Có thể hoàn thành tất cả các chỉ tiêu kinh tế - xã hội
Cho vay mua nhà ở xã hội: Đủ thủ tục sẽ được vay vốn | |
Củng cố vĩ mô, khơi thông động lực tăng trưởng |
Kỳ vọng tăng trưởng vượt mục tiêu
Đến thời điểm này, có thể khẳng định sẽ hoàn thành toàn bộ 12 chỉ tiêu Quốc hội giao cho năm 2018, với 8 chỉ tiêu vượt và 4 chỉ tiêu đạt. Cùng với đó, tăng trưởng kinh tế cả năm 2018 cũng đang kỳ vọng chạm ngưỡng cao hơn so với mục tiêu 6,7% đã đặt ra. Bức tranh kinh tế xán lạn đã được Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng phác hoạ tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 9/2018 tổ chức hôm đầu tuần.
Ảnh minh họa |
Theo đó, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng khẳng định, tình hình kinh tế - xã hội tháng 9 và 9 tháng đầu năm đạt kết quả toàn diện trên các mặt. GDP 9 tháng tăng 6,98%, là mức tăng cao nhất so với cùng kỳ kể từ năm 2011, với cả 3 khu vực trụ cột của nền kinh tế đều tăng cao. Cùng với việc nhận định về tình hình kinh tế - xã hội 9 tháng qua, Chính phủ đã đưa ra dự báo về triển vọng cho cả năm 2018.
Kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, CPI bình quân 9 tháng năm 2018 tăng 3,57% và dự kiến cả năm sẽ kiểm soát được chỉ số CPI theo chỉ tiêu Quốc hội giao là dưới 4%.
Kim ngạch xuất khẩu 9 tháng ước tính đạt 179 tỷ USD, tăng 15,4%. Đáng mừng là xuất khẩu của khu vực kinh tế trong nước tăng cao hơn khu vực FDI, cụ thể khu vực trong nước tăng 17,5% trong khi khu vực FDI (kể cả dầu thô) tăng 14,6%. Trong 9 tháng tiếp tục xuất siêu 5,39 tỷ USD, đây là mức kỷ lục. Tính chung cả năm 2018 xuất nhập khẩu dự kiến đạt 475 tỷ USD, với 238 tỷ USD xuất khẩu, xuất siêu 1 tỷ USD.
Vốn đầu tư toàn xã hội thực hiện tăng 10,9% so với cùng kỳ năm trước và tương đương 34% GDP. FDI thực hiện ước đạt 13,25 tỷ USD...
Một điểm sáng nữa là trong 9 tháng, cả nước có trên 96.000 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng vốn đăng ký là 963.400 tỷ đồng, tăng 2,8% về số doanh nghiệp và tăng 6,7% về số vốn. Việt Nam tiếp tục dẫn đầu thế giới về Chỉ số tinh thần khởi nghiệp, với 92% người được hỏi sẽ cân nhắc khởi nghiệp, 88% sẵn sàng chấp nhận rủi ro thất bại khi khởi nghiệp so trung bình thế giới ở mức 47%.
“Tính chung, nếu giữ được tốc độ tăng trưởng này, với GDP quý IV đạt 6,8-6,9% thì cả năm chắc chắn vượt mức 6,7%”, ông Mai Tiến Dũng khẳng định.
Lường đón yếu tố rủi ro
Mặc dù diễn biến chung của nền kinh tế là tích cực và mục tiêu tăng trưởng đã nằm trong tầm tay, song TS. Võ Trí Thành, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính – tiền tệ quốc gia lưu ý rằng, các yếu tố thúc đẩy tăng trưởng hiện tại tiềm ẩn nhiều rủi ro. Bên cạnh đó, khả năng cạnh tranh của khu vực kinh tế trong nước còn yếu.
Lấy ví dụ từ khu vực nông nghiệp, ông Thành phân tích, năm 2016 GDP tăng 6,2% trong khi khu vực nông nghiệp tăng trưởng gần như bằng 0. Trong 2 năm vừa qua, cùng với sự phục hồi của khu vực nông nghiệp, tăng trưởng cũng nhích dần lên. Điều cần lưu ý là nếu trừ đi đóng góp của khu vực nông nghiệp trong 3 năm vừa qua, thì đóng góp của 2 khu vực công nghiệp – xây dựng và dịch vụ gần như không thay đổi. “Tức là tăng trưởng 3 năm qua nếu không tính nông nghiệp thì các lĩnh vực còn lại không có chuyển biến quá lớn”, ông Thành cho biết.
