Cổ phần hóa DNNN: Thách thức thu hút vốn ngoại
Tham vọng cổ phần hóa (CPH) 531 DNNN trong giai đoạn 2011-2015 đi kèm với nhiều hoạch định rõ nét về tỷ lệ thoái vốn, các phương án triển khai về giải thể, sáp nhập, bán, khoán… Tuy nhiên, đó luôn là cuộc đua chưa bao giờ cán đích đúng thời hạn, đến hết năm 2013 vẫn còn 432 DN cần phải CPH theo kế hoạch.
Ảnh minh họa |
Nhà đầu tư ngoại kém mặn mà
Mục tiêu cổ phần hóa 432 DN tiếp tục được “chốt cứng” thêm một lần nữa. Quyết tâm và nỗ lực của Chính phủ, các ngành, các cấp là rất lớn. Và khi đã “cưỡi trên lưng hổ”, kết quả là tính chung giai đoạn 2011-2015, cả nước CPH đạt trên 90% mục tiêu đặt ra, với việc CPH được 478 DN. Ban chỉ đạo Đổi mới và Phát triển DN nhìn nhận, việc sắp xếp, CPH DNNN giai đoạn 2011-2015 cơ bản đã hoàn thành kế hoạch.
Có được kết quả trên, nhiều ý kiến cho rằng, thời gian qua Việt Nam đã tháo gỡ rất nhiều quy định liên quan đến CPH và thoái vốn Nhà nước tại DN, trong đó bước đột phá quan trọng là cho phép đấu giá trọn lô đã giúp làm thay đổi quản trị chiến lược của các công ty…
Thế nhưng, qua thống kê năm 2015 cho thấy, số trúng giá đưa về nộp tiền chỉ khoảng 40% tổng cổ phiếu chào bán ra, trong khi năm 2014 là 69%. Điều đáng lưu ý hơn là NĐT nước ngoài lại hầu như không tham gia gì nhiều vào quá trình mua cổ phần từ các phiên đấu giá, dù tháng 8/2015 Bộ Tài chính ban hành Thông tư hướng dẫn hoạt động đầu tư nước ngoài trên TTCK.
Lý do lớn nhất, theo các chuyên gia kinh tế, vẫn là do tỷ lệ chào bán ra quá thấp, không giúp thay đổi quản trị DN. Và điều này khiến NĐT nước ngoài không thể yên tâm khi bỏ tiền đầu tư. Thứ hai là phương thức CPH, đấu giá công khai dù được xem là rất tốt, nhưng đấu giá công khai lại không phù hợp với việc thu hút NĐT chiến lược.
Các chuyên gia cho rằng, một trong những điểm nhấn trong thu hút NĐT nước ngoài vào quá trình này là phải nâng tỷ lệ chào bán nhiều hơn; thứ nữa là nên bán cho các NĐT chiến lược theo hình thức “dựng sổ” mà nhiều nước đã triển khai.
“Trong bối cảnh dòng vốn đang rút ra, áp lực tỷ giá lớn. Nếu Việt Nam hút được dòng vốn chiến lược nước ngoài sẽ là một thành công rất lớn, bởi dòng vốn chiến lược khác với dòng vốn khác ở chỗ nó có thể nằm lại thị trường tới vài năm, khi đó thực tế nó trở thành đầu tư trực tiếp. Điều này sẽ cải thiện được cán cân thanh toán, làm giảm sức ép tỷ giá, giúp thay đổi được quản trị và thu hút dòng vốn nước ngoài quay trở lại”, một chuyên gia khuyến cáo.
Tìm giải pháp thu hút NĐT chiến lược
UBCKNN cũng cho biết, ngay sau khi Chính phủ ban hành Nghị định 60 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Chứng khoán và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư 123 hướng dẫn hoạt động của NĐT nước ngoài trên TTCK Việt Nam.
Tuy nhiên, khi áp dụng đã cho thấy vướng mắc, trong đó vướng mắc lớn nhất liên quan đến quy định tại Luật Đầu tư bởi luật này quy định nếu NĐT nước ngoài nắm giữ cổ phần trên 51% thì DN đó là DN nước ngoài. Khi đó, các chính sách ứng xử đối với DN sẽ thay đổi giống với DN nước ngoài, và như vậy DN sẽ khó khăn hơn bởi các ràng buộc về quy định của pháp luật.
“Chính vì vậy, dù rất háo hức với việc nới room nhưng thực hiện lại bị vướng, nên rất ít công ty, DN tuyên bố mở room. Một vài công ty có tuyên bố mở nhưng trên thực tế không triển khai được”, đại diện UBCKNN cho hay.
Một vướng mắc khác liên quan đến quy định ngoại trừ ngành kinh doanh có điều kiện thì giới hạn tỷ lệ sở hữu theo luật chuyên ngành, DN khác thì được mở đến 100%. Thế nhưng việc xác định DN mình có nằm trong danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện hay không và tỷ lệ quy định sở hữu đối với từng DN cụ thể theo danh mục là bao nhiêu thì bản thân DN và cơ quan quản lý cũng chưa xác định được.
Từ quan điểm trên, UBCKNN và Bộ Tài chính dự kiến đề xuất một số phương án. Theo đó, phương án 1 là DN niêm yết, đăng ký giao dịch trên TTCK khi chưa mở được room cho NĐT nước ngoài 100% thì có thể mở 65% và nếu vượt quá 65% thì mới coi đó là DN nước ngoài.
Phương án 2 là không đề cập đến tỷ lệ 65% mà vẫn mở room không giới hạn nhưng kèm một số điều kiện để coi DN đó là DN nước ngoài như: NĐT nước ngoài có 1 năm nắm giữ trên 51% cổ phần; thành viên HĐQT có NĐT nước ngoài nắm đa số cổ phần... Khi đó, việc vận dụng sẽ không bị áp lực vì tỷ lệ 51%. Phương án này cũng gần giống và không trái với quy định tại Luật Đầu tư.
Song song với giải pháp nói trên, được biết UBCKNN cũng đã có văn bản hướng dẫn DN có thể mở room căn cứ vào danh mục kinh doanh có điều kiện mà Bộ Kế hoạch và Đầu tư công bố.
Từ đó, DN khi họp cổ đông có thể đưa ra chủ trương về việc nới room ở mức không quá lớn và và gửi lên UBCKNN. Còn nếu DN có vấn đề chưa rõ thì gửi xin ý kiến lên Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Ngoài ra, UBCKNN cũng giao cho vụ chức năng tập hợp các vướng mắc và làm văn bản chung gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư tháo gỡ kỹ thuật…
“Trong bối cảnh dòng vốn đang rút ra, áp lực tỷ giá lớn. Nếu Việt Nam hút được dòng vốn chiến lược nước ngoài sẽ là một thành công rất lớn. |