Đẩy mạnh thanh toán điện tử đối với dịch vụ công: Cần sự vào cuộc tích cực của toàn xã hội
Đẩy mạnh thanh toán điện tử trong lĩnh vực dịch vụ công | |
NHNN Việt Nam - Bộ Công thương Lào: Chia sẻ kinh nghiệm trong phát triển thanh toán điện tử |
Đã có 50 ngân hàng phối hợp thu thuế điện tử với thuế, hải quan trên 63 tỉnh, thành phố |
Trọng tâm trong thanh toán
Triển khai Nghị quyết của Chính phủ, NHNN đã ban hành Văn bản số 2198/NHNN-TT về việc đẩy mạnh thanh toán điện tử trong lĩnh vực dịch vụ công. Theo đó, để triển khai Nghị quyết số 02/NQ-CP của Chính phủ và Chỉ thị số 30/CT-TTg ngày 30/10/2018 của Thủ tướng Chính phủ về nâng cao chất lượng giải quyết thủ tục hành chính tại các bộ, ngành, địa phương, một trong những nội dung NHNN đề nghị các ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài và các tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán là: Nghiên cứu có giải pháp về mô hình kết nối phù hợp, hiệu quả giữa các ngân hàng, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán với Cổng Dịch vụ công quốc gia, Hệ thống một cửa điện tử của các bộ, ngành, địa phương, các cơ quan, đơn vị liên quan nhằm đơn giản hóa thủ tục và tạo điều kiện thanh toán điện tử đối với các khoản phí, lệ phí, thanh toán hóa đơn điện, nước, học phí, viện phí... một cách nhanh chóng, thông suốt và an toàn thông qua việc tiết giảm đầu mối kết nối, đảm bảo cung ứng dịch vụ cho khách hàng là tổ chức, cá nhân mở tài khoản thanh toán tại các ngân hàng khác nhau.
Ông Phạm Tiến Dũng - Vụ trưởng Vụ Thanh toán (NHNN) cho biết, một trong những định hướng quản lý lĩnh vực thanh toán thời gian tới của NHNN là tiếp tục tập trung triển khai có hiệu quả Đề án phát triển Thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM) tại Việt Nam giai đoạn 2016 - 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và triển khai Đề án đẩy mạnh thanh toán qua ngân hàng đối với việc thu phí các dịch vụ công: thuế, điện, nước, học phí, viện phí và chi trả các