Đầu tư trái phiếu DN phải am hiểu luật chơi
Trái phiếu DN “tựa” ngân hàng để lớn | |
Đầu tư trái phiếu DN, tại sao không? |
Các DN phát hành trái phiếu DN cần triển khai bài bản, đạt chuẩn nhất định |
Căn cứ thông tin phát hành riêng lẻ trên HNX và công bố thông tin của các DN, báo cáo ước tính 8 tháng 2019, tổng lượng chào bán là 129.016 tỷ đồng và lượng phát hành là 117.142 tỷ đồng, tỷ lệ phát hành thành công toàn thị trường là 90,8%, quy mô thị trường tăng mạnh lên mức khoảng 10,2% GDP.
Đánh giá cao sự phát triển bùng nổ của thị trường trái phiếu DN hơn một năm qua, song nhiều chuyên gia nhận định, đây là kênh đầu tư khá kén chọn khách, đòi hỏi khách hàng không chỉ phân tích được DN phát hành trái phiếu mà đòi hỏi am hiểu “luật chơi”. Lãnh đạo Hiệp hội Trái phiếu cũng thừa nhận có một thực tế là nhiều NĐT cá nhân đang bị nhầm lẫn giữa việc một công ty chứng khoán đứng ra bảo lãnh phát hành thì trái phiếu đó là của công ty chứng khoán và họ sẽ phải chịu trách nhiệm. Thực tế, các công ty chứng khoán chỉ đứng ra tư vấn, bảo lãnh phát hành trái phiếu cho DN, có trách nhiệm thẩm định tính chính xác về hồ sơ phát hành của DN mà không chịu bất kỳ trách nhiệm nào đối với khoản đầu tư của cá nhân.
Sở dĩ ngân hàng hay công ty chứng khoán chỉ bảo lãnh phát hành mà không bảo lãnh thanh toán cho trái phiếu DN, theo chia sẻ của một chuyên viên tư vấn phát hành trái phiếu DN của một công ty chứng khoán, là bởi bản thân các tổ chức này cũng không giám sát được sử dụng vốn của DN sau huy động. Chưa kể, việc bảo lãnh thanh toán trái phiếu cũng không được phép.
Không chỉ thiếu kiến thức đầu tư, các NĐT nhất là NĐT nhỏ lẻ còn thiếu cả thông tin chính xác về tình hình DN nên rủi ro đầu tư là hiện hữu. Điều này xuất phát từ việc chưa có công ty xếp hạng tín nhiệm. Trong khi hiện cũng chưa có quy định bắt buộc các DN phải được đánh giá xếp hạng tín nhiệm khi phát hành trái phiếu ra thị trường.
“Rủi ro lớn nhất với NĐT nhỏ lẻ khi tham gia thị trường trái phiếu DN là đa phần vẫn chưa được tiếp cận thông tin đầy đủ về DN mà họ đang nắm giữ trái phiếu. Mà để NĐT cá nhân tự thẩm định được hồ sơ phát hành trái phiếu của DN là điều khó vô cùng. Sự thiếu hiểu biết cũng như chưa có kinh nghiệm khiến cho NĐT cá nhân gặp nhiều bất lợi trong quá trình đấu tranh bảo vệ quyền lợi khi DN xảy ra rủi ro vỡ nợ”, một chuyên gia tỏ ra lo ngại nguy cơ rủi ro đối với NĐT và lưu ý thêm điều này không chỉ khiến kênh đầu tư này rủi ro đối với NĐT cá nhân, mà còn vô tình là lực cản cho thị trường trái phiếu DN.
Chủ trương phát triển thị trường trái phiếu DN trở thành kênh huy động vốn trung và dài hạn quan trọng cho các DN, từng bước giảm phụ thuộc vào hệ thống ngân hàng được giới chuyên gia nhận định là hoàn toàn đúng đắn, nhưng muốn thị trường này phát triển thì thông tin DN phải minh bạch. Giải quyết bất cập trên, một chuyên gia lâu năm làm việc trong ngành Ngân hàng cho rằng, thời gian tới cần thiết phải thành lập công ty xếp hạng tín nhiệm độc lập.
Qua công ty này, DN phải cung cấp đầy đủ thông tin về báo cáo kiểm toán công khai minh bạch tình tài chính; mục đích đợt phát hành trái phiếu DN đầu tư vào đâu… “Nếu làm tốt được việc này, thị trường trái phiếu DN đi đúng hướng, giúp giảm dần áp lực vốn trung dài hạn cho ngân hàng. Lúc đó ngân hàng quay lại chỉ cung ứng vốn lưu động ngắn hạn cho nền kinh tế”, vị này bày tỏ kỳ vọng.
Đồng tình về sự cần thiết của việc thành lập công ty xếp hạng tín nhiệm để nâng cao tính minh bạch của DN phát hành, lãnh đạo Hiệp hội Trái phiếu Việt Nam cho biết cố gắng làm cầu nối với các bộ ngành quản lý và các công ty xếp hạng tín nhiệm nước ngoài, đang có nhu cầu mở rộng hoạt động tại Việt Nam như Standard & Poor's, Moody's. Qua đó, xúc tiến để cho ra đời nhiều hơn các công ty xếp hạng tín nhiệm trên thị trường.
Trước mắt, trong thời gian chờ đợi kênh thông tin quan trọng này, TS. Lê Xuân Nghĩa khuyến cáo, khi có ý định mua trái phiếu DN, các NĐT nên kiểm tra kỹ hợp đồng mua trái phiếu xem bản cáo bạch DN phát hành trái phiếu, mục đích phát hành trái phiếu, kỳ hạn trái phiếu, phương thức trả nợ gốc, lãi, trái phiếu có tài sản bảo đảm hay không, uy tín của đơn vị bảo lãnh phát hành… chứ đừng chỉ chăm chăm nhìn vào lãi suất cao.
Một điều nữa, khi đã xác định mua trái phiếu DN, người dân phải xác định đây là kênh đầu tư, mà đầu tư thì đương nhiên có rủi ro chứ không thể an toàn như gửi tiết kiệm. Vì vậy, người dân phải tính toán xem có nên mua trái phiếu với lãi suất cao hay gửi tiết kiệm ngân hàng…
Ngoài yêu cầu các NĐT phải nâng cao hiểu biết, nhận thức rõ ràng về kênh đầu tư trái phiếu chắc chắn sẽ rủi ro cao hơn gửi tiết kiệm, để giảm thiểu rủi ro cũng như tăng hấp dẫn cho kênh đầu tư này, theo ông Nguyễn Đình Tùng - Tổng giám đốc OCB, các DN phát hành trái phiếu DN cần triển khai bài bản, đạt chuẩn nhất định theo quy định phát hành trái phiếu. Còn về phía các ngân hàng với vai trò là định chế trung gian bảo lãnh phải truyền đạt chính xác thông tin của DN, đưa ra cảnh báo rủi ro phát sinh có thể tạo ra cho khách hàng. Khi khách hàng chấp nhận thì ngân hàng mới bán trái phiếu chứ không phải kiểu bán bằng mọi giá.