Các giải pháp điều hành của NHNN cơ bản là phù hợp
Tỷ giá và thực tiễn điều hành | |
Chính sách tiền tệ góp phần ổn định vĩ mô | |
Ngân hàng Việt Nam – Những dấu ấn của 10 tháng đầu năm 2017 |
Sáng ngày 17/11/2017, Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng tiếp tục phiên trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội. Bên cạnh phần trả lời chất vấn về kết quả và định hướng điều hành chính sách tiền tệ hỗ trợ tăng trưởng kinh tế; về xử lý nợ xấu và các TCTD yếu kém, Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng còn làm sáng tỏ thêm nhiều nội dung được cử tri và nhân dân quan tâm trong đó khẳng định NH tiếp tục hỗ trợ nông nghiệp nông thôn và ổn định giá trị đồng tiền… Phần trả lời của Thống đốc đã được nhiều đại biểu đánh giá cao vì người trả lời rất tự tin, rõ ràng, có trách nhiệm.
NHNN đã chỉ đạo sử dụng các công cụ CSTT để giữ ổn định lạm phát và giảm lãi suất cho vay |
Kiên định ổn định vĩ mô, củng cố giá trị tiền đồng
Đánh giá cao nỗ lực của NHNN đã thành công trong điều hành chính sách tiền tệ, tín dụng, vàng và ngoại tệ trong thời gian vừa qua góp phần đảm bảo nguồn lực để ổn định kinh tế vĩ mô và tăng trưởng kinh tế của đất nước. Song đại biểu Nguyễn Văn Sơn (Hà Tĩnh), Lê Công Nhường (Bình Định) tỏ ra lo lắng trước tình trạng nợ công tăng cao, và để có vốn cho đầu tư phát triển Chính phủ vẫn phải vay nước ngoài trong khi đó nguồn lực trong dân còn rất lớn nhưng chưa huy động được. Các đại biểu đề nghị Thống đốc có chính sách và những giải pháp gì để huy động từ nguồn nội lực này góp phần cho sự phát triển ích nước, lợi nhà.
Trả lời đại biểu, Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng cho biết, đây là một trong những nội dung Chính phủ đã chỉ đạo rất sâu sát và quyết liệt từ năm 2016. Trong quá trình thực hiện, NHNN được Chính phủ giao thực hiện 2 đề án là đề án nghiên cứu các giải pháp để huy động nguồn lực về vàng và các giải pháp về nguồn lực ngoại tệ. Qua quá trình thực tiễn điều hành nhiều năm vừa qua, NHNN cho rằng, giải pháp căn cơ nhất và bền vững nhất, có khả thi nhất là Chính phủ và các bộ, ngành phải kiên định mục tiêu điều hành để ổn định kinh tế vĩ mô. Qua đó củng cố giá trị của đồng Việt Nam, tạo lập được lòng tin của người dân và DN. Trên cơ sở đó, người dân sẽ không bỏ vốn đầu tư vào tài sản như vàng, ngoại tệ mà sẽ chuyển đổi sang đồng Việt Nam để có thể gửi tiền tiết kiệm hoặc trực tiếp đầu tư trên TTCK hoặc trực tiếp đầu tư kinh doanh. Việc này cần phải có thời điểm và lộ trình để chúng ta có những giải pháp để chuyển hóa những nguồn lực.
Khẳng định sự đúng đắn và thành công trong quản lý, điều hành thị trường vàng, Thống đốc cho biết, những năm trước đây, chúng ta phải tốn rất nhiều ngoại tệ để nhập khẩu vàng và để thị trường vàng có những diễn biến gây tác động đến bất ổn vĩ mô, lạm phát và bất ổn khác trong nền kinh tế. Thế nhưng trong nhiều năm vừa qua, thị trường vàng đã rất ổn định và chúng ta không phải mất ngoại tệ nhập khẩu vàng để phục vụ cho các nhu cầu mua bán vàng miếng trong nước và thị trường hiện nay đang tự điều tiết. Như vậy, trên thực tế chúng ta đã chuyển hóa được một phần nguồn lực rất lớn từ vàng sang nền kinh tế.
