CPTPP có hiệu lực: Áp lực đã thực sự gõ cửa
Doanh nghiệp cần biết biến thách thức thành cơ hội | |
Việt Nam sẽ có nhiều cơ hội khi tham gia CPTPP | |
Cơ hội và thách thức cho doanh nghiệp Việt |
Áp lực thị trường và cạnh tranh
Trong khi CPTPP kỳ vọng sẽ giúp Việt Nam tăng cường hội nhập, nâng cao vị thế chính trị, kinh tế và mở ra các cơ hội đầu tư, thương mại cũng như nâng cao nội lực thì các áp lực mà CPTPP đặt ra cũng rất lớn và hiện hữu. Những áp lực này đòi hỏi chúng ta phải chủ động, nỗ lực đổi mới, tiếp tục hoàn thiện các quy định của pháp luật, thiết lập các cơ chế quản lý để vừa phù hợp với điều ước quốc tế nhưng cũng bảo đảm vững chắc sự ổn định về chính trị - xã hội.
Cơ hội lớn đang mở ra với xuất khẩu từ CPTPP |
Việt Nam là một đất nước có nhiều thành công trong quá trình 30 năm đổi mới, là một đất nước thể hiện tốt quyết tâm hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, đẩy mạnh tái cơ cấu nền kinh tế và thành phần kinh tế tư nhân ngày càng trở thành động lực quan trọng. Đó có thể là một số trong những lý do lý giải cho việc tại sao Việt Nam với mức thu nhập GDP bình quân đầu người chỉ khoảng 2.400 USD lại được “mời chào” tham gia CPTPP, khu vực có mức thu nhập GDP bình quân đầu người là 30.000 USD.
Một yếu tố quan trọng khác là vì họ đã nhìn thấy được tiềm năng của thị trường Việt Nam. Với tổng số 500 triệu dân từ 11 nước thành viên tham gia CPTPP, nếu tính quy mô trung bình một thị trường sẽ chỉ có khoảng 45,45 triệu dân; trong khi Việt Nam có khoảng 95 triệu dân, tức hơn gấp đôi so với quy mô của khu vực nên rõ ràng là một thị trường tiêu thụ lớn tiềm năng trong CPTPP.
“Các nước nhìn thấy cơ hội đầu tư vào Việt Nam, xuất khẩu hàng sang Việt Nam vì đó là thị trường tiêu thụ lớn. Vì vậy, tôi nghĩ đây là thách thức không nhỏ”, TS.Trần Hoàng Ngân - đại biểu Quốc hội phát biểu trong phiên họp của Quốc hội thảo luận về việc phê chuẩn CPTPP. Vì vậy theo ông, cần phải kiểm soát, phải phòng vệ thương mại để tránh việc nhập siêu giống như khi gia nhập WTO.
Rủi ro nhập khẩu tăng cao không chỉ ảnh hưởng tới bức tranh tăng trưởng chung, mà còn trực tiếp ảnh hưởng tới hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN. Trong khi đó, dù CPTPP là một thị trường rất lớn, nhưng đây cũng là một thị trường rất khó tính, đặc biệt với những thị trường của các nước phát triển (như Nhật Bản, Singapore, Canada, Úc...). Đó là một thách thức không nhỏ đối với hàng xuất khẩu của Việt Nam.
Điều đó cũng thể hiện rõ trên Bảng xếp hạng Doing Business 2019 của WB khi Việt Nam đang đứng ở vị trí 69/190. Đáng chú ý nếu so thứ hạng trên với thứ hạng các nước thành viên trong CPTPP thì Việt Nam đang đứng dưới cùng. Có lẽ trong ngắn và trung hạn, dù nỗ lực vượt bậc thì Việt Nam mới chỉ có cơ hội vượt được Peru (68/190) và bám đuổi với nhóm nước gồm Chile (56/190), Brunei (55/190) và Mexico (54/190). Các yêu cầu cải thiện MTKD của Việt Nam vì vậy sẽ phải mạnh mẽ, quyết liệt và thực chất hơn.
