Đã chấm dứt nợ văn bản thuộc thẩm quyền ban hành của Chính phủ
Các giải pháp điều hành của NHNN cơ bản là phù hợp | |
Ấn tượng sau phiên chất vấn |
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long |
Là phiên chất vấn đầu tiên thực hiện theo hình thức hỏi ngay, đáp ngay và cũng là lần đầu tiên Bộ trưởng Tư pháp đăng đàn, sáng nay (19/3), Bộ trưởng Lê Thành Long cho biết, tính từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khoá XIV đến nay, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành có nhiệm vụ xây dựng 481 văn bản quy định chi tiết, gồm 345 văn bản từ nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII và 136 văn bản từ nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV (Kỳ 2 là 10 văn bản; Kỳ 3 là 89 văn bản; Kỳ 4 là 37 văn bản). Đến nay, đã ban hành được 368 văn bản, còn 113 văn bản quy định chi tiết các luật đã và sẽ có hiệu lực trong thời gian tới.
Mặc dù vẫn còn tình trạng nợ ban hành văn bản quy định chi tiết, nhưng số lượng văn bản nợ ban hành đã giảm dần qua các năm, cụ thể: Cuối năm 2015 nợ 33 văn bản; cuối năm 2016 nợ 14 văn bản; cuối năm 2017 nợ 9 văn bản, đặc biệt là năm 2017 đã chấm dứt tình trạng nợ văn bản thuộc thẩm quyền ban hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ...
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, việc xây dựng, ban hành văn bản quy định chi tiết vẫn còn một số tồn tại, hạn chế. Trong đó, hạn chế lớn nhất là tình trạng nợ ban hành văn bản quy định chi tiết chưa được giải quyết triệt để. Cụ thể, tính đến ngày 12/3/2018 còn nợ 22 văn bản (10 nghị định, 2 quyết định, 8 thông tư, 2 thông tư liên tịch) quy định chi tiết 11 luật, pháp lệnh.
Bộ trưởng Lê Thành Long cho rằng, tồn tại, hạn chế trong xây dựng, ban hành văn bản quy định chi tiết xuất phát từ nhiều nguyên nhân, song có nguyên nhân là trong thời gian qua, số lượng luật, pháp lệnh được ban hành tương đối lớn; một số luật có nhiều nội dung giao Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, cơ quan ngang bộ quy định chi tiết, dẫn đến nhiệm vụ phải xây dựng, ban hành một số lượng lớn văn bản quy định chi tiết.
Bên cạnh đó, một số luật, pháp lệnh được Quốc hội thông qua quy định ngày có hiệu lực tương đối ngắn; do vậy, nhiều trường hợp rất khó để ban hành văn bản quy định chi tiết đảm bảo có hiệu lực cùng với thời điểm có hiệu lực của luật, pháp lệnh, nhất là trong trường hợp phải ban hành nhiều văn bản để quy định chi tiết.
Để khắc phục tình trạng chậm ban hành văn bản quy định chi tiết, ông Long cho rằng, bên cạnh việc chuẩn bị về nguồn lực bảo đảm, kỷ luật, kỷ cương hành chính trong công tác xây dựng pháp luật… thì cần tập trung thực hiện một số giải pháp như: thực hiện nghiêm quy định của Luật năm 2015 về chuẩn bị dự thảo văn bản quy định chi tiết trình kèm theo dự án luật, pháp lệnh; ban hành một văn bản để quy định chi tiết nhiều nội dung được giao.
Bên cạnh đó, các cơ quan chủ trì soạn thảo cần phối hợp chặt chẽ với Bộ Tư pháp và cơ quan của Quốc hội ngay từ giai đoạn lập đề nghị xây dựng cho đến soạn thảo, chỉnh lý dự án luật, pháp lệnh để quy định cụ thể các vấn đề ngay trong luật, pháp lệnh, nghị quyết; đồng thời, kiểm soát phạm vi, hạn chế nội dung giao quy định chi tiết...
“Bộ Tư pháp sẽ định kỳ và kịp thời Báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ về tình hình thực hiện nhiệm vụ xây dựng, ban hành văn bản quy định chi tiết, những khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện để kịp thời có biện pháp khắc phục; tiếp tục công khai tình hình soạn thảo, trình văn bản quy định chi tiết thi hành luật, pháp lệnh của các bộ, cơ quan ngang bộ hàng tháng trên Cổng thông tin điện tử Chính phủ”, Bộ trưởng Lê Thành Long cho hay.