Quốc hội thông qua Nghị quyết về phân bổ ngân sách trung ương năm 2025
Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, tháo gỡ nút thắt thể chế Quốc hội chốt mục tiêu tăng GDP năm 2025 ở mức 6,5-7% |
Sau khi nghe Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Lê Quang Mạnh trình bày Báo cáo tiếp thu, giải trình ý kiến đại biểu Quốc hội về phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2025 và Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về phân bổ ngân sách trung ương năm 2025, Quốc hội tiến hành biểu quyết thông qua Nghị quyết này.
Kết quả biểu quyết điện tử cho thấy, với 432/432 đại biểu Quốc hội tham gia biểu quyết tán thành, chiếm 90,19% tổng số đại biểu Quốc hội. Như vậy, với 100% đại biểu tham gia biểu quyết tán thành, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về phân bổ ngân sách trung ương năm 2025.
Lãnh đạo Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết về phân bổ ngân sách trung ương năm 2025 |
Theo Nghị quyết, tổng số thu ngân sách trung ương là 1.020.164 tỷ đồng (một triệu, không trăm hai mươi nghìn, một trăm sáu mươi tư tỷ đồng). Tổng số thu ngân sách địa phương là 946.675 tỷ đồng (chín trăm bốn mươi sáu nghìn, sáu trăm bảy mươi lăm tỷ đồng). Sử dụng 60.000 tỷ đồng (sáu mươi nghìn tỷ đồng) nguồn tích lũy cho cải cách tiền lương của ngân sách trung ương và 50.619 tỷ đồng (năm mươi nghìn, sáu trăm mười chín tỷ đồng) nguồn cải cách tiền lương của ngân sách địa phương đến hết năm 2024 còn dư chuyển sang bố trí dự toán năm 2025 của các Bộ, cơ quan trung ương và địa phương để thực hiện mức lương cơ sở 2,34 triệu đồng/tháng.
Tổng số chi ngân sách trung ương là 1.523.264 tỷ đồng (một triệu, năm trăm hai mươi ba nghìn, hai trăm sáu mươi tư tỷ đồng).
Đối với các cơ quan, đơn vị hành chính nhà nước của Trung ương có cơ chế tài chính, thu nhập đặc thù theo phê duyệt của các cấp thẩm quyền, Nghị quyết cho phép bố trí chi đảm bảo tiền lương, phụ cấp theo lương, các khoản đóng góp theo chế độ quy định, thu nhập tăng thêm, kinh phí chi thường xuyên theo định mức và các nhiệm vụ đặc thù của các cơ quan, đơn vị này (ngoại trừ Ngân hàng nhà nước Việt Nam, Bảo hiểm xã hội Việt Nam) theo Báo cáo số 41/BC-CP ngày 16 tháng 10 năm 2024 của Chính phủ.
Siết chặt kỷ cương, kỷ luật tài chính
Nghị quyết giao Chính phủ nhiệm vụ thu, chi ngân sách nhà nước, mức phân bổ ngân sách trung ương cho từng Bộ, cơ quan trung ương, từng tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương theo đúng quy định của Luật Ngân sách nhà nước, Nghị quyết của Quốc hội và thông báo bằng văn bản đến từng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.
Chỉ đạo, hướng dẫn các Bộ, cơ quan trung ương và các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương phân bổ vốn đầu tư ngân sách nhà nước bảo đảm tập trung, có trọng tâm, trọng điểm, tuân thủ điều kiện, trật tự ưu tiên theo quy định của Luật Đầu tư công, các Nghị quyết của Quốc hội, Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; thanh toán đủ số nợ đọng xây dựng cơ bản theo đúng quy định của pháp luật; thu hồi toàn bộ số vốn ứng trước còn lại phải thu hồi trong Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025; bố trí đủ vốn cho các dự án đã hoàn thành bàn giao đưa vào sử dụng trước năm 2025, vốn đối ứng các dự án ODA và vốn vay ưu đãi nước ngoài, vốn ngân sách nhà nước tham gia vào các dự án PPP, nhiệm vụ chuẩn bị đầu tư, nhiệm vụ quy hoạch, các dự án chuyển tiếp phải hoàn thành trong năm 2025; bố trí vốn theo tiến độ cho các dự án quan trọng quốc gia, dự án kết nối, có tác động liên vùng có ý nghĩa thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững, dự án chuyển tiếp theo tiến độ; sau khi bố trí đủ vốn cho các nhiệm vụ nêu trên, số vốn còn lại được bố trí cho các dự án khởi công mới đủ thủ tục đầu tư theo quy định pháp luật.
Siết chặt kỷ cương, kỷ luật tài chính, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, cản trở làm chậm tiến độ giao vốn, thực hiện, giải ngân vốn; cá thể hóa trách nhiệm người đứng đầu trong trường hợp thực hiện, giải ngân chậm, gắn với đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ được giao...