Cần pháp luật đồng bộ, tương thích
Không chỉ vậy, CPTPP còn là cơ hội và đồng thời cũng là một áp lực lớn đối với cải cách thể chế. CPTPP không chỉ đề cập đến thương mại đầu tư mà còn đề cập đến vấn đề lao động, môi trường, cải cách thể chế, mua sắm Chính phủ, DNNN… và quy định nhiều cơ chế thương mại mới, như cơ chế giải quyết tranh chấp đầu tư giữa nhà đầu tư (NĐT) nước ngoài với chính phủ nước sở tại thông qua trọng tài thương mại của các tổ chức quốc tế thay vì trọng tài thương mại ở chính nước tiếp nhận đầu tư.
Là quốc gia có nền kinh tế thị trường non trẻ nhất và là một trong những nước có trình độ phát triển kinh tế thấp nhất trong số các nước thành viên CPTPP nên Việt Nam sẽ phải đối mặt với thách thức lớn trong việc xử lý những vấn đề mới, phi truyền thống nêu trên thông qua việc đáp ứng các yêu cầu về tiêu chuẩn cao, về minh bạch hóa, các quy định về bảo hộ, sở hữu trí tuệ, cũng như các cơ chế giải quyết tranh chấp có tính ràng buộc và chặt chẽ.
Cùng với đó, phải giải quyết được các vấn đề còn mâu thuẫn giữa pháp luật trong nước với quy định của CPTPP. Theo Luật Điều ước quốc tế 2016, trật tự ưu tiên áp dụng văn bản quy phạm pháp luật là Hiến pháp, điều ước quốc tế, các văn bản quy phạm pháp luật khác. Theo đại biểu Quốc hội Hoàng Quốc Thưởng, trong điều kiện tương thích của hệ thống pháp luật nước ta với các quy định của CPTPP còn hạn chế thì việc sửa đổi pháp luật trong nước là công việc có khối lượng tương đối lớn, chưa thể giải quyết một sớm, một chiều.
“Vì vậy, giải pháp là trong dài hạn cần tiến hành nội luật hóa các quy định của CPTPP. Trong ngắn hạn, để tránh các vụ kiện của các NĐT nước ngoài đối với Chính phủ và chính quyền địa phương, cần tuyên truyền cho các cấp chính quyền hiểu sâu về CPTPP qua đó biết cách áp dụng pháp luật cho phù hợp với thông lệ quốc tế và phù hợp với các quy định của Luật Điều ước quốc tế năm 2016. Bên cạnh đó, cần không ngừng giữ nghiêm kỷ cương, xử lý nghiêm tình trạng nhũng nhiễu, gây khó khăn với NĐT, bởi vì môi trường đầu tư không tốt thì CPTPP hay bất cứ hiệp định thương mại nào cũng không thể phát huy hiệu quả đối với nền kinh tế”, đại biểu này nói.
Cùng quan điểm trên, đại biểu Phùng Đức Tiến cho rằng, Quốc hội cần ban hành, sửa đổi các văn bản luật liên quan tương thích với CPTPP như Luật Sở hữu trí tuệ, các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật an toàn thực phẩm, bảo hiểm và bố trí đủ nguồn lực cho việc thực hiện cam kết, đặc biệt là các hoạt động của cơ quan đầu mối và tăng cường giám sát việc thực hiện hiệp định này. Đối với Chính phủ, cần khẩn trương rà soát các điều khoản có thể áp dụng trực tiếp trong hiệp định, các điều khoản cần phải có lộ trình thực hiện và khẩn trương ban hành văn bản hướng dẫn các điều khoản trong hiệp định. Xác định lộ trình thực hiện và chỉ đạo sát sao việc thực hiện để bảo đảm đúng mục tiêu của việc tham gia hiệp định.