Đắk Lắk khơi trong dòng tín dụng
QTDND Quảng Trạch: Lấy niềm tin nuôi dưỡng niềm tin | |
QTDND liên xã Cương Gián: Gieo “phép màu” để phát triển một miền quê | |
NHHT Thanh Hóa: Cộng hưởng sức mạnh cho QTDND thành viên |
Với việc triển khai có hiệu quả Nghị quyết số 42/2017/QH14 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng và Quyết định số 1058/QĐ-TTg ngày 19/7/2017 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án “Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016-2020”, nợ xấu giảm, chất lượng công tác điều hành quản trị trong mỗi tổ chức tín dụng tăng đã góp phần đưa tín dụng trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk tăng cả về chiều rộng và chiều sâu, góp phần tích cực vào phát triển kinh tế của tỉnh.
Vốn tín dụng, Quỹ tín dụng nhân dân Hòa Khánh (Đắk Lắk) giúp thành viên làm giàu
Hóa giải rủi ro hệ thống
Chia sẻ về việc 2 năm triển khai Nghị quyết số 42/2017/QH14 và Quyết định số 1058/QĐ-TTg, Giám đốc NHNN Chi nhánh Đắk Lắk cho biết giai đoạn trước khi thực hiện phương án cơ cấu lại, trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk có 1 QTDND do mới thành lập, nên hoạt động chưa đạt được kết quả như phương án xây dựng ban đầu, kinh doanh thua lỗ; một số QTDND chưa đáp ứng được các điều kiện về hoạt động quy định tại Thông tư số 04/2015/TT-NHNN ngày 31/3/2015 của NHNN Việt Nam quy định về QTDND (cụ thể: có 5 QTDND có tổng mức nhận tiền gửi từ thành viên thấp hơn quy định; có 7 QTDND có thành viên đăng ký hộ khẩu thường trú ngoài địa bàn hoạt động; có 1 QTDND chưa đáp ứng quy định về tỷ lệ vốn góp tối đa của một thành viên); một số QTDND tuy đã đáp ứng được các điều kiện theo quy định tại Thông tư số 04/2015/TT-NHNN, kinh doanh có lãi nhưng năng lực quản trị, điều hành, kiểm soát, cơ sở vật chất… vẫn còn hạn chế, cần phải cơ cấu lại để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.
Trước thực trạng này, đặc biệt ngay sau Quyết định số 1533/QĐ-NHNN ngày 20/7/2017 của Thống đốc NHNN Việt Nam, Giám đốc NHNN tỉnh đã yêu cầu Thanh tra, giám sát chi nhánh tiến hành rà soát, phân loại QTDND. Từ đó, yêu cầu các QTDND phải xây dựng phương án cơ cấu lại cho phù hợp. Đồng thời, Giám đốc NHNN tỉnh thành lập Tổ thẩm định phương án cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016-2020 đối với QTDND trên địa bàn, giao cho một đồng chí là lãnh đạo Thanh tra, giám sát chi nhánh làm Tổ trưởng và các cán bộ thanh tra có am hiểu sâu về nghiệp vụ chuyên môn là thành viên. QTDND nào xây dựng phương án chưa đạt yêu cầu đề ra, phải xây dựng lại cho đến khi đạt được yêu cầu.
Sau khi thẩm định, nếu đáp ứng các nội dung theo quy định, Giám đốc NHNN tỉnh phê duyệt và chỉ đạo QTDND triển khai thực hiện ngay phương án đã được phê duyệt. Đồng thời giao cho Thanh tra, giám sát chi nhánh theo dõi, giám sát chặt chẽ quá trình triển khai thực hiện phương án của các QTDND. Hoạt động củng cố chấn chỉnh và tái cơ cấu hệ thống TCTD trên địa bàn thêm điểm tựa với việc triển khai Chỉ thị số 06/CT-TTg ngày 12/3/2019 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường các giải pháp nhằm đảm bảo an toàn hoạt động, củng cố vững chắc hệ thống QTDND.
