Cuộc chơi mới cho ví điện tử
Cơ hội cho NH và DN
Theo “Báo cáo Thương mại điện tử (TMĐT) Việt Nam 2014” của Cục TMĐT và CNTT (Bộ Công Thương), năm 2014, số website cung cấp dịch vụ TMĐT được xác nhận đăng ký là 357 đơn vị, gấp hơn 3 lần so với năm 2013.
Vietcombank triển khai dịch vụ thanh toán Ví điện tử MoMo trực tuyến từ 8/2011 |
Một số NH lớn tại Việt Nam cũng đã liên kết với các công ty cung ứng dịch vụ ví điện tử từ khá sớm. Vietcombank đã phối hợp với CTCP Dịch vụ di động trực tuyến (M_Service) triển khai dịch vụ thanh toán Ví điện tử MoMo trực tuyến từ 8/2011, cho phép khách hàng nạp tiền từ tài khoản Vietcombank vào ví MoMo và rút tiền từ ví MoMo sang tài khoản tại Vietcombank thông qua kênh NH trực tuyến Vietcombank (VCB-iB@nking) và các quầy giao dịch của Vietcombank trên toàn quốc.
VietinBank cũng đã hợp tác với CTCP Thanh toán điện tử VNPT (VNPT EPAY) khai trương dịch vụ ví điện tử Megapayment vào tháng 10/2010. Trao đổi về vai trò của NH khi liên kết với các công ty cung cấp dịch vụ ví điện tử, đại diện Trung tâm thẻ VietinBank cho rằng, các NHTM là đầu mối quan trọng trong việc phối hợp với tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán để thực hiện kiểm tra, đối soát dữ liệu; xác thực thông tin khách hàng, hướng dẫn các quy trình kỹ thuật nghiệp vụ đảm bảo an toàn, bảo mật trong thanh toán.
Có thể thấy rằng, các NH không chỉ có vai trò như một đơn vị phối hợp cung cấp sản phẩm mà hơn hết còn là công cụ để NHNN quản lý hiệu quả hơn dịch vụ ví điện tử, đảm bảo an toàn tuyệt đối cho khách hàng.
Ưu điểm của ví điện tử chính là ở tính đơn giản trong thiết bị và thao tác. Với một tài khoản ví điện tử, người dùng chỉ cần một chiếc điện thoại di động cũng đã có thể thực hiện giao dịch với người bán. Sử dụng ví điện tử, nhà cung cấp dịch vụ sẽ biết được ngay tiền đã được người mua chuyển sang ví của mình và được các NH đảm bảo... Do đó, nếu phát triển tốt, ví điện tử được kỳ vọng sẽ sớm trở thành bước nhảy vọt trong TMĐT và đây cũng là cơ hội cho các NH mở rộng các sản phẩm, dịch vụ thanh toán của mình.
Bên cung, bên cầu phải cùng nỗ lực
Xuất hiện ở Việt Nam từ 2008, nhưng chỉ đến khi NHNN ban hành Thông tư 39 hướng dẫn dịch vụ trung gian thanh toán thì ví điện tử mới chính thức được coi là một dịch vụ trung gian thanh toán bên cạnh các loại hình khác như thu hộ, chi hộ, dịch vụ hỗ trợ chuyển tiền điện tử.
Theo Quy định tại Điều 15 và Điều 16 Nghị định 101 ngày 22/11/2012 của Chính phủ về thanh toán không dùng tiền mặt, NHNN là cơ quan cấp, thu hồi và cấp lại Giấy phép hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán. Đối với dịch vụ hỗ trợ dịch vụ thanh toán cho khách hàng có tài khoản tại nhiều NH, tổ chức cung ứng dịch vụ phải kết nối với một tổ chức dịch vụ chuyển mạch tài chính và dịch vụ bù trừ điện tử.
Theo quy định tại Thông tư 39, đơn vị triển khai dịch vụ ví điện tử phải mở tài khoản đảm bảo thanh toán nhằm hạn chế rủi ro, hoàn trả tiền cho khách hàng khi phát sinh sự cố hoặc nhận được yêu cầu; không được phép phát hành hơn 1 ví điện tử cho một tài khoản thanh toán của khách hàng tại một NH, không được cấp tín dụng cho khách hàng, trả lãi trên số dư ví điện tử hoặc bất kỳ hành động nào có thể làm tăng giá trị tiền tệ trên ví điện tử.
NHNN cũng yêu cầu tổ chức cung ứng dịch vụ ví điện tử phải có công cụ để NHNN kiểm tra, giám sát tổng số tiền của khách hàng trên các ví điện tử và tổng số tiền trên tài khoản đảm bảo thanh toán. Việc nạp, rút tiền ra khỏi ví điện tử phải thực hiện thông qua tài khoản thanh toán của khách hàng tại NH.
Cơ quan quản lý cho rằng, đây là quy định nhằm quản lý chặt giao dịch ví điện tử và cũng là cơ sở để tra soát khi khách hàng gặp rủi ro. Vì nhu cầu mua sắm online ngày càng phát triển, theo đó không ít khách hàng đã gặp rủi ro khi thanh toán rồi mà không nhận được hàng hoặc hàng không đúng yêu cầu…
Thực tế, sau hơn 7 năm, ví điện tử cũng gặp nhiều thách thức để phát triển. Theo nhận định của đại diện Vụ Thanh toán (NHNN), ví điện tử còn thiếu tính ứng dụng bởi một phần do TMĐT chưa thực sự phát triển mạnh mẽ tại Việt Nam và sẽ phải mất khá nhiều năm để người tiêu dùng quen với việc sử dụng ví điện tử, do thói quen sử dụng tiền mặt còn phổ biến. Thời gian gần đây, hình thức thanh toán qua thẻ mới được sử dụng nhiều hơn khi các cơ quan, DN thanh toán, trả lương qua chuyển khoản NH hoặc Internet Banking.
Muốn tạo lập thói quen của người tiêu dùng đòi hỏi cần có một quá trình nhất định, ngoài nguyên nhân do thị trường, bản thân các DN cung cấp ví điện tử cũng chưa làm chủ được công nghệ. Bên cạnh những “đại gia” ví điện tử đi đầu như: Ngân Lượng, Momo… thì còn rất nhiều những đơn vị cung cấp vẫn rơi vào trình trạng loay hoay tìm hướng đi, chưa tận dụng được nguồn lực để mở rộng phạm vi phát triển, chưa chứng minh cho người tiêu dùng thấy sự thuận tiện, ưu việt của ví điện tử so với các hình thức thanh toán khác khi mua sắm với giá trị thấp.
Thị trường Việt Nam hiện nay có rất nhiều ví điện tử nhưng khúc mắc ở chỗ, các ví này không liên kết với nhau, gây nhiều khó khăn cho người sử dụng. Đó là chưa kể việc đơn vị cung cấp ví điện tử chỉ liên kết với một số đơn vị cung cấp dịch vụ nhất định của các thiết bị thanh toán cũng gây không ít bất tiện cho người tiêu dùng.
Bên cạnh đó, một vấn đề tồn tại gây khó khăn cho sự phát triển của ví điện tử tại nước ta đó là lo ngại về mức độ bảo mật riêng tư khi việc để lộ thông tin mua sắm, giao dịch trên mạng.
Theo đại diện Vụ Thanh toán, hành lang pháp lý cho hoạt động thanh toán ví điện tử thời gian qua còn chặt, khiến người tiêu dùng nhiều phần e ngại trong việc tiếp cận sử dụng, do lo sợ gian lận khi chưa có chế tài bảo vệ. Thông tư 39 ra đời hướng dẫn về hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán hy vọng sẽ là hành lang pháp lý để dịch vụ ví điện tử phát triển, sau nhiều năm phải làm thí điểm.
Để phát triển ví điện tử ở Việt Nam cần rất nhiều thời gian, không chỉ cần sự hỗ trợ ở cơ chế, chính sách của Nhà nước mà còn cần sự vào cuộc tích cực hơn nữa từ phía các DN, thúc đẩy phát triển thanh toán qua ví điện tử phổ biến hơn nữa, đem lại lợi ích đối với người tiêu dùng Việt Nam.