Đà Nẵng: Chỉ thị 40 giúp thu hẹp khoảng cách giàu nghèo
Nâng cao chất lượng
Sáng 15/8, Thành ủy Đà Nẵng tổ chức Hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội.
Tham dự hội nghị có ông Võ Công Trí, Phó Bí thư Thành ủy Đà Nẵng; ông Trần Văn Miên, Phó Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng; bà Lê Thị Đức Hạnh, Phó tổng giám đốc NHCSXH và các đại biểu là đại diện lãnh đạo các ban, ngành, đoàn thể của TP. Đà Nẵng.
Toàn cảnh hội nghị |
Sau 5 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 40, không chỉ là thay đổi căn bản nhận thức, hành động của cấp ủy, chính quyền địa phương về vai trò của tín dụng chính sách xã hội, quy mô, chất lượng tín dụng được nâng lên đáng kể. Với sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị trong thực hiện các chương trình tín dụng chính sách, công tác quản lý, huy động nguồn lực đã thực sự được phát huy và mang lại hiệu quả thiết thực.
Tại Đà Nẵng, sau khi Chỉ thị số 40-CT/TW được ban hành, Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng tổ chức họp phổ biến, quán triệt trong Ban chấp hành. Trên cơ sở việc ban hành kế hoạch, chương trình hành động, các văn bản có liên quan triển khai thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW, Thường trực Thành ủy ban hành Công văn số 1765-CV/TU, Ban Thường vụ Thành ủy ban hành Kế hoạch số 54-KH/TU chỉ đạo các cấp, các ngành tổ chức triển khai thực hiện chỉ thị.
Ông Đoàn Ngọc Chung, Giám đốc NHCSXH Đà Nẵng cho hay, chính từ việc quyết liệt triển khai trong cả hệ thống chính trị về vai trò quan trọng của tín dụng chính sách xã hội nên Đà Nẵng gặt hái được nhiều thành công. Tạo điều kiện cho hàng chục lượt hộ nghèo, cận nghèo tiếp cận vốn chính sách để phát triển kinh tế hộ, vươn lên thoát nghèo bền vững theo tiêu chí của Đà Nẵng.
Thực tế cho thấy, nhận thức của các cấp ủy, chính quyền đối với việc thực hiện tín dụng chính sách xã hội, thông qua việc quán triệt, triển khai Chỉ thị 40-CT/TW, các cấp ủy, chính quyền địa phương, các ban ngành có những chuyển biến tích cực trong nhận thức về ý nghĩa kinh tế - chính trị của kênh tín dụng ưu đãi. Qua đó, cấp ủy, chính quyền các cấp, nhất là ở cơ sở hiểu rõ hơn về vai trò, vị trí của tín dụng chính sách xã hội trong việc thực hiện mục tiêu giảm nghèo, giải quyết việc làm, xây dựng nông thôn mới, đảm bảo an sinh xã hội và tạo nhiều điều kiện thuận lợi cho hoạt động của NHCSXH thực hiện tốt các nhiệm vụ được giao.
Góp phần phát triển kinh tế, thu hẹp khoảng cách giàu nghèo
Theo ông Trần Văn Miên, Phó chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng, Trưởng ban đại diện HĐQT NHCSXH Đà Nẵng, khi Chỉ thị 40 ra đời, công tác huy động các nguồn vốn cũng được chính quyền địa phương quan tâm hơn. Từ khi Chỉ thị số 40-CT/TW ban hành, đến 30/6/2019, tổng nguồn vốn huy động của NHCSXH Đà Nẵng khoảng 2.161 tỷ đồng, tăng 941 tỷ đồng (77%). Trong đó, nguồn vốn nhận ủy thác đầu tư tại địa phương đạt 822 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 38%/tổng nguồn vốn, tăng 731 tỷ đồng (807%) so với trước khi có chỉ thị.
Kết quả cho vay giai đoạn từ khi có Chỉ thị 40-CT/TW đến 30/6/2019 đạt 3.073 tỷ đồng, với 97.123 lượt khách hàng được vay vốn, doanh số thu nợ 2.125 tỷ đồng. Hiện Đà Nẵng có 73.733 khách hàng còn dư nợ, tổng dư nợ 2.155 tỷ đồng, tăng 938 tỷ đồng (77%), số tiền vay bình quân 29,2 triệu đồng/khách hàng, mức cho vay bình quân gấp 1,9 lần so với trước khi có Chỉ thị.
Song song với việc tăng trưởng nguồn vốn, dư nợ tín dụng, chất lượng tín dụng chính sách xã hội tại Đà Nẵng cũng được nâng lên rõ rệt. Tổng nợ xấu toàn thành phố còn 4,898 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 0,23% tổng dư nợ. Trong đó, nợ quá hạn là 4.682 triệu đồng, tỷ lệ 0,22%/tổng dư nợ, nợ khoanh là 216 triệu đồng, tỷ lệ 0,01%/tổng dư nợ.
Để có được kết quả khả quan đó, chính nhờ sự triển khai quán triệt Chỉ thị 40 trong các cấp ủy Đảng của hệ thống chính trị Đà Nẵng. Từ đó, UBND các cấp đưa vào dự toán chi ngân sách hàng năm và chuyển vốn ủy thác sang NHCSXH để thực hiện chương trình cho vay hộ nghèo, các đối tượng chính sách khác giai đoạn 2014 đến 30/6/2019 đạt 731,6 tỷ đồng, lũy kế tổng nguồn vốn từ ngân sách chuyển sang NHCSXH đạt 822,2 tỷ đồng. Trong đó, nguồn vốn thành phố 781,5 tỷ đồng, nguồn vốn quận, huyện đạt 40,7 tỷ đồng.
