phẩm, dịch vụ vẫn chưa hoàn toàn được củng cố vì vậy vẫn chưa cởi mở với các hình thức thanh toán trả trước không dùng tiền mặt.
Do vậy, chúng tôi cho rằng, việc tạo ra một “ngày hội” thanh toán không dùng tiền mặt và đẩy mạnh tuyên truyền về thanh toán trực tuyến là một việc làm rất thiết thực và ý nghĩa. Bởi với hàng loạt các hoạt động chuẩn bị cho ngày Cashless Day như: tổ chức hội thảo chuyên đề, tổ chức các diễn đàn tranh luận trên các trang báo điện tử, mạng xã hội và tuyên truyền bằng các hình thức khẩu hiệu, băng rôn tại các điểm bán lẻ… chắc chắn số lượng người tiêu dùng biết và quan tâm đến Ngày không tiền mặt sẽ tăng lên đáng kể.
Thông qua những trao đổi cởi mở tại các hội thảo, diễn đàn, các ý kiến từ các chuyên gia, các NHTM, tổ chức thanh toán và các sàn thương mại điện tử sẽ đến được với nhiều người, giải đáp được những thắc mắc, lo ngại khi thanh toán trực tuyến. Khi đó, không những việc tham gia các hình thức thanh toán không dùng tiền mặt với nhiều người sẽ tích cực hơn mà cả nhận thức lẫn hành động của các nhà cung cấp sản phẩm, dịch vụ cũng sẽ tốt hơn và cụ thể hơn đối với thanh toán không tiền mặt.
Ông Trần Xuân Toàn, Uỷ viên Ban Biên tập Báo Tuổi trẻ: Kỳ vọng Cashless Day mạnh hơn Black Friday!
Ý tưởng Ngày không tiền mặt - Cashless Day xuất phát từ đề nghị của một số chuyên gia trong hội thảo “Hướng đến một xã hội không tiền mặt” cũng vừa được chúng tôi phối hợp với NHNN Việt Nam thực hiện trong tháng 4/2019 vừa qua, đó là lấy ngày 16/6 hàng năm là Ngày không tiền mặt của cả nước.
Từ việc tổ chức ngày hội mua sắm không tiền mặt trong năm nay, chúng tôi kỳ vọng tạo ra một dấu ấn trong việc khuyến khích người dân không dùng tiền mặt trong thanh toán mà thay vào đó là sử dụng các hình thức thanh toán trên nền tảng kỹ thuật số như thanh toán thẻ ngân hàng, thanh toán qua ví điện tử và các hình thức thanh toán trực tuyến khác.
Để thực hiện chương trình Ngày không tiền mặt, từ tháng 5/2019 chúng tôi đã làm việc với nhiều đơn vị cung cấp sản phẩm, dịch vụ để đưa ra các chương trình ưu đãi mua sắm. Hiện đã có hàng loạt các đơn vị thương mại điện tử lớn như: Lazada, Adayroi, Tiki, VinPro, Shoppee… đăng ký tham gia các chương trình ưu đãi đặc biệt và tặng quà giá trị cho khách hàng khi mua sắm không dùng tiền mặt trong tháng 6/2019.
Trong thời gian này, chúng tôi sẽ tiếp tục làm việc với các công ty trung gian thanh toán, các NHTM và các đơn vị cung ứng sản phẩm dịch vụ, đồng thời mở ra nhiều diễn đàn truyền thông, quảng bá về Ngày không tiền mặt - Cashless Day để thu hút sự tham gia của người tiêu dùng với kỳ vọng biến ngày Cashless Day trở thành một “ngày hội mua sắm” thậm chí còn có thể hấp dẫn và đông đảo hơn so với ngày Black Friday vẫn diễn ra hàng năm.