QTDND Quảng Trạch: Lấy niềm tin nuôi dưỡng niềm tin
“Sinh sau đẻ muộn” nhất trong hệ thống QTDND trên địa bàn tỉnh, lại trong giai đoạn khó khăn sau khủng hoảng kinh tế toàn cầu và tín dụng đen đang là một vấn đề nóng đối với an ninh xã hội địa phương, QTDND Quảng Trạch là tâm ý của chính quyền địa phương, nhằm giúp người dân trên mảnh đất nhỏ bé, khô cằn này có cơ hội chuyển mình. Ngày đó, chính quyền xã vận động Phó chủ tịch huyện và chủ tịch xã vừa nghỉ hưu tham gia thành lập quỹ vì vậy, và tạo mọi điều kiện để hỗ trợ quỹ.
“Nhưng ngặt nỗi, bấy giờ niềm tin của người dân với quỹ chưa cao khi chưa nhận thức rõ vai trò của QTDND. Nhiều người coi đó như một đơn vị kinh doanh tiền tệ tư nhân, nên việc thu hút tiền gửi thật khó khăn. Mà không có vốn thì việc phát triển quỹ sẽ bế tắc. Thậm chí, thời gian đầu, nhiều thành viên cứ gửi rồi rút lặp lại nhiều lần để xem quỹ có hoạt động hiệu quả thực chất không. Tuy nhiên, do có nguồn vốn hỗ trợ từ NHHT nên quỹ luôn đảm bảo thanh khoản. Người dân và thành viên lúc nào rút tiền cũng dễ dàng, họ mới dần tin tưởng vào quỹ”, Chủ tịch HĐQT Hoàng Văn Lam kể.
Từ một hộ nghèo, anh Lê Phú Nghị giờ đã có một xưởng sản xuất cơ khí |
Đặc biệt, các cán bộ quỹ ngày đó, dù là cán bộ Nhà nước chuyển sang, kinh nghiệm quản lý có, nhưng nghiệp vụ tín dụng và kinh nghiệm thực tế đều hạn chế. Chính vì vậy, NHHT đã từng bước hoàn thiện các quy trình nghiệp vụ cơ bản để đào tạo cán bộ, đồng thời cùng quỹ trao đổi về quan điểm và định hướng phát triển.
Rồi dần dần, khi đã có vốn, quỹ có thêm nguồn lực hỗ trợ thành viên phát triển kinh tế. Đặc biệt với những hộ nghèo trong xã, như Chủ tịch Hoàng Văn Lam chia sẻ: “Mình cũng cho vay bà con dựa trên niềm tin vào ý chí và phẩm chất con người như khi NHHT cho mình vay. Dân nghèo, lấy đâu tài sản thế chấp”. Những đồng vốn đầy chân tình mà cán bộ quỹ trao đến thành viên đã nhen lên những sinh kế mới cho thành viên bứt phá.
Gia đình anh Lê Phú Nghị ở ngay gần khu trung tâm xã Quảng Trạch. Những năm đầu 2010, đây là một trong những hộ nghèo nhất của xã, đất đai sản xuất ít, đến đất ở cũng chẳng có, hai vợ chồng buôn bán nhỏ chỉ đủ rau cháo qua ngày. Thế rồi anh vào Huế, ra Nam Định học nghề làm khuôn đúc, gia công cơ khí về quê lập nghiệp. Kinh nghiệm đã có, song lại kẹt về vốn.
Chính bởi vậy, khi được QTDND Quảng Trạch cho vay tín chấp 40 triệu đồng, cùng nguồn vốn tích cóp được, anh dựng nhà, mua máy móc thiết bị về làm. Từ việc chỉ gia công khuôn làm một vài công đoạn, đến nay, anh đã mua máy móc, dập, ép để gia công hoàn chỉnh các loại xe đẩy vật liệu trong xây dựng, xe chở hàng gắn sau xe máy. Việc tái sử dụng các nguyên liệu còn giúp sản phẩm của anh có chi phí thấp, phù hợp với điều kiện kinh tế và nhu cầu sử dụng. Mỗi ngày xưởng có thể xuất xưởng khoảng 100 xe chở vật liệu, hiện anh không chỉ đầu tư xưởng hoàn chỉnh mà còn mua được một ô tô tải để chở hàng và 1 chiếc ô tô con để sử dụng trong gia đình, tạo việc làm cho 3 lao động địa phương.
