Hội nhập và nỗi lo khu vực phi chính thức vẫn không hề giảm đi
Hành trang tham gia hội nhập | |
Việt Nam đang trở thành điểm kinh doanh hấp dẫn | |
Dạy nghề trước thách thức hội nhập |
Hội nhập sâu rộng đồng nghĩa với việc Việt Nam sẽ phải đối mặt nhiều hơn với những cú sốc, những biến động từ kinh tế thế giới. Những biến động kinh tế này sẽ nhanh chóng tác động tới việc làm và thu nhập của người lao động.
Lao động phổ thông, lao động thu nhập thấp, lao động nữ sẽ là đối tượng chịu tác động khắc nghiệt nhất từ những biến động này. Khả năng ứng phó của họ cũng là thấp hơn, do tiếp cận đến mạng lưới an sinh xã hội yếu hơn.
Để giúp đỡ hiệu quả nhóm này, không có cách nào khác phải có hệ thống an sinh xã hội tổ chức tốt, bao trùm được những nhóm yếu thế, khu vực phi chính thức.
Đây là nội dung chính được đưa ra tại Hội thảo “Việt Nam hướng tới hội nhập quốc tế: Cơ hội và thách thức để lồng ghép bình đẳng giới trong pháp luật và chính sách hướng tới việc làm bền vững”.
Ảnh minh họa |
Hội thảo do Dự án “Lồng ghép bình đẳng giới trong pháp luật và chính sách hướng tới việc làm bền vững ở Việt Nam” và MOLISA tổ chức ngày 22/3/2016.
Việt Nam hiện đang có tỷ lệ lao động có việc làm không ổn định và số người làm trong khu vực kinh tế phi chính thức lớn và có tới 95,7% người làm việc không có hợp đồng lao động. Hơn lúc nào hết, việc làm bền vững đang là vấn đề cấp bách và thiết thực.
Hội nhập đang và sẽ tạo ra những luông di chuyển lao động liên quốc gia sẽ tạo nên sức ép cạnh tranh về lao động, sẽ tạo ra sự dịch chuyển lao động và di cư nhiều hơn. Điều này sẽ có những tác động lớn đến chuyển dịch cơ cấu kinh tế ngành và chuyển dịch lao động. Hội nhập đã và đang khiến lợi thế lao động giá rẻ suy giảm, tăng áp lực cạnh tranh lao động xuyên quốc gia.
“Bình đẳng giới và vấn đề lao động phi chính thức đang là một thách thức “rất kinh tế”, theo PGS.TS. Vũ Sỹ Cường (Học viện Tài chính). TS. Cường đã nêu lên các thách thức vĩ mô đối với lao động và việc làm. Trong đó, lao động khu vực nông nghiệp và khu vực phi chính thức đang có tỷ lệ cao trong cơ cấu nền kinh tế và 7 năm nay tỷ lệ đóng góp của khu vực này trong GDP vẫn quanh mức 33%.
TS. Lan Hương, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Lao động cũng khẳng định tỷ lệ phi chính thức không hề giảm đi đâu, có chăng chỉ là có sự thay đổi tỷ lệ giữa khu vực nông nghiệp, hộ sản xuất gia đình, hộ kinh doanh gia đình… mà thôi.
Khu vực phi chính thức có đóng góp quan trọng trong phát triển kinh tế, họ cung cấp dịch vụ, họ tham gia sản xuất trong tất cả các ngành nghề. Đây cũng là khu vực tạo việc làm quan trọng nhất là lao động nữ.
Như TS. Nguyễn Đình Cung – Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương đã rất nhiều lần đặt ra vấn đề quan trọng của nền kinh tế và sức cạnh tranh của nền kinh tế với những nỗi lo hội nhập khi khu vực phi chính thức vẫn không hề giảm đi như thế.
Chính thức hóa khu vực kinh doanh phi chính thức – đó là giải pháp, đó là việc cần làm. Phân tích lợi ích sự chuyển đổi này dưới góc độ lao động, TS. Cường chỉ ra rằng khi chuyển đổi thành kinh doanh chính thức sẽ có cơ hội tăng đầu tư, tăng lợi nhuận từ 10-20%, giảm lao động thời vụ khoảng 12-16%, mở cơ hội tiếp cận tín dụng tốt hơn, và lương cho người lao động sẽ cao hơn khoảng 17%... Nhưng ông cũng chỉ ra những rào cản khiến tỷ lệ khu vực này không hề giảm và “họ không muốn chính thức”. Trong đó có rảo cản lớn đó là chính sách.
TS. Cường lưu ý Nhà nước cần có những chính sách thúc đẩy những người đang kinh doanh phi chính thức thành chính thức. Từ góc độ chính sách về thị trường lao động, cần hướng tới sự cân bằng giữa pháp luật bảo vệ người lao động và bảo vệ việc làm. Theo đó vừa bảo vệ được quyền lợi người lao động nhưng đồng thời giảm các gánh nặng, chi phí tuân thủ thủ tục nhằm khuyến khích chủ sử dụng lao động chủ động chuyển đổi.
Các cam kết trong TPP, các hiệp định thương mại mới sẽ đòi hỏi nâng cao các tiêu chuẩn lao động; bảo vệ lao động; cam kết thực thi nghiêm túc trên thực tiễn. Điều chỉnh hệ thống luật lao động, do đó tiếp tục là yêu cầu trực tiếp, cần có ưu tiên cao.
“Để có việc làm bền vững, người lao động phải được đào tạo, và việc đào tạo cũng phải được nâng cao”, ông Phan Chính Thức – (nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Dạy nghề, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội) phát biểu.
Nhưng đào tạo nghề hiện nay vẫn là khâu yếu
Các chương trình nghề chưa đáp ứng tốt nhu cầu của người sử dụng lao động. Khu vực phi chính thức, trong đó hộ cá thể; kể cả doanh nghiệp nhỏ và vừa trong khu vực chính thức, tiếp cận hạn chế các chương trình đào tạo nghề. Tiếp cận của nhóm phụ nữ, dân tộc thiểu số khó khăn hơn các nhóm khác. Tăng tính thị trường của hệ thống cung cấp dịch vụ công về đào tạo nghề, tăng tính cạnh tranh, cho phép và tạo điều kiện thuận lợi để khu vực tư nhân tham gia vào các chương trình nghề đang được tài trợ bởi ngân sách là một giải pháp cần được xem xét và cân nhắc.
Cuối cùng, MOLISA khẳng định, vấn đề giới là quan trọng và tiếp tục là ưu tiên của ngành. Tất nhiên, bình đẳng giới mới tính thực chất không nằm riêng rẽ mà tiếp tục được lồng ghép trong các chính sách. Tuy nhiên, quan trọng hơn cần giám sát tốt để đảm bảo hiệu lực thực thi trong thực tế. Hệ thống các cơ quan quản lý lao động ở địa phương; hiệu quả của chính quyền địa phương mới là yếu tố đảm bảo cho việc hiện thực hóa trên thực tế quyền bằng đẳng giữa phụ nữ và nam giới.