Đại biểu băn khoăn giao cơ quan nào quản lý nợ công?
Quốc hội thảo luận về Dự án Luật Quản lý nợ công (sửa đổi) | |
Đến 15/5, bội chi NSNN ước khoảng 22 nghìn tỷ đồng, bằng 12,3% dự toán | |
Quy định rõ trách nhiệm của người đứng đầu |
Theo gợi ý của Tổng thư ký Quốc hội, các đại biểu đã tập trung vào các nội dung: Phạm vi điều chỉnh của Luật; chỉ tiêu an toàn nợ, chiến lược chương trình và kế hoạch vay, trả nợ công; về nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong quản lý, sử dụng nợ công; điều kiện được vay lại, điều kiện cấp bảo lãnh Chính phủ; về quản lý rủi ro tín dụng cho vay lại, bảo lãnh Chính phủ; vấn đề vay và trả nợ của chính quyền địa phương.
Ảnh minh họa |
Đại biểu Bùi Văn Xuyền (Thái Bình) cho rằng, hiện nay, trong dự thảo Luật Quản lý nợ công, vấn đề chúng ta đang băn khoăn là có tới 3 cơ quan tham gia quản lý là Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, NHNN. Chính vì vậy, có rất nhiều ý kiến đề nghị thu gọn đầu mối cơ quan tham mưu cho Chính phủ về quản lý nợ công để lên kế hoạch, quản lý chặt chẽ, có phương án trả nợ một cách thống nhất vào một đầu mối. Bởi việc có nhiều cơ quan tham gia quản lý có thể dẫn tới quản lý không thống nhất, dẫn tới khó khăn, phức tạp. Và khi đưa về một đầu mối sẽ quán triệt được trách nhiệm rõ ràng, tránh việc nói rằng phần này là của Bộ Tài chính, phần này của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
“Nên giao cho Bộ Tài chính quản lý tổng thể về quy hoạch, kế hoạch, xây dựng trả nợ công”, đại biểu Xuyền đề nghị và cho rằng, khi chúng ta giảm đầu mối cơ quan quản lý nợ công cũng phù hợp với tinh thần cải cách hành chính của Chính phủ hiện nay.
Đồng tình với việc cần giảm đầu mối trong quản lý nợ công, Đại biểu Lê Đình Nhường (Thái Bình) cho rằng, muốn quản lý được tốt thì phải tập trung vào một đầu mối. Trong khi đó, theo đại biểu Nguyễn Hồng Diên (Thái Bình), “nên thống nhất một cơ quan đứng ra chủ trì phối hợp với cơ quan liên quan. Theo tôi, Bộ Tài chính sẽ chủ trì phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, NHNN trong vấn đề quản lý nợ công”.
Còn đại biểu Bế Minh Đức (Cao Bằng) cho rằng, về nhiệm vụ quyền hạn trong quản lý nợ công, ông đồng ý với tờ trình của Chính phủ là 3 bộ, ngành tham gia quản lý nợ công, việc phân nhiệm vụ cho 3 bộ, ngành cũng không có vướng mắc gì. “Theo tôi tiếp tục quy định như vậy để không có sự xáo trộn, sắp xếp lại bộ máy”, ông Đức lập luận.
Trong khi đó, theo đại biểu Nguyễn Hoàng Anh (Cao Bằng), việc ban soạn thảo đưa 3 bộ, ngành cùng tham gia có thể trên cơ sở chức năng, thẩm quyền của 3 cơ quan là Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, NHNN mỗi đơn vị chịu trách nhiệm 3 nguồn vốn vay khác nhau. Nhìn từ góc độ địa phương, vị đại biểu này cho rằng, UBND tỉnh bao giờ cũng chịu trách nhiệm trước, chứ không thể quy cho sở, ngành được và dưới đó là Văn phòng UBND tỉnh. "Chính vì vậy, theo tôi vấn đề quản lý nợ công, thì nên giao cho Văn phòng Chính phủ tham mưu trên cơ sở báo cáo từ 3 bộ, ngành và Văn phòng Chính phủ chịu trách nhiệm trước Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ", ông nêu ý kiến.
Nợ tự vay tự trả của DNNN: Không tính vào nợ công, nhưng phải quản Một trong những vấn đề cũng được nhiều đại biểu quan tâm, thảo luận sôi nổi là phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật. Đại biểu Bế Minh Đức băn khoăn khi không quy định nợ tự vay tự trả của DNNN, của đơn vị sự nghiệp công lập vào nợ công. "Nếu không tính vào nợ công thì DN làm ăn thua lỗ không giải quyết được thì phần nợ đó tính vào đâu?", ông Đức đặt vấn đề. Tuy nhiên, theo đại biểu Nguyễn Hoàng Anh, nợ DNNN không đưa vào nợ công nhưng chúng ta phải kiểm soát được việc nợ DN vay và có hiệu quả hay không. Ví dụ như Vinashin từng xảy ra việc từ năm 2013, DN này vay 700 triệu đô là từ nước ngoài, khi có vốn nên nóng vội trong sử dụng vốn đã đưa vào các dự án không hợp lý. |