Đại biểu Quốc hội: Nghỉ Tết âm lịch như hiện nay rất ổn
Quốc hội nghe trình dự án Bộ Luật Lao động (sửa đổi) | |
Dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi): Tăng giờ làm thêm, tuổi nghỉ hưu | |
Dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi): Đề xuất thêm ngày nghỉ lễ 27/7 |
Các đại biểu Quốc hội thảo luận ở tổ chiều ngày 29/5 |
Giữ quy định nghỉ bù dịp Tết âm lịch vì nhiều lao động đi làm xa quê
Về cơ bản các đại biểu đồng tình với báo cáo thẩm tra của Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội là giữ như hiện hành: người lao động được nghỉ Tết âm lịch 5 ngày và trường hợp ngày nghỉ hàng tuần trùng với ngày nghỉ Tết âm lịch thì người lao động được nghỉ bù vào ngày làm việc kế tiếp.
Đại biểu Hà Thị Lan cho rằng, nghỉ như vậy là khuyến khích người lao động và nhằm để đảm bảo sức khỏe tiếp tục làm việc. Đặc biệt, công nhân lao động thường không phải ai cũng làm việc gần nhà, mà có người ở miền Bắc lại làm việc ở miền Nam mà nghỉ Tết âm lịch chỉ 5 ngày, không được nghỉ bù thì chưa tạo thuận lợi cho người lao động.
Còn đại biểu Lê Thị Thu Hồng cho rằng, nên giữ nguyên phương án ngày nghỉ Tết âm lịch như hiện nay vì thấy rất ổn, không có khó khăn gì và được dư luận nhân dân đồng tình, ủng hộ.
Tuy nhiên, khi thảo luận về việc có nên thêm ngày nghỉ nữa trong năm hay không là Ngày Thương binh - Liệt sỹ 27/7 hoặc Ngày Gia đình Việt Nam 28/6 thì nhiều đại biểu lại không đồng tình. Theo đại biểu Trần Văn Lâm, mặc dù đa số người lao động đều mong muốn có ngày nghỉ ngơi nhưng phải xem xét trên khía cạnh đất nước ta vẫn đang trong giai đoạn kiến thiết, phát triển và chưa đạt đến mức phát triển rồi cần tăng thời gian nghỉ. Chính vì vậy nên tiết giản thời gian nghỉ ngơi, chơi bời. “Nếu chúng ta đồng ý với việc thêm ngày nghỉ 27/7 nhưng cũng chưa thống kê được ngày đó có bao nhiêu người đến các nghĩa trang liệt sỹ để tri ân các anh hùng, hay lại chủ yếu nghỉ để đi chơi”, ông Lâm phân tích.
Cũng không đồng tình với việc thêm ngày nghỉ 27/7, đại biểu Lê Thị Thu Hồng đưa ra quan điểm, không nên nghĩ rằng có thêm ngày nghỉ trong năm là ngày 27/7, nếu nhìn vào việc từ ngày 30/4 và 1/5 đến ngày 2/9 chưa có ngày nghỉ nào là chưa hợp lý. Bên cạnh đó, bình thường hiện nay, ngày 27/7 không được nghỉ thì các cấp, ngành đều thực hiện các hoạt động tri ân các anh hùng liệt sỹ và không nên thêm ngày nghỉ lễ nữa trong năm.
Đồng tình với phương án tăng tuổi nghỉ hưu
Bên cạnh nội dung ngày nghỉ thì nội dung tăng tuổi nghỉ hưu, tăng giờ làm thêm cũng nhận được nhiều sự quan tâm của các đại biểu Quốc hội. Đại biểu Trần Văn Lâm đồng ý với đề xuất nâng tuổi nghỉ hưu lên mức 60 tuổi đối với nữ và 62 tuổi đối với nam, bởi theo ông năng suất lao động của chúng ta còn thấp; tuổi thọ người Việt Nam ngày một tăng lên, trong khi thời gian nghỉ ngơi hưởng thụ tăng lên là hơi lãng phí nguồn lực lao động, nhất là trong khi đất nước đang tiếp tục cần sáng tạo, lao động để phát triển.
Đặc biệt, theo ông Lâm, chính sách với chế độ hưu trí còn rất thấp nên muốn cải thiện điều này thì phải tăng quỹ hưu trí lên, tăng tuổi nghỉ hưu để đóng góp cho quỹ hưu trí tăng lên, có cơ hội cải thiện mức sống của người nghỉ hưu, về lâu dài còn đảm bảo an toàn quỹ bảo hiểm xã hội.
Đại biểu Lê Thị Thu Hồng đồng tình với độ tuổi nghỉ hưu theo phương án 1 là: Kể từ ngày 1/1/2021, tuổi nghỉ hưu trong điều kiện lao động bình thường là đủ 60 tuổi 3 tháng đối với nam, và đủ 55 tuổi 4 tháng đối với nữ; sau đó, cứ mỗi năm tăng thêm 3 tháng đối với nam và 4 tháng đối với nữ cho đến khi nam đủ 62 tuổi, nữ đủ 60 tuổi. Tuy nhiên, bà Hồng băn khoan khi dự thảo Luật quy định người lao động được nghỉ hưu sớm không quá 5 năm, do suy giảm khả năng lao động; làm công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; làm công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; và một số công việc, nghề nghiệp đặc biệt. “Tại sao lại là quy định nghỉ hưu sớm không quá 5 năm mà không phải 7 hay 8 năm. Cần phải làm rõ quy định này,” bà Hồng nói.
Đối với việc dự thảo Bộ Luật Lao động mở rộng khung làm thêm giờ tối đa lên mức 400 giờ/năm có một số ý kiến cho rằng là quá với sức vóc con người Việt Nam nhỏ bé, lại nhiều công việc vất vả. Nhưng theo đại biểu Vũ Tiến Lộc – Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), nếu so với các nước trong khu vực thì khung làm thêm giờ này chưa cao.
“Tôi ủng hộ mở rộng thời gian làm thêm không quá 400 giờ/năm, vì so với các nước, trong đó thấp nhất là Nhật Bản không quá 360 giờ/năm, còn các nước xung quanh như Malaysia, Thái Lan giờ làm thêm cũng rộng mở.” – ông Lộc chia sẻ và lưu ý rằng, chủ sử dụng lao động chỉ đề nghị làm thêm giờ khi được người lao động đồng ý, trên cơ sở thỏa thuận mức tiền lương. Các nước đều làm như vậy.