Cơ hội đẩy mạnh thanh toán điện tử trong lĩnh vực giao thông
Thanh toán điện tử đảm bảo thông suốt dịp Tết Đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt dịp Tết Người dùng thanh toán điện tử quan tâm nhiều nhất đến bảo mật |
Đó là thông tin được đưa ra tại Hội thảo với chủ đề “Tương lai nào cho thanh toán điện tử trong giao thông” do Báo Giao thông phối hợp với Tạp chí điện tử Viettimes tổ chức chiều 30/9.
Tạo nhiều thuận lợi cho người dân
Bộ Giao thông Vận tải vừa trình Chính phủ dự thảo nghị định về thanh toán điện tử giao thông đường bộ. Theo dự thảo này, các tổ chức, doanh nghiệp và người dân khi tham gia giao thông sẽ có một tài khoản giao thông để thanh toán điện tử hầu hết loại phí, giá, không chỉ với giao thông đường bộ mà còn cho các dịch vụ tại các cảng hàng không, cảng biển, bãi đỗ xe, điểm đỗ xe lòng đường, kiểm định...
Trình bày dự thảo Nghị định, ông Tô Nam Toàn, Trưởng phòng Khoa học Công nghệ Môi trường và Hợp tác Quốc tế, Cục Đường bộ Việt Nam cho biết, tại Luật Đường bộ quy định riêng một Điều về Thanh toán điện tử giao thông đường bộ (Điều 43). Cụ thể, gồm thanh toán các loại phí, giá, tiền dịch vụ liên quan đến hoạt động giao thông của phương tiện giao thông đường bộ thông qua tài khoản giao thông.
Toàn cảnh Hội thảo |
Để triển khai Luật Đường bộ, Bộ Giao thông vận tải đang gấp rút xây dựng Nghị định về thanh toán điện tử giao thông đường bộ gồm 6 chương, dự kiến sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 1/10/2024.
Về mô hình triển khai thanh toán điện tử, ông Toàn cho biết, Bộ sẽ xây dựng hệ thống quản lý cơ sở dữ liệu thanh toán điện tử giao thông đường bộ để chia sẻ cho các nhà cung cấp dịch vụ trong lĩnh vực không do Bộ quản lý. Đối với lĩnh vực Bộ quản lý sẽ giữ nguyên phương thức triển khai như hiện nay.
Một số điểm đáng chú ý của dự thảo Nghị định đó là mỗi tài khoản giao thông có thể sử dụng để chi trả cho nhiều phương tiện nhưng mỗi phương tiện chỉ được nhận chi trả từ một tài khoản giao thông.
Về lộ trình triển khai, ông Toàn cho biết, dự kiến từ ngày 1/10/2024 khi Nghị định có hiệu lực đến ngày 1/10/2025, chủ phương tiện phải thực chuyển đổi tài khoản thu phí sang tài khoản giao thông kết nối phương tiện thanh toán.
Bà Đặng Tuyết Dung, Giám đốc Visa Việt Nam & Lào trao đổi tại Hội thảo |
Theo bà Đặng Tuyết Dung, Giám đốc Visa Việt Nam và Lào, mục tiêu của giao thông công cộng và thanh toán bằng thẻ vé thông minh là nâng cao nhận thức của người dân thông qua nhiều chuẩn hoá như hệ thống thanh toán mở, hệ thống vé liên thông, có hệ sinh thái mở rộng, qua đó tiếp cận nhiều đối tượng hơn. Mục tiêu khác là đô thị xanh, hạn chế dùng phương tiện cá nhân và giảm lượng phát thải carbon, đồng thời tạo sức bật cho các đô thị lớn.
Nói về thực trạng thanh toán chạm trên toàn cầu, bà Dung cho biết, tỷ lệ giao dịch tiền mặt giảm 8% trên toàn cầu vào năm 2023, trong khi tổng số lượng giao dịch được xử lý bởi hệ thống Visa tăng trưởng 10% so với năm trước. Ngoài ra, hơn 80% giao dịch xuất trình thẻ được xử lý tại Visa là giao dịch thanh toán chạm. Visa triển khai mạnh ở nhiều quốc gia như: Singapore, Thái Lan, Nhật Bản… Giao dịch thanh toán giao thông bắt đầu bứt phá, tăng trưởng sau 2 năm kể từ thời điểm ra mắt mô hình thanh toán mở trong giao thông công cộng. “Điều đó cho thấy giao thông công cộng chiếm tỷ trọng rất lớn trong thanh toán mở”, bà Dung nhấn mạnh.
Theo bà Dung, Việt Nam đã và đang trong hành trình đầu tiên của dịch vụ giao thông công cộng. Khảo sát cho thấy, có 64% người dân cho biết sẽ sử dụng dịch vụ số để lên kế hoạch, đặt chỗ và thanh toán trước khi di chuyển; 94% kỳ vọng thanh toán không tiếp xúc sẽ được triển khai trong thanh toán giao thông; 45% sẽ di chuyển nhiều hơn nếu thanh toán thuận tiện và dễ dàng.
Ngân hàng sẵn sàng hạ tầng để triển khai
Tại hội thảo, ông Nguyễn Thanh Tùng, Trưởng phòng Nghiên cứu Ứng dụng Công nghệ Thanh toán, Công ty CP Thanh toán Quốc gia Việt Nam (NAPAS) cho biết, trên thế giới có hai xu hướng: thu phí giao thông theo cơ chế độc lập (closed-loop) và thu phí giao thông theo cơ chế liên thông account - based/open-loop. Trong đó, xu hướng thu phí giao thông theo cơ chế độc lập đã được triển khai từ nhiều năm nay như mua vé bằng tiền mặt, mua vé bằng thẻ từ trên xe buýt, tại sân ga tàu điện metro. Song, trên thế giới đa phần đã chuyển sang thu phí giao thông theo cơ chế liên thông account - based/open-loop.
Theo ông Tùng, khi phát triển phương tiện giao thông công cộng tại Việt Nam, nếu không tối ưu hoá hình thức thẻ vé, hạn chế việc người dùng phải xếp hàng chờ đợi thẻ vé thì khó có thể thu hút người dân sử dụng phương tiện công cộng. Thực tế, tại Việt Nam còn nhiều khó khăn trong phát triển thẻ vé như các phương tiện chưa liên thông; không tối ưu được nguồn lực xã hội; chưa có tiêu chuẩn thẻ vé chung; người dân phải mua vé bằng tiền mặt hoặc có nhiều thẻ; để nạp tiền, người dân phải nạp tại quầy thanh toán.
Để phát triển thẻ vé thông minh trong giao thông, ông Tùng đề xuất mỗi thành phố, tốt nhất là mỗi quốc gia nên có một hệ thống thẻ vé điện tử tập trung, duy nhất, sử dụng cho tất cả các đơn vị cung cấp dịch vụ giao thông công cộng bao gồm bus, metro, ít nhất là một thành phố có sự liên thông thanh toán bằng thẻ vé. Bên cạnh đó nên hỗ trợ việc sử dụng thẻ ngân hàng trong thanh toán giao thông.
Ông Nguyễn Hoàng Long, Phó Tổng giám đốc NAPAS cho rằng để nghị định sớm đi vào cuộc sống cần sự chung tay của các bộ, ngành |
Theo ông Tùng, tiêu chuẩn kỹ thuật về thẻ vé nên dựa trên tiêu chuẩn mở, không có giới hạn về đơn vị cung cấp thẻ, thiết bị đầu đọc và nên được xây dựng dựa trên các tiêu chuẩn quốc tế, có thể sử dụng lại các sản phẩm thẻ, đầu đọc đã có sẵn thị trường, rút ngắn thời gian triển khai.
Còn ông Nguyễn Hoàng Long, Phó Tổng giám đốc NAPAS cũng cho biết: “Về phía ngành Ngân hàng, chúng tôi tương đối sẵn sàng về hạ tầng cũng như kinh nghiệm triển khai trong nước và thế giới. Riêng ở Việt Nam, NAPAS đã có kinh nghiệm triển khai kết nối liên thông với một số đơn vị giao thông như VETC, Vinbus”. Thời gian tới, để đưa nghị định vào cuộc sống, ngoài sự chỉ đạo của NHNN và Bộ Giao thông vận tải, các cơ quan liên quan cũng cần ngồi với nhau để xem hệ thống tài khoản giao thông vận hành theo phương thức như thế nào, quy chuẩn ra sao, có cần thêm kết nối mới giữa đơn vị cung cấp như NAPAS, VISA sang hệ thống thanh toán mới không để có thể dùng phương tiện thanh toán ngân hàng và tài khoản giao thông.
Ông Nguyễn Trung Anh, Vụ Thanh toán, NHNN Việt Nam nêu giải pháp thúc đẩy TTKDTM trong thời gian tới |
Nêu giải pháp thúc đẩy TTKDTM trong thời gian tới, ông Nguyễn Trung Anh, Vụ Thanh toán, NHNN Việt Nam cho biết, NHNN sẽ hoàn thành khuôn khổ pháp lý, trong đó triển khai hiệu quả Nghị định 52; các thông tư quy định chi tiết, hướng dẫn Luật Các TCTD; xây dựng, tổ chức triển khai kế hoạch thực hiện nghị định về cơ chế thử nghiệm có kiểm soát trong lĩnh vực ngân hàng (sau khi được ban hành).
Về phát triển hạ tầng, sẽ nâng cấp hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng; tiếp tục hoàn thiện, phát triển hệ thống chuyển mạch tài chính và bù trừ điện tử (ACH); tăng cường tích hợp, kết nối hạ tầng, ứng dụng ngành ngân hàng với các ngành, lĩnh vực dịch vụ khác để mở rộng hệ sinh thái số; đảm bảo an ninh, an toàn bảo mật…
Còn về phát triển dịch dịch vụ, sẽ đẩy mạnh ứng dụng thành tựu CMCN 4.0, phát triển đa dạng các sản phẩm, dịch vụ trên nền tảng số hóa; đẩy mạnh các sản phẩm, dịch vụ thanh toán trên Mobile: QR Code, mã hóa thông tin thẻ Tokenization, Mobile Payment, Contactless, ví điện tử…
Bên cạnh đó, khuyến khích hợp tác giữa ngân hàng với Fintech; phát triển thanh toán điện tử trong lĩnh vực công; phát triển TTKDTM ở khu vực vùng sâu, vùng xa; phát triển dịch vụ thẻ, chuyển đổi thẻ từ sang thẻ chip.