Công nghiệp có thành bệ đỡ cho lao động?
Hội nhập và nỗi lo khu vực phi chính thức vẫn không hề giảm đi | |
TPP với lao động nông nghiệp |
Sự dịch chuyển cơ cấu lao động từ khu vực nông nghiệp sang công nghiệp và dịch vụ cho thấy chính sách công nghiệp hoá dường như đang đi đúng hướng. Số liệu kinh tế quý I/2016 được Tổng cục Thống kê công bố cho thấy, tỷ trọng lao động tham gia vào khu vực nông, lâm nghiệp, thuỷ sản đã giảm xuống còn 42,3% trong 3 tháng đầu năm 2016.
Theo bà Nguyễn Thị Xuân Mai, Vụ trưởng Vụ Thống kê Dân số và Lao động, xu hướng chuyển dịch lao động từ khu vực nông nghiệp sang công nghiệp tuy không quá nhanh song đã tiếp diễn liên tục trong chuỗi thời gian dài. Năm 2010, tỷ trọng lao động làm việc trong khu vực nông, lâm nghiệp, thuỷ sản là 62,2%, sau đó giảm xuống còn 55,1% vào năm 2005. Tới năm 2010, chỉ còn 49,1% lao động làm việc trong khu vực này và cho tới nay theo thống kê mới nhất là 42,3%.
Tuy nhiên liệu dịch chuyển này có thực sự bền vững không, khi sản xuất nông nghiệp đang giảm mạnh chưa từng có, còn công nghiệp cũng tăng trưởng không đạt như kỳ vọng? Bởi theo số liệu của cơ quan thống kê, trong quý I/2016, giá trị sản xuất của khu vực nông, lâm nghiệp và thuỷ sản đã sụt giảm tới 1,23% so cùng kỳ năm trước, thấp nhất so với cùng kỳ nhiều năm trở lại đây.
“Nông nghiệp đã từng là cứu cánh của cả nền kinh tế trong những giai đoạn khủng hoảng 1997-1999, hay 2012-2014. Nhưng đến nay khu vực này có mức tăng trưởng âm và cũng là lần đầu tiên sau rất nhiều năm khu vực này có mức tăng trưởng âm, làm giảm tới 0,16 điểm % vào tốc độ tăng trưởng chung”, ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê lo ngại.
Giai đoạn trước đây, khi kinh tế khó khăn, lao động thường có xu hướng dịch chuyển từ thành thị về nông thôn, từ công nghiệp quay lại nông nghiệp để phần nào giải quyết vấn đề việc làm. Vì vậy nông nghiệp luôn là cứu cánh cho cả nền kinh tế trong những thời điểm khó khăn. Song cho tới nay sự dịch chuyển đó có vẻ không mấy suôn sẻ. Bởi xu hướng thất nghiệp đang tăng lên ở nông thôn.
PGS-TS. Nguyễn Thị Lan Hương, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học lao động và xã hội, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đã báo động “thất nghiệp đang có xu hướng nông thôn hoá”. Dù tỷ lệ thất nghiệp chung của cả nền kinh tế có giảm hơn so với cùng kỳ năm trước, song tỷ lệ người thất nghiệp ở khu vực nông thôn đang có dấu hiệu tăng lên.
Biểu hiện cho thấy lao động dường như chưa thực sự chảy vào các ngành công nghiệp và dịch vụ, mà vẫn “chôn chân” ở khu vực nông thôn. Với những biểu hiện như hiện nay, bà Hương đánh giá “nền kinh tế chưa phát triển đủ mạnh để hút toàn bộ lao động kỹ thuật”.
Bệ đỡ lâu nay của cả nền kinh tế đang thất thế. Trong khi đó khu vực công nghiệp được mong chờ sẽ là địa chỉ tiếp nhận lao động, cũng không đạt được tăng trưởng khả quan trong quý vừa qua. Cụ thể, tăng trưởng chung của cả ngành công nghiệp chỉ tăng 6,2%, thua xa mức tăng 9,27% của cùng kỳ năm 2015.
Theo Tổng cục Thống kê, nguyên nhân là do Việt Nam có độ mở nền kinh tế ngày càng cao, công nghiệp chế biến chế tạo nước ta chủ yếu là gia công, phụ thuộc nhiều vào thị trường thế giới. Thời gian qua kinh tế thế giới tiếp tục khó khăn, nhu cầu tiêu thụ hàng hoá giảm khiến lượng đơn hàng giảm sút đã gây ảnh hưởng tới công nghiệp chế biến chế tạo trong nước (chủ yếu là đối với sản phẩm dệt may, da giày, đồ điện tử...).
Điều này cho thấy khi nền công nghiệp trong nước đang phụ thuộc ngày càng lớn vào thị trường thế giới do mở cửa rộng hơn theo các cam kết hội nhập như hiện nay, thì sự tăng trưởng của ngành công nghiệp cũng phụ thuộc ngày càng nhiều hơn vào các biến động bên ngoài. Vì vậy, khi nông nghiệp thất thế, công nghiệp có trở thành bệ đỡ vững chắc cho lực lượng lao động hay không, chắc chắn sẽ còn là điều đáng bàn.