Quốc hội thảo luận về Dự án Luật Quản lý nợ công (sửa đổi)
Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIV |
Cụ thể, sáng nay sau khi nghe Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Phan Xuân Dũng trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật đường sắt (sửa đổi), Quốc hội sẽ thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án luật này. Cuối giờ sáng, Cơ quan trình, cơ quan chủ trì thẩm tra báo cáo, làm rõ vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.
Tiếp theo chương trình làm việc, chiều nay Quốc hội sẽ thảo luận ở tổ về Dự án Luật quản lý nợ công (sửa đổi) và Dự án Luật tố cáo (sửa đổi).
Về Dự thảo Luật Quản lý nợ công (sửa đổi), trao đổi với báo giới mới đây, ông Trương Hùng Long - Cục trưởng Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại (Bộ Tài chính) cho biết, Dự thảo luật sẽ gồm 10 chương, 67 điều, trong đó bổ sung 3 chương mới, 18 điều và sửa đổi 44 trong tổng số 49 điều của luật hiện hành.
Về cơ bản, dự thảo luật sửa đổi đã kế thừa luật hiện hành về quy định nợ công (nợ chính phủ; nợ được Chính phủ bảo lãnh; và nợ của chính quyền địa phương). Đồng thời, dự thảo luật bổ sung quy định nợ công không bao gồm nợ tự vay tự trả của DNNN, đơn vị sự nghiệp công và tổ chức kinh tế khác của Nhà nước; nợ do NHNN phát hành để thực hiện chính sách tiền tệ để làm rõ hơn phạm vi tính toán, thống kê nợ công.
Giải thích lý do loại các khoản nợ tự vay tự trả của DNNN ra khỏi phạm vi nợ công, ông Long cho biết, theo thông lệ quốc tế, phạm vi nợ công bao gồm các nghĩa vụ nợ trực tiếp của Chính phủ (trung ương và địa phương) và nghĩa vụ nợ dự phòng.
Theo đó, các nghĩa vụ nợ trực tiếp là các khoản nợ mà Chính phủ là chủ thể vay và chịu trách nhiệm trả nợ trực tiếp từ ngân sách nhà nước (NSNN). Các nghĩa vụ nợ dự phòng là các khoản nợ mà Chính phủ không phải là chủ thể đi vay nhưng có cam kết thực hiện nghĩa vụ trả nợ trong trường hợp chủ thể đi vay mất khả năng trả nợ một phần hoặc toàn bộ vốn vay.
Ngoài ra, đặc thù của Việt Nam, Chính phủ còn vay về cho vay lại đến các DN để thực hiện các chương trình, dự án đầu tư quan trọng của đất nước.
Luật Quản lý nợ công hiện hành và dự thảo luật sửa đổi đã tiếp cận thông lệ này, theo đó các nghĩa vụ nợ trên đã được tính đầy đủ vào nợ công gồm nghĩa vụ nợ trực tiếp (nợ chính phủ, nợ chính quyền địa phương) bao gồm cả phần Chính phủ vay về cho vay lại và nghĩa vụ nợ dự phòng thông qua cấp bảo lãnh chính phủ.
Còn về nợ của DNNN, theo hướng dẫn của Ngân hàng Thế giới, chỉ tính nợ tự vay tự trả của DNNN vào nợ công nếu thỏa mãn đồng thời 3 điều kiện: Chính phủ sở hữu trên 50% vốn của DN; hoạt động thu chi của DNNN được kết cấu trong dự toán NSNN hàng năm; Chính phủ cam kết trả nợ thay trong trường hợp các DN mất khả năng trả nợ.
Đối với Việt Nam, các khoản DNNN vay lại vốn vay nước ngoài của Chính phủ và các khoản vay của DNNN được Chính phủ bảo lãnh đã được tính trong nợ công theo quy định của luật (tính trong nợ chính phủ và nợ chính phủ bảo lãnh).
Đối với các khoản vay theo cơ chế tự vay tự trả, DNNN là công ty TNHH một thành viên, hoạt động bình đẳng với các DN khác theo quy định của Luật DN. Hoạt động thu chi của DN không gắn với dự toán NSNN. Các nhiệm vụ được Nhà nước giao sẽ thực hiện thông qua đặt hàng hoặc tính vào giá, phí.
Ngoài ra, công tác huy động, sử dụng vốn vay của các DNNN còn chịu quy định của Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước vào hoạt động sản xuất, kinh doanh năm 2014.
Trường hợp DNNN gặp khó khăn trong trả nợ vay lại, nợ được Chính phủ bảo lãnh thì sẽ xử lý theo quy định của Luật Quản lý nợ công. Đối với các khoản nợ tự vay tự trả, nếu gặp khó khăn thì xử lý theo quy định của Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước vào hoạt động sản xuất, kinh doanh tại DN. Hơn nữa, trường hợp DNNN gặp khó khăn trả nợ thì xử lý theo quy định của Luật Phá sản, bình đẳng như đối với các DN ngoài quốc doanh khác.