Cổ phiếu ngành điện hấp dẫn
Cổ phiếu ngành điện vẫn sáng |
Chứng khoán đang ở ngưỡng khá cao có thể khiến các nhà đầu tư chùn bước phần nào trong việc mua vào cổ phiếu vào thời điểm này, nhất là ở các ngành hàng tiêu dùng, thực phẩm và thức uống, dược phẩm, xây dựng và BĐS.
Ảnh minh họa |
Mặc dù vậy, thị trường vẫn còn những mã cổ phiếu có tiềm năng lớn nhưng vẫn đang ở mức giá khá thấp, như họ cổ phiếu điện lực. Có thể điểm qua một số gương mặt nổi trội như Nhiệt điện Phả Lại (PPC) hiện chỉ có tỷ lệ giá trên thu nhập (PE) vào khoảng 9x, Nhiệt điện Bà Rịa (5,2x), Nhiệt điện Nhơn Trạch 2 (NT2) có PE chỉ xấp xỉ 8x, Thủy điện miền Trung (CHP) chỉ là 11x. Nhìn chung, các mức giá này vẫn còn thấp hơn đáng kể so với mặt bằng chung của toàn thị trường hiện nay (khoảng 13x theo Dragon Capital).
Giống như ngành dược phẩm, các cổ phiếu điện được xem là các cổ phiếu an toàn mang tính phòng thủ cho các nhà đầu tư, nhờ doanh thu ổn định. Một số DN như PPC, NT2 có tỷ lệ chi trả cổ tức bằng tiền mặt khá hấp dẫn trong các năm qua, dao động từ 15-33% mang lại dòng tiền tương đối ổn định cho các cổ đông.
Một số DN còn hưởng lợi từ chi phí khấu hao các nhà máy đã xong, giúp cho lợi nhuận có thể cải thiện đáng kể trong các năm tới. Như tại PPC, công ty này đã khấu hao xong hai nhà máy Phả Lại 1 và Phả Lại 2. Tổng chi phí khấu hao của PPC trong 2016 chỉ là 71 tỷ đồng, giảm đáng kể so với con số 456 tỷ đồng của năm trước đó. Giá than đầu vào tiếp tục ở mức thấp sẽ mang lại lợi thế đáng kể cho PPC trong việc duy trì biên lợi nhuận khả quan trong năm nay.
Hay như tại NT2, giá khí đầu vào đang ở mức thấp và ít biến động cũng mang lại cơ hội kinh doanh tốt cho công ty này. Hiện NT2 có hai khoản nợ nước ngoài bằng cả đồng USD và Euro với quy mô tương đương nhau nên sự tăng giá thời gian qua của đồng bạc xanh đã bị bù trừ bởi sự giảm giá của đồng Euro, giúp cho rủi ro tỷ giá của công ty không còn lớn như các năm trước. Năm 2016, NT2 thậm chí còn ghi nhận khoản lãi tỷ giá lên đến 32 tỷ đồng.
Điểm thuận lợi của NT2 còn là công suất khai khác thực tế đang ở mức rất lớn khi lên đến 5,2 – 5,3 tỷ kWh mỗi năm, tương ứng gần 100% so với công suất thiết kế. Nhà máy có hiệu suất cao do công nghệ được áp dụng theo tiêu chuẩn của Đức, đội ngũ quản lý hiệu quả và lại nằm trong vị trí tiếp giáp với 3 tỉnh Đông Nam bộ có công nghiệp phát triển là TP.HCM, Đồng Nai và Bà Rịa - Vũng Tàu giúp ổn định được đầu ra.
Tiềm năng còn có thể thấy trên lĩnh vực thủy điện. Cơn hạn hán kỷ lục 2016 khiến cho nhiều DN trong ngành lao đao, nhưng trong năm nay thời tiết đang diễn biến thuận lợi hơn, hứa hẹn sẽ giúp kết quả kinh doanh của các DN như TBC, VSH khởi sắc.
Bên cạnh đó, lộ trình tự do hóa ngành điện theo hướng thị trường của Chính phủ cũng sẽ hỗ trợ cho các DN trong ngành. Theo đề án tái cơ cấu ngành điện, đến 2020 thị trường bán lẻ điện cạnh tranh sẽ được vận hành. Khi đó các nhà máy phát điện sẽ được chủ động đàm phán để bán cho đối tác có nhu cầu, ngoài khách hàng lớn nhất hiện nay là EVN. Giá bán điện trong tương lai nhờ đó có thể tăng mạnh.
Thực tế thì các nhà đầu tư danh tiếng trong và ngoài nước đã ít nhiều tham gia vào ngành điện. Dragon Capital đã đầu tư vào Nhiệt điện Nhơn Trạch 2, Thủy điện Sông Ông. REE đầu tư vào Thủy điện Thác Bà, Nhiệt điện Phả Lại, Thủy điện miền Trung. Quỹ Năng lượng sạch Armstrong (Singapore) và Công ty Tài chính Quốc tế (IFC) đầu tư chiến lược vào điện Gia Lai (thành viên của Tập đoàn Thành Thành Công chuyên đầu tư thủy điện), hay gần đây là thương vụ hai quỹ đầu tư nước ngoài là UOBVM (thuộc Ngân hàng UOB của Singapore) và Tập đoàn Orix của Nhật đã đầu tư 50 triệu USD vào Bitexco Power.
Nhưng bên cạnh các điểm hấp dẫn, rủi ro khi đầu tư vào các cổ phiếu điện lực mà các nhà đầu tư nên chú ý vẫn là các khoản nợ tại một số DN vẫn đang khá lớn, rủi ro tỷ giá tiếp tục hiện diện. Một số dự án lớn về nhiệt điện đang triển khai có thể mang đến áp lực cạnh tranh mới cho các DN hiện hữu.