Đại lộ số
eKYC và chiến lược số hóa của HDBank | |
SHB và mục tiêu kết nối bền vững với khách hàng qua số hoá | |
Gửi tiết kiệm online, nhận ngay ưu đãi với OCB OMNI |
“Đại lộ số mở lối thành công” là sologan của Vietcombank khi cho ra mắt sản phẩm mới trung tuần tháng 11/2021 dành cho doanh nghiệp nhỏ và vừa bao gồm: Dịch vụ Ngân hàng số VCB DigiBiz và các sản phẩm thẻ doanh nghiệp Vietcombank Visa Business.
Tuyên ngôn của Vietcombank như làm tăng sức nóng trên đường đua ngân hàng số với những đích đến cao hơn, xa hơn mà Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2021-2025 đặt ra: Đến cuối năm 2025 giá trị thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM) gấp 25 lần GDP; TTKDTM trong thương mại điện tử đạt 50%; từ 80% người dân từ 15 tuổi trở lên có tài khoản giao dịch tại ngân hàng hoặc các tổ chức được phép khác; tăng khả năng tiếp cận các dịch vụ thanh toán của người dân; tăng số lượng điểm chấp nhận TTKDTM lên trên 450.000 điểm. Tốc độ tăng trưởng bình quân về số lượng và giá trị giao dịch TTKDTM đạt 20 - 25%/năm; tốc độ tăng trưởng bình quân về số lượng giao dịch qua kênh điện thoại di động đạt 50 - 80%/năm và giá trị giao dịch đạt 80 - 100%/năm; qua kênh Internet là 35 - 40%/năm. Tỷ lệ cá nhân, tổ chức sử dụng phương tiện TTKDTM qua các kênh thanh toán điện tử đạt 40%...
Ảnh minh họa |
Cuộc đua trên đại lộ số đã được khởi động mấy năm trước, nhưng chưa khi nào sôi động như hiện nay. Thời điểm Đề án đẩy mạnh TTKDTM tại Việt Nam giai đoạn 2011 – 2015 được phê duyệt, khách hàng mới bắt đầu làm quen với dịch vụ thanh toán hóa đơn điện, nước, điện thoại… bằng hình thức quẹt thẻ qua POS. Đến khi ngân hàng triển khai Đề án phát triển TTKDTM tại Việt Nam giai đoạn 2016 – 2020, việc sử dụng POS hay ATM dần bị thu hẹp bởi Internet banking, Mobile Bangking. Và giờ, không chỉ nâng cấp các sản phẩm, dịch vụ thanh toán, ngân hàng số còn mở ra “ đại lộ“ của những sản phẩm, dịch vụ số ngày càng tiện ích bởi SmartBanking.
Khách hàng có thể đăng ký VCB Digibank trực tuyến, mở thẻ ghi nợ phi vật lý ngay trên VCB Digibank. Không thua kém về sự tiện ích của sản phẩm BIDV SmartBanking, trong khi Vietcombank miễn phí phát hành, phí thường niên thì BIDV áp dụng chính sách tặng luôn tiền vào tài khoản cho khách hàng dùng BIDV SmartBanking. Hay Techcombank, sau chiến lược thu hút khách hàng qua chính sách zero fee từ khi còn là E-Baking, ngân hàng này nâng cao trải nghiệm người dùng bằng cách cho phép khách hàng mở tài khoản đầu tư ngay trên Techcombank Mobile. Khách hàng có thể mở tài khoản đầu tư trái phiếu, đầu tư vào quỹ; hoặc cổ phiếu mà không cần đến ngân hàng.
Cuộc đua giờ cũng đã được nâng tầm, không chỉ là các chương trình miễn, giảm phí hay tặng quà khách hàng, ngân hàng còn phải liên tục đưa ra những sản phẩm mới, nâng cao trải nghiệm cho khách hàng với xu hướng cá thể hóa, đồng thời nâng cao tính an toàn, bảo mật.
Đơn cử, Vietcombank Visa Business. được tích hợp tính năng hoàn tiền không giới hạn trên doanh số chi tiêu, với tỷ lệ hoàn tiền 0,4% cho thẻ tín dụng và 0,3% cho thẻ ghi nợ, giúp doanh nghiệp tiết kiệm chi phí tối đa. Vietcombank Visa Business áp dụng công nghệ thẻ chip EMV và phương thức bảo mật 3D-Secure, là các tiêu chuẩn bảo mật cao nhất, đảm bảo sự an toàn tối đa trong từng giao dịch của khách hàng. Contactless – công nghệ thanh toán không tiếp xúc cũng được tích hợp vào các sản phẩm thẻ, giúp chủ thẻ chỉ cần “chạm” để thanh toán.
Cũng kết hợp với Visa nhưng VIB lại hướng vào đối tượng khách hàng hoàn toàn khác: dòng thẻ Family Link - cho phép cả nhà có thể thanh toán không tiền mặt qua tài khoản, qua thẻ với hạn mức chi tiêu đến 600 triệu đồng và nhiều chương trình ưu đãi như miễn, giảm phí, tích điểm, tặng quà cho các thành viên trong gia đình…
Vì sao các ngân hàng không ngừng nỗ lực đua trên đại lộ số? Trước hết đó là xu hướng phát triển tất yếu của kỷ nguyên số; là nhu cầu, yêu cầu của khách hàng được trải nghiệm sản phẩm, dịch vụ ngày càng tiện ích; và quan trọng nhất, ngân hàng số là nền tảng cho ngân hàng phát triển trong tương lai, mang đến nguồn thu ngày càng quan trọng cho ngân hàng trong bối cảnh nguồn thu từ tín dụng sẽ ngày càng bị thu hẹp.
Theo công bố của NHNN, 9 tháng đầu 2021 so với cùng kỳ 2020, thanh toán Mobile tăng 76,2% về số lượng và 88,3% về giá trị; Thanh toán qua Internet tăng 51,2% về số lượng và 29,1% về giá trị. Từ tháng 3/2021 đến nay đã có thêm hơn 1,8 triệu tài khoản thanh toán được mở trực tuyến theo phương thức mới eKYC trong số hơn 100 triệu tài khoản thanh toán đang hoạt động tại Việt Nam. Đến cuối quý III/2021, số tài khoản thanh toán của cá nhân tại các ngân hàng đã đạt 110,92 triệu tài khoản. Người dân đang để gần 800 nghìn tỷ đồng trong ngân hàng với lãi suất từ 0% đến 0,02%. Số tiền này không chỉ là nguồn vốn có chi phí huy động thấp, mà còn mở ra cơ hội cho ngân hàng tăng thu từ nhiều sản phẩm, dịch vụ khác. Bởi hiếm khi một khách hàng chỉ sử dụng một sản phẩm là mở tài khoản thanh toán.
Song, để có được những lợi ích này các ngân hàng cũng “mướt mồ hôi” khi ngày càng có nhiều thành viên tham gia đua trên đại lộ số. Hiện thị trường có 45 đơn vị cung cấp dịch vụ trung gian thanh toán (và sẽ ngày càng tăng khi thêm nhiều công ty fintech tham gia); khoảng 80 ngân hàng cung cấp các dịch vụ ngân hàng số; và tới đây là các doanh nghiệp tham gia thí điểm Mobile – Money.
Thế nhưng điều quan trọng trong cuộc đua này, bất kể ai thắng thì khách hàng, rộng hơn là nền kinh tế chính là những người hưởng lợi trước tiên.