Về ngoại tệ, đây cũng là một nguồn lực rất lớn và rất quan trọng. Với việc áp dụng trần lãi suất huy động ngoại tệ là 0%, một nguồn lực ngoại tệ đã được chuyển hóa qua đồng Việt Nam để đầu tư vào kinh doanh. Thực tế đã chứng minh trong mấy năm qua, thị trường ngoại hối, tỷ giá đã rất ổn định và chúng ta đã mua được một lượng rất lớn ngoại tệ từ người dân bán cho các TCTD và bán cho NHNN để tăng dự trữ ngoại hối.
Tiếp tục cải cách TTHC, giảm lãi suất để hỗ trợ người dân, DN
Thống đốc cũng cho biết, thực hiện Nghị quyết 19 và 35, NHNN đã sửa đổi và bổ sung nhiều quy định để đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo điều kiện cho các TCTD giảm bớt chi phí. NHNN cũng đã yêu cầu các TCTD phải thực hiện các biện pháp để cải cách thủ tục và quy trình cho vay. Kết quả là thời gian vừa qua, các nỗ lực cải cách của hệ thống ngân hàng và chỉ đạo NHNN đã đạt kết quả tốt.
Tuy nhiên, muốn để các DN tiếp cận được vốn ổn định và bền vững thì trước hết môi trường vĩ mô phải ổn định. Nếu không giữ được lạm phát, không ổn định được tỷ giá, không củng cố được lòng tin vào đồng Việt Nam, không tạo lập được môi trường ổn định thì các DN rất khó để có thể xây dựng được phương án và kế hoạch kinh doanh.
Từ phía ngân hàng, NHNN đã chỉ đạo sử dụng các công cụ CSTT để làm sao trên cơ sở giữ ổn định được lạm phát còn ổn định được lãi suất và giảm lãi suất cho vay, qua đó giúp giảm thiểu chi phí cho người dân và DN, đặc biệt là DN hoạt động trong những lĩnh vực ưu tiên.
Một điểm rất quan trọng khác là NHNN đã chỉ đạo NHNN các địa phương và các TCTD thực hiện việc tăng cường kết nối ngân hàng – DN nhằm chung tay với chính quyền địa phương tháo gỡ vướng mắc cho các DN trên địa bàn và đã đạt được kết quả rất tốt, nhất là ở địa bàn Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh. Nhờ có sự chỉ đạo sâu sát của chính quyền thành phố cũng như các sở, ban, ngành và các hiệp hội, tới đây NHNN sẽ tiếp tục đẩy mạnh chương trình kết nối này để giúp DN tăng cường khả năng tiếp cận vốn và giảm chi phí khi tiếp cận vốn ngân hàng.
Tháo gỡ vướng mắc cho vay nông nghiệp công nghệ cao
Quan tâm đến hoạt động đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn và nông dân, đại biểu Mai Thị Ánh Tuyết (An Giang) cùng nhiều đại biểu khác cho rằng: Thời gian qua, đồng hành với các bộ ngành, chức năng, NHNN đã dành gói tín dụng 100.000 tỷ đồng từ nguồn vốn huy động để cho vay chương trình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch với nhiều cơ chế chính sách ưu đãi. Tuy nhiên, đến nay nhiều DN cần vốn để thực hiện mục tiêu này, nhưng ít DN được tiếp cận nguồn vốn ưu đãi. Các đại biểu đề nghị Thống đốc cho biết các giải pháp của NHNN thời gian tới.
Trả lời chất vấn nội dung này, Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng cho biết, quá trình triển khai chính sách tín dụng cho nông nghiệp công nghệ cao và nông nghiệp sạch mới triển khai được khoảng 6 tháng, nhưng đến nay dư nợ đã đạt khoảng 36.000 tỷ đồng trong gói 100.000 tỷ đồng. Trong khoảng thời gian ngắn mà tốc độ tăng trưởng và quy mô tín dụng như vậy cũng đã khá cao. Trong tổng dư nợ đấy có khoảng trên 6.400 khách hàng đã được tiếp cận. Trong đó có khoảng hơn 6.000 là khách hàng cá nhân, còn lại là khách hàng DN.
