Có nên ưu đãi đầu tư với nợ công
Ảnh minh họa |
Sau 5 năm thành lập và hoạt động, thị trường trái phiếu Chính phủ (TPCP) chuyên biệt đã khẳng định là kênh huy động vốn quan trọng và hiệu quả cho ngân sách Nhà nước (NSNN). Bà Nguyễn Thị Hoàng Lan, Phó chủ tịch HĐQT kiêm Phó tổng giám đốc Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) cho biết, sự thành công nổi bật của thị trường TPCP thời gian qua là đã huy động được một khối lượng vốn hiệu quả phục vụ đầu tư phát triển.
Chỉ tính riêng thị trường sơ cấp, với việc chủ yếu tập trung đấu thầu tại HNX, đã huy động thành công hơn 654.493 tỷ đồng cho NSNN trong vòng 5 năm qua, trong đó Kho bạc Nhà nước huy động được 513.292 tỷ đồng, gấp 13,36 lần so với giai đoạn 2000 - 2008.
Công tác phát hành TPCP có nhiều cải cách mạnh mẽ. Thị trường đã công khai thông tin về kế hoạch, lịch biểu phát hành, thông báo đấu thầu. Quy trình đăng ký, lưu ký TPCP từ khi đấu thầu lên niêm yết, giao dịch được nghiên cứu, cải tiến liên tục trong giai đoạn này đã rút ngắn dần từ T+15 xuống T+10, T+6 và hiện nay là T+4, tính từ ngày tổ chức đấu thầu.
Cùng với đó, thị trường TPCP tăng trưởng mạnh về quy mô và giao dịch. Đến nay, quy mô niêm yết bình quân toàn thị trường đạt gần 1.124 tỷ đồng/mã, tăng 3,52 lần so với mức 319 tỷ đồng/mã của năm 2009. Trong đó, TPCP do Kho bạc Nhà nước phát hành đạt khoảng gần 4.108 tỷ đồng/mã, phần lớn đạt tiêu chí về quy mô và thanh khoản, giúp hình thành hệ thống mã chuẩn và đường cong lợi suất tham chiếu cho thị trường.
Giá trị giao dịch bình quân phiên đã tăng gấp 8 lần trong vòng 5 năm qua, từ 175 tỷ đồng/phiên năm 2009 lên trên 1.322 tỷ đồng/phiên năm 2013. Tỷ lệ doanh số giao dịch thứ cấp so với giá trị TPCP lưu hành, theo đó cũng tăng lên gấp 2,6 lần, đạt 0,55 lần năm 2013. Trong 6 tháng đầu năm 2014, giá trị giao dịch bình quân phiên đã tăng mạnh lên mức 2.734 tỷ đồng. “Có thể nói, với khối lượng phát hành TPCP thành công trên thị trường sơ cấp và khối lượng giao dịch tăng mạnh trên thị trường thứ cấp, TPCP đã trở thành tài sản mang lại lợi nhuận đáng kể cho các NĐT trong những năm qua”, bà Lan cho biết.
Tuy nhiên, bên cạnh những mặt đạt được, đại diện HNX cũng thừa nhận, thị trường vẫn còn tồn tại những hạn chế. Điều này thể hiện trước hết ở quy mô thị trường còn nhỏ. Hàng hóa còn nghèo nàn, chưa thực sự hấp dẫn. Sản phẩm gốc phát hành còn đơn điệu, tập trung vào kỳ hạn ngắn. Quy mô của các mã vẫn còn thấp dù có tăng mạnh trong 3 năm qua. Công tác phát hành của các tổ chức phát hành khác còn chưa đồng bộ với Kho bạc Nhà nước. Ví dụ như trái phiếu của Ngân hàng Phát triển Việt Nam hiện có 328 mã trên tổng số 533 mã đang được niêm yết và giao dịch trên toàn thị trường, nhưng quy mô mỗi mã chỉ đạt hơn 424 tỷ đồng.
Cơ cấu thị trường chưa hoàn chỉnh. Thị trường phái sinh chưa được thiết lập và chưa kết nối được giữa thị trường TPCP chuyên biệt với thị trường mở và thị trường liên ngân hàng do NHNN quản lý. Hệ thống giao dịch và thông tin thị trường vẫn còn nhiều hạn chế và chưa hỗ trợ nhiều cơ chế phòng ngừa rủi ro. Sản phẩm giao dịch trên thị trường thứ cấp không nhiều. Nếu như thị trường giao ngay đã được triển khai khá chuẩn mực với phương thức giao dịch đa dạng thì thị trường kỳ hạn còn đơn điệu, mới có sản phẩm repo truyền thống là duy nhất.
Cơ chế thanh toán bù trừ giao dịch trái phiếu còn thiếu và yếu. Đến nay, cơ chế ký quỹ theo thị trường Mark to Market chưa được xây dựng, đối tác thanh toán trung tâm CCP chưa hình thành. Đề án chuyển thanh toán về NHNN còn chậm triển khai. Cơ cấu thành viên thị trường thiếu đa dạng. Giao dịch chủ yếu tập trung vào khối tự doanh của NHTM...
Để tiếp tục tăng cường tính minh bạch thị trường và hỗ trợ thành viên trong quá trình bố trí, chuẩn bị vốn trên thị trường sơ cấp, từng bước hiện thực hóa nhiệm vụ phát triển cho giai đoạn 2015 - 2020, HNX kiến nghị kế hoạch phát hành theo năm, quý tiếp tục được công khai và cụ thể hóa trong thời gian tới, phù hợp với nhiệm vụ quản lý nợ công. Cần tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa cải cách công tác phát hành với các tổ chức phát hành, đặc biệt là Ngân hàng Phát triển Việt Nam.
Bên cạnh đó, HNX kiến nghị Chính phủ và Bộ Tài chính xem xét ban hành các chính sách khuyến khích và ưu đãi đầu tư trên thị trường nợ công để thu hút các NĐT, tổ chức đầu tư nước ngoài tham gia mạnh mẽ hơn nữa. Đồng thời, thúc đẩy việc đa dạng hóa các chủ thể giao dịch trên thị trường sơ cấp và thứ cấp vốn đang chiếm chủ đạo là các nhóm thành viên là NHTM và CTCK.
Trong đó, phát triển các tổ chức đầu tư công cụ nợ như các tổ chức bảo hiểm nhân thọ, bảo hiểm xã hội và một số quỹ đầu tư công cụ nợ nên ưu tiên trong giai đoạn này. Các chính sách khuyến khích về tài chính có thể thực hiện kết hợp với các chính sách về điều hành, định hướng phát triển để tạo động lực thúc đẩy sự tham gia của các định chế đầu tư mới.
Trần Hương