Trong khi đó, tăng trưởng của khu vực công nghiệp chế biến chế tạo kể cả nhìn từ hướng sản xuất hay xuất khẩu, đóng góp vào tăng trưởng, cũng đều do khu vực FDI dẫn dắt và lại chỉ do một vài công ty điển hình của khu vực FDI. “Những yếu tố đóng góp vào tăng trưởng cho thấy có gì đó chưa ổn. Bởi tính chung 3 năm qua, nếu trừ đi các yếu tố đóng góp của FDI hay khu vực nông nghiệp, thì mức tăng trưởng còn lại hết sức bình thường và chưa đáng để hài lòng”, ông Thành băn khoăn.
TS. Nguyễn Đức Kiên - Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội cũng chung lo ngại rằng diễn biến của tăng trưởng ngày càng nằm ngoài dự đoán và tầm với của chúng ta. Ông Kiên dẫn chứng, cán cân thương mại từ năm 2016 đến nay luôn duy trì thặng dư, trong khi đó dự báo luôn là thâm hụt. Ngay cả mức xuất siêu 5,39 tỷ USD trong 9 tháng cũng là điều bất ngờ bởi trước đó các dự báo đều cho rằng thâm hụt thương mại sẽ quay trở lại.
Từ phía ngân sách, ông Kiên cho rằng thu ngân sách năm 2018 dự kiến tăng khoảng 3% so với dự toán và tăng 5,5% so với 2017, song cũng chủ yếu nhờ yếu tố nằm ngoài dự báo là giá dầu thô tăng cao.
Theo đó, mặc dù sản lượng khai thác giảm, song thu ngân sách từ dầu thô trong 9 tháng đầu năm vẫn tăng hơn 120%. “Nếu như một ngày tình hình sản xuất và tiêu thụ của khu vực FDI không thuận lợi, hay giá dầu thô đột ngột giảm xuống, thì bức tranh kinh tế cũng sẽ thay đổi nhanh chóng và không nằm trong khả năng kiểm soát của chúng ta nữa”, ông Kiên cảnh báo.
Tại cuộc họp báo, trả lời câu hỏi về vai trò của NHNN trong việc chấn chỉnh hoạt động cho vay trực tuyến, Phó Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho rằng, hình thức cho vay trực tuyến, cho vay online lãi suất cao như báo chí phản ánh cũng là hình thức tín dụng đen. Trong quá trình tổ chức điều hành hoạt động của hệ thống ngân hàng, thời gian qua NHNN liên tục rà soát, chỉnh sửa và bổ sung những quy định về cho vay, trong đó có những văn bản quy định về cho vay tiêu dùng của các TCTD thực hiện theo Thông tư 39, và có ban hành một văn bản riêng đối với tín dụng tiêu dùng của các công ty cho thuê tài chính, công ty tài chính. Phó Thống đốc Nguyễn Thị Hồng khẳng định, việc phát triển và mở rộng hoạt động tín dụng tiêu dùng của các công ty này sẽ giúp người dân tiếp cận được nguồn vốn từ các kênh chính thức, hạn chế và không phải tiếp cận tín dụng từ nguồn tín dụng đen. NHNN cũng tăng cường mở rộng mạng lưới hoạt động của hệ thống ngân hàng, đặc biệt ở vùng sâu vùng xa, phát triển tài chính vi mô cũng như mở rộng mạng lưới của Ngân hàng Chính sách xã hội. Đây là kênh tín dụng đối với người dân nghèo, người thu nhập thấp và ở vùng sâu vùng xa. Bên cạnh đó, trong điều hành hàng năm, NHNN luôn chỉ đạo các TCTD phải thực hiện, chấn chỉnh các hoạt động cho vay tiêu dùng. Với cách thức, giải pháp như vậy cũng sẽ góp phần hạn chế được tín dụng đen. Phó Thống đốc cũng cho biết thêm, trong quy định của pháp luật, NHNN thực hiện chức năng quản lý nhà nước đối với hoạt động tín dụng cũng như hoạt động ngân hàng khác đối với các TCTD; còn đối với tín dụng đen không thuộc trách nhiệm quản lý nhà nước của NHNN, nhưng cũng liên quan đến mảng quản lý trật tự an toàn xã hội và vi phạm pháp luật. Do đó, thời gian qua, NHNN đã tích cực phối hợp với các bộ, ngành liên quan rà soát, nắm bắt tình trạng của tín dụng đen và đã có báo cáo Chính phủ, kiến nghị để Chính phủ chỉ đạo các bộ, ban, ngành có giải pháp quản lý chung đối với hoạt động này, tránh hiện tượng tín dụng đen tràn lan. |