Sau khi nêu một số vướng mắc trong quá trình triển khai gói tín dụng này, Thống đốc cho biết theo chỉ đạo của Chính phủ tại các phiên họp Chính phủ thường kỳ thì đây là một trong những nội dung Chính phủ chỉ đạo rất quyết liệt. Vì vậy trong thời gian tới, NHNN sẽ tiếp tục phối hợp với Bộ NN&PTNT đẩy mạnh chuyển dịch tái cơ cấu ngành nông nghiệp, đặc biệt trong lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, cùng với các địa phương tạo lập được những khu, những vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch, cũng như xem xét, cấp giấy chứng nhận cho các DN đầu tư vào lĩnh vực này để tạo điều kiện cho các ngân hàng tiếp tục xem xét cho vay vốn.
Ngoài giải pháp phối hợp với Bộ NN&PTNT, hiện nay Chính phủ đang chỉ đạo và Bộ TN&MT ban hành Thông tư số 33 hướng dẫn về giấy chứng nhận đối với trường hợp chứng nhận quyền sở hữu công trình trên đất nông nghiệp. Với thông tư này, các DN, người dân có thể dùng các tài sản trên đất để thế chấp.
Về phía ngân hàng, hiện nay theo chỉ đạo của Chính phủ NHNN đang sửa đổi Nghị định 55 về một số chính sách tín dụng cho nông nghiệp và nông thôn, trong đó tập trung vào lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao. Theo đó, sẽ mở rộng đối tượng có thể vay trong khuôn khổ Nghị định 55 cho các cá nhân, hộ gia đình, chủ trang trại, tổ hợp tác… thay vì chỉ có DN, hợp tác xã và liên hợp tác xã hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao mới có thể vay vốn như hiện nay. Cùng với đó NHNN cũng dự tính việc bổ sung quy định TCTD được nhận các tài sản hình thành từ vốn vay để thế chấp, vay vốn.
Qua phiên chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đánh giá: Ngân hàng là lĩnh vực khó với nhiều tồn tại, hạn chế nội tại có từ nhiều năm trước đây. Song có thể nói, thời gian qua, các giải pháp điều hành của NHNN cơ bản là phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô, thị trường tiền tệ và sự chỉ đạo của Chính phủ. Các chỉ tiêu tiền tệ, tín dụng diễn biến phù hợp với định hướng đề ra. Lạm phát được kiểm soát ở mức thấp, góp phần quan trọng vào mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Các giải pháp cơ cấu lại TCTD gắn với xử lý nợ xấu tiếp tục được triển khai và đạt được kết quả ban đầu theo mục tiêu đề ra...
Đặt câu hỏi với Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng, đại biểu Phạm Đình Cúc (Vũng Tàu) đã nêu câu hỏi "Vừa qua có thông tin người Việt Nam chi 3 tỷ USD mua nhà tại Mỹ, số lượng này có phải là ngoại tệ từ Việt Nam chuyển sang không? Và NHNN có cơ chế nào kiểm soát vấn đề này hay không? Trả lời câu hỏi này, Thống đốc Lê Minh Hưng nhấn mạnh: không có cơ sở để nói đó là tiền chuyển từ Việt Nam. Số liệu này do hiệp hội, chuyên viên địa ốc Mỹ cung cấp. Đây có thể là người Việt Nam định cư ở Mỹ chưa có quốc tịch Mỹ, hoặc công dân Việt Nam ở quốc gia khác đến Mỹ mua nhà cũng được tính là người Việt Nam. Về đầu tư bất động sản ra nước ngoài, Thống đốc cho biết thêm, hiện có 47 dự án, trong đó có 17 dự án đầu tư ở Mỹ. Số vốn đầu tư thực tế chuyển qua Mỹ chỉ 215 triệu USD. Ông khẳng định: chúng ta có cơ chế kiểm soát đầy đủ với báo cáo giao dịch, xử phạt hành chính... Quy định đã kiểm soát chặt giao dịch chuyển ra nước ngoài, tuy nhiên, vẫn có hiện tượng lợi dụng cơ chế, chuyển qua trung gian. |