Tại mỗi địa phương có QTDND, Chi nhánh NHNN tỉnh đã làm việc với các xã, phường, thị trấn và đề nghị thành lập Ban chỉ đạo cơ cấu lại QTDND, trong đó đồng chí Chủ tịch hoặc Bí thư xã, phường, thị trấn làm trưởng ban. Việc phối hợp chặt chẽ với Cấp ủy, chính quyền các cấp đã giúp chính quyền cấp cơ sở hiểu rõ mục tiêu, tính chất của QTDND. Từ đó có những sự phối hợp, hỗ trợ cụ thể hơn như giúp QTDND trong công tác thu hồi, xử lý nợ xấu, vận động thành viên tham gia... Đặc biệt, là phối hợp chặt chẽ với NHNN tỉnh trong việc cơ cấu, xử lý các QTDND yếu kém.
Với sự chỉ đạo sâu sát và quyết liệt của NHNN tỉnh Đắk Lắk, đến nay hoạt động của các QTDND trên địa bàn tỉnh đã ổn định, kinh doanh có lãi. Đặc biệt là các QTDND trên địa bàn đã được củng cố, chấn chỉnh, hoạt động an toàn, hiệu quả, thực hiện phương án cơ cấu lại theo đúng tiến độ đã được NHNN tỉnh phê duyệt, đảm bảo được các giới hạn, tỷ lệ an toàn theo quy định cũng như thực hiện đúng các quy định về thành viên Hội đồng quản trị, Ban kiểm soát, Giám đốc theo Thông tư 04. Đến nay, 12/12 QTDND trên địa bàn tỉnh đều kinh doanh có lãi, nợ xấu được kiềm chế ở mức thấp, tổng nợ xấu của các QTDND trên địa bàn chỉ chiếm 0,15% tổng dư nợ cho vay; 12/12 QTDND đã xây dựng trụ sở làm việc, cơ bản đã đáp ứng được yêu cầu; có 5/12 QTDND đã trang bị được xe ô tô phục vụ hoạt động.
Ảnh: Công Thái
Khơi thông huyết mạch kinh tế
Những điểm sáng này đã góp phần vào hành trình triển khai thực hiện Nghị quyết số 42/2017/QH14 và Quyết định số 1058/QĐ-TTg trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk. Kết quả xử lý nợ xấu theo Nghị quyết 42 đến thời điểm 15/8/2019 đạt 2.346.027 triệu đồng, giảm trên 1.007 tỷ đồng so với thời điểm xác định theo Nghị quyết số 42/2017/QH14 năm 2017.
Giám đốc NHNN Chi nhánh Đắk Lắk Tăng Hải Châu cho biết, để có được kết quả này, ngay sau khi có Nghị quyết số 42/2017/QH14 và Quyết định số 1058/QĐ-TTg, Chi nhánh đã thành lập Ban chỉ đạo cơ cấu lại hệ thống các QTDND và xử lý nợ xấu của các TCTD trên địa bàn do Giám đốc NHNN tỉnh làm trưởng ban; đồng thời, chỉ đạo các chi nhánh NHTM trên địa bàn triển khai thực hiện Nghị quyết số 42/2017/QH14. Trong đó, chỉ đạo các TCTD chủ động rà soát, phân loại nợ, chuyển nhóm nợ đúng quy định; tuân thủ các quy định tại Nghị quyết 42 trong quá trình xử lý tài sản bảo đảm, xử lý nợ xấu đảm bảo minh bạch, công khai, tránh dư luận không tốt trong xã hội; kịp thời báo cáo kết quả thực hiện, khó khăn vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện. Đồng thời, NHNN tỉnh yêu cầu các TCTD thực hiện nghiêm các kiến nghị, cảnh báo và quyết định về thanh tra, kiểm toán của các cơ quan thanh tra và kiểm toán nhà nước.
Một điểm nhấn khác góp phần gia tăng hiệu quả thực hiện Nghị quyết 42 và Quyết định 1058 chính là việc kết hợp triển khai với công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát. Giám đốc NHNN tỉnh cho biết, ngay từ đầu năm, khi xây dựng kế hoạch thanh tra, NHNN tỉnh đã đưa nội dung thanh tra việc chấp hành các quy định về xử lý nợ xấu; việc chấp hành các quy định về đảm bảo an ninh, an toàn. Qua thanh tra, kiểm tra, đã yêu cầu các TCTD được thanh tra, kiểm tra chấn chỉnh, bổ sung, chỉnh sửa kịp thời các tồn tại, sai phạm được phát hiện qua thanh tra, kiểm tra.
Ngoài ra, qua công tác giám sát, nếu phát hiện các TCTD hoạt động có dấu hiệu vi phạm pháp luật, có dấu hiệu mất an toàn trong hoạt động, NHNN tỉnh sẽ tiến hành thanh tra, kiểm tra ngay để xử lý theo quy định của pháp luật, đồng thời chấn chỉnh kịp thời. Chính vì vậy thời gian qua, hoạt động của các TCTD trên địa bàn nói chung và các QTDND nói riêng ổn định, hiệu quả, nợ xấu được kiềm chế ở mức thấp, không để nợ xấu gia tăng. Đặc biệt là các QTDND trên địa bàn đã được củng cố, chấn chỉnh, hoạt động an toàn, hiệu quả, thực hiện phương án cơ cấu lại theo đúng tiến độ đã được NHNN tỉnh phê duyệt.
Xác định vai trò của chính quyền địa phương các cấp là hết sức quan trọng đối với hoạt động của các TCTD nói chung và QTDND nói riêng, NHNN tỉnh đã tham mưu với UBND tỉnh ban hành Chỉ thị số 19/CT-UBND ngày 8/12/2017 về triển khai thực hiện Nghị quyết 42/2017/QH14 trên địa bàn, giao nhiệm vụ cụ thể cho các sở, ban, ngành và UBND các huyện, thị xã, thành phố nhằm tạo sự đồng thuận, thống nhất trong phối hợp xử lý nợ xấu của các TCTD trên địa bàn. Đầu năm 2018, UBND tỉnh cũng đã ban hành Kế hoạch hành động xử lý nợ xấu giai đoạn 2018-2020.
Chi nhánh NHNN tỉnh đã chỉ đạo các TCTD trên địa bàn định kỳ báo cáo tình hình hoạt động và phản ánh những khó khăn, vướng mắc (nếu có) để tranh thủ sự ủng hộ, đồng thuận của chính quyền trong quá trình hoạt động. Đồng thời, Chi nhánh cũng trực tiếp làm việc với các đồng chí lãnh đạo chính quyền địa phương các cấp và lãnh đạo các sở, ngành có liên quan để trao đổi, thông tin về hoạt động và định hướng đối với hoạt động của các TCTD.
Những nỗ lực của toàn hệ thống chính trị cũng như ngành Ngân hàng đã góp phần đưa tổng nguồn vốn huy động trên địa bàn đạt 45.582 tỷ đồng tính đến 30/8/2019. 36 chi nhánh ngân hàng và 12 QTDND hiện đang có dư nợ 95.926 tỷ đồng, nợ xấu là 1.420 tỷ đồng (chiếm tỷ lệ 1,48%/tổng dư nợ cho vay), góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Tuy nhiên, để Nghị quyết số 42/2017/QH14 và Quyết định số 1058/QĐ-TTg có thể khơi thông hơn nữa huyết mạch của nền kinh tế, ông Tăng Hải Châu kiến nghị các bộ, ngành có liên quan tiếp tục rà soát, ban hành văn bản hướng dẫn, hỗ trợ các ngân hàng trong việc thu giữ tài sản bảo đảm và áp dụng thủ tục rút gọn theo quy định tại Nghị quyết số 42/2017/QH14 nhằm đẩy nhanh quá trình xử lý thu hồi nợ xấu. Các cơ quan có liên quan tăng cường công tác hỗ trợ ngành Ngân hàng trong việc giữ gìn, đảm bảo an ninh trật tự và hỗ trợ các TCTD trong việc thu giữ tài sản bảo đảm của các khoản nợ xấu.