UBND các cấp thực hiện nghiêm túc việc tập trung các nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội có nguồn gốc từ ngân sách nhà nước vào một đầu mối NHCSXH. UBND TP. Đà Nẵng chỉ đạo NHCSXH Đà Nẵng nhận bàn giao từ Quỹ hỗ trợ cho vay hoàn lương do UBND thành phố quản lý 293 trường hợp, với dư nợ 775,87 triệu đồng và nhận số tiền đã thu hồi được trong quá trình xác minh để triển khai cho vay 660,37 triệu đồng. UBND quận Hải Châu, quận Sơn Trà, quận Liên Chiểu chuyển nguồn vốn ủy thác từ Hội Nông dân quận sang NHCSXH để cho vay đối với Hội viên Hội Nông dân số tiền 837,5 triệu đồng...
Ông Trần Văn Miên, Phó Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng khẳng định, với sự ra đời của Chỉ thị 40, thời gian qua, hoạt động tín dụng chính sách xã hội của NHCSXH Đà Nẵng giúp 114.789 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn. Nguồn vốn tín dụng chính sách góp phần giảm 6.946 hộ nghèo năm 2015, Đề án giảm nghèo giai đoạn 2016 - 2020 cơ bản về đích trước 2 năm giúp 20.293 hộ thoát nghèo.
Đồng thời, tạo việc làm mới cho hơn 39.000 lao động; gần 8.000 học sinh sinh viên được vay vốn để trang trải chi phí học tập; cho vay xây dựng hơn 24.000 công trình nước sạch, công trình vệ sinh môi trường mới được xây dựng, cải tạo, nâng cấp giúp cải thiện môi trường sống cho người dân ở huyện Hòa Vang; 261 lượt hộ nghèo được hỗ trợ vay vốn xây dựng nhà ở phòng, tránh bão, lụt khu vực miền Trung ở huyện Hòa Vang...
Phát biểu tại hội nghị, Phó tổng giám đốc NHCSXH Lê Thị Đức Hạnh đánh giá cao sự vào cuộc mạnh mẽ của cả hệ thống chính trị thành phố Đà Nẵng, góp phần to lớn trong việc triển khai thực hiện thành công Chỉ thị 40 của Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa XI. Lãnh đạo địa phương cũng như các ngành, các cấp đã dành nhiều sự quan tâm để việc triển khai thực hiện các chương trình tín dụng chính sách của Đảng và Chính phủ dành cho người nghèo và đối tượng chính sách trên địa bàn đạt chất lượng, hiệu quả cao. Đặc biệt sự vào cuộc nhiệt huyết của chính quyền và các tổ chức hội, đoàn thể góp phần tạo ý thức tiết kiệm cho người dân, gia tăng nguồn vốn huy động cho NHCSXH.
Bà Hạnh khẳng định, không chỉ nguồn vốn, dư nợ tín dụng, chất lượng tín dụng chính sách được nâng lên mà chính sự vào cuộc kịp thời, sự chỉ đạo xuyên suốt trong 5 năm của các cấp ủy đảng, đã giúp bộ máy hoạt động của Ban đại diện HĐQT NHCSXH các cấp được kiện toàn, chất lượng hoạt động được nâng lên. Đồng thời, đưa Đà Nẵng trở thành địa phương đứng thứ tư trong cả nước trong việc chuyển vốn ngân sách ủy thác để NHCSXH Đà Nẵng cho vay hộ nghèo...
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Phó bí thư Thành ủy Đà Nẵng Võ Công Trí cho rằng, Chỉ thị 40 là giải pháp rất sáng tạo, mang tính nhân văn sâu sắc. Việc thực hiện Chỉ thị 40 tại Đà Nẵng đã đạt được nhiều kết quả tính cực, chứng tổ được hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách xã hội. Người nghèo và các đối tượng khác được vay vốn và thụ hưởng chính sách, từ nguồn vốn này nhiều hộ dân không những thoát nghèo mà còn giàu lên. Qua khảo sát cho thấy tất cả các đối tượng thụ hưởng được tiếp cận các chương trình tín dụng chính sách đều phát triển kinh tế tốt, phát huy được hiệu quả, thu hẹp khoảng cách giàu nghèo, tín dụng đen…
Tuy nhiên, theo ông Trí, vẫn còn những hạn chế nhất định, cần khắc phục trong những năm tiếp theo. Đó là một số địa phương chưa quan tâm đúng mức, dẫn đến chất lượng tín dụng không đồng đều... cần chấn chính nâng cao chất lượng trong thời gian tới.
Nguồn vốn tín dụng chính sách tại địa phương chủ yếu được ủy thác từ ngân sách thành phố. Nguồn vốn ủy thác từ ngân sách quận, huyện để cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác còn thấp so với đối tượng có nhu cầu vay vốn trên địa bàn. Các quận, huyện cần quan tâm, chú ý điều này.
Việc chỉ đạo, điều hành của các đơn vị trong việc phối hợp, lồng ghép các chương trình, dự án, các hoạt động chuyển giao công nghệ, đào tạo nghề với hoạt động tín dụng chính sách chưa được gắn kết, chưa phát huy được hiệu quả...
Ông Trí nhấn mạnh, để thực hiện thành công chỉ thị 40 của Ban bí thư, thời gian tới, cần khắc phục những hạn chế nêu trên. Tập trung tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân trong việc tiếp cận nguồn vốn và phát huy hiệu quả sử dụng nguồn vốn, nâng cao vai trò, trách nhiệm của các cấp ủy đảng, nhất là cấp cơ sở…