******
Năm 2014, QTDND Quảng Trạch được mở rộng hoạt động đến 2 địa bàn lân cận nữa là xã Quảng Tân và Quảng Phong. Đây là 2 xã trung tâm của huyện Quảng Xương với nhu cầu phát triển kinh tế lớn, nên quỹ coi trọng công tác quản trị và coi đây làm nền tảng tạo uy tín trong nhân dân. Từ đó, khâu tuyển dụng cán bộ được quỹ xem trọng. Hiện quỹ có 13 cán bộ nhân viên thì 7 người đạt trình độ đại học cao đẳng kinh tế tài chính, 5 cán bộ tốt nghiệp trung cấp.
Gắn bó 8 năm với hoạt động của QTDND, điều mà một lãnh đạo huyện về hưu như ông Lam tâm đắc nhất là vẫn có thể góp sức hỗ trợ người dân nghèo quê ông phát triển kinh tế. Vậy là mọi hoạt động của quỹ đều được ông tiết giảm chi phí hợp lý nhất, nhằm làm sao có thể dành nhiều vốn nhất để hỗ trợ thành viên của mình.
Cũng để tạo niềm tin với nhân dân và hỗ trợ thành viên, quỹ đã cải cách rất nhiều các thủ tục và chi phí. Người dân chỉ cần đến quỹ 2 lần là được giải ngân. Ngay cả đến việc đăng ký tài sản đảm bảo, cán bộ quỹ cũng đã tự làm cho bà con. Với những người không thể đi ra ngoài, quỹ sẽ cử cán bộ đến hoàn thiện hồ sơ đăng ký đảm bảo giao dịch tại nhà. “Bà con thấy rất thuận lợi. Họ đến quỹ cung cấp thông tin xong về đi làm, khi nào xong đến quỹ qua xã ký giấy tờ và giải ngân, chậm nhất là 2 ngày” ông Lam cho biết.
Bên cạnh đó, quỹ còn thành lập 2 điểm tư vấn tại 2 xã liền kề, để bà con thuận tiện nhất trong việc gửi và rút tiền, vừa đảm bảo an toàn cho bà con, vừa thu hút thành viên gửi tiền vào quỹ. Chính vì vậy, thành viên đến với quỹ ngày càng đông, tăng 150 - 200 thành viên/năm. Đến nay, quỹ đã có 1.500 thành viên/6000 hộ dân của 3 xã, trong đó số thành viên tại Quảng Trạch chiếm 50%. Số khách hàng vay vốn thường xuyên ít nhất là 800 người, thành viên gửi khoảng 300.
Tính đến cuối tháng 7/2019 dư nợ của quỹ đạt 50,2 tỷ đồng, nguồn vốn huy động đạt 64,8 tỷ đồng đáp ứng nhu cầu thành viên và có dư nguồn vốn gửi NHHT. Nguồn vốn của quỹ đã giúp hơn 50% thành viên xã Quảng Trạch tham gia chuyển đổi nghề buôn bán kinh doanh, tái chế cơ khí 200 hộ, góp phần đưa thu nhập bình quân đầu người của xã lên 40 trước đó năm 2012 là 24 triệu đồng. Nguồn vốn của quỹ cũng đang chuyển đổi cho thành viên xã Quảng Phong đầu tư chăn nuôi trang trại lợn gia cầm…
******
Tính tương thân tương ái trong mô hình HTX cũng được ông Lam khơi dậy và duy trì, vì vậy, các thành viên đến với quỹ còn là để cùng nhau chia ngọt sẻ bùi.
Vốn đầu tư từ quỹ tín dụng chủ yếu tập trung cho sản xuất nhỏ, tiểu thủ công nghiệp, nông nghiệp và dịch vụ. Đặc biệt, nguồn vốn tín dụng từ quỹ đã giúp giảm thiểu nạn tín dụng đen. Rõ nét nhất là 10 điểm tín dụng đen tại địa bàn trước đây, nay đã “thất nghiệp” và chuyển sang nghề vận tải. Nguồn vốn tín dụng từ quỹ khởi động cùng tiến trình xây dựng nông thôn mới cũng đã trở thành một lực đẩy để 3 xã hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới.