Đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn: Chính sách đất đai đang là nút thắt lớn
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường cho biết, đến nay Chính phủ đã thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp thúc đẩy tăng trưởng tín dụng cho nông nghiệp, nông thôn. Vì vậy, tín dụng cho nông nghiệp, nông thôn luôn tăng với tốc độ cao.
Ảnh minh họa |
Cụ thể, giai đoạn 2014 - 2017 tín dụng cho nông nghiệp, nông thôn tăng khoảng 17%/năm so với mức bình quân của nền kinh tế là 13%. Tổng dư nợ cho vay nông nghiệp, nông thôn đến tháng 9/2018 đạt khoảng 1,65 triệu tỷ đồng (đã bao gồm dư nợ của Ngân hàng Chính sách xã hội), tăng 12% so với cuối năm 2017 và chiếm tỷ trọng khoảng 23,9% dư nợ tín dụng của nền kinh tế. NHNN cũng đã tích cực triển khai một số chương trình tín dụng đặc biệt cho tái canh cà phê, hỗ trợ phát triển chăn nuôi, thủy sản, giảm tổn thất sau thu hoạch; liên kết sản xuất cánh đồng lớn, ứng dụng công nghệ cao, hỗ trợ giảm lãi suất cho vay giảm tổn thất sau thu hoạch...
Cùng với đó, Chính phủ đã chỉ đạo NHNN hướng dẫn các NHTM cân đối nguồn vốn phục vụ cho ngành nông nghiệp thực hiện cơ cấu lại gắn với xây dựng nông thôn mới. Ngoài ra, Chính phủ còn có Nghị quyết số 30/NQ-CP ngày 7/3/2017 giao NHNN chỉ đạo các NHTM dành 100.000 tỷ đồng để cho vay ưu đãi đến các tổ chức, cá nhân đầu tư sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sạch.
“Đến hết tháng 7/2018, đầu tư của ngành Ngân hàng đối với lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch đạt hơn 40.000 tỷ đồng cho hơn 16.800 khách hàng, trong đó cho vay nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao là 33.598 tỷ đồng, chiếm gần 88% tổng dư nợ. Lãi suất cho vay ngắn hạn chỉ khoảng 5,3 - 6,5%/năm, cho vay trung dài hạn khoảng 8,5 - 10%/năm”, ông Cường cho biết thêm.
Để thu hút đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết, các cơ quan của Chính phủ đã ban hành hoặc nghiên cứu, xây dựng trình Chính phủ ban hành mới hoặc sửa đổi, bổ sung các chính sách tạo thuận lợi hơn cho các thành phần kinh tế trong và ngoài nước đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, trong đó có các chính sách quan trọng là: Chính sách khuyến khích DN đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn; chính sách bảo hiểm nông nghiệp; chính sách đầu tư theo hình thức đối tác công tư; chính sách hỗ trợ DN trong hợp tác, liên kết sản xuất quy mô lớn; chính sách phát triển nông nghiệp công nghệ cao và chính sách khuyến khích hoạt động đổi mới sáng tạo...
Các văn bản mới ban hành đã quy định các cơ chế chính sách ưu đãi sử dụng, thuê đất đai, mặt bằng kinh doanh, ưu đãi về thuế, hỗ trợ tín dụng, đào tạo lao động, phát triển thị trường, đầu tư cơ sở hạ tầng đến hàng rào DN, ưu tiên hỗ trợ một số dự án đầu tư vào nông nghiệp nhất là các dự án về liên kết, chế biến sâu, ứng dụng khoa học công nghệ cao. Đồng thời, quy định giảm tối đa các thủ tục hành chính, tạo thuận lợi hơn nữa cho DN, nhà đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn. Đây là những cơ hội tốt tạo điều kiện thuận lợi cho DN đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn.
Nhờ vậy, lực lượng DN nông nghiệp ngày càng lớn mạnh và tâm huyết đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn hơn, đang trở thành nòng cốt trong chuỗi giá trị nông sản. Năm 2017, đã có 1.955 DN thành lập mới, tăng 20% so với bình quân 3 năm 2014 - 2016. Nếu tính tất cả các DN tham gia trong chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp thì đến tháng 9/2018, cả nước có trên 49.600 DN, chiếm 8% tổng DN cả nước, trong đó có 8.635 DN trực tiếp sản xuất nông nghiệp (chiếm khoảng 1%).
Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được thì việc huy động sự tham gia của khu vực tư nhân đầu tư vào nông nghiệp nông thôn còn hạn chế; nguyên nhân là do các chính sách còn chưa đủ mạnh, trong đó chính sách về đất đai đang là nút thắt lớn trong huy động và kêu gọi đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn.
“Thực hiện chủ trương của Đảng, Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách, huy động các nguồn lực, thường xuyên quan tâm chỉ đạo các ngành, các cấp thực hiện các giải pháp đồng bộ phát triển nông nghiệp nông thôn, cải thiện đời sống của nông dân. Tuy nhiên nguồn lực đầu tư công phân bổ cho nông nghiệp, nông thôn giai đoạn 2016 - 2020 vẫn chưa đáp ứng nhu cầu. Vì vậy, Quốc hội cần ưu tiên bổ sung vốn đầu tư cho ngành nông nghiệp từ nguồn dự phòng kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020 để thực hiện các nhiệm vụ cấp bách, phòng chống khắc phục thiên tai và cơ cấu lại ngành nông nghiệp”, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường kiến nghị.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, từ năm 2016 - 2017, tốc độ tăng GDP ngành nông nghiệp đạt 2,13%/năm; 9 tháng đầu năm 2018 tăng trưởng ngành đạt 3,65%; dự báo cả năm 2018 đạt khoảng 3,4% và 2 năm 2019 - 2020 đạt khoảng 3 - 3,1%/năm. Như vậy, tốc độ tăng trưởng GDP toàn ngành 5 năm 2016 - 2020 sẽ đạt mục tiêu đề ra từ 2,7 - 2,8%/năm. Về giá trị sản xuất nông lâm thủy sản nhiều khả năng tốc độ tăng trung bình cả giai đoạn sẽ đạt 3,5%/năm, bằng cận dưới mục tiêu đề ra (3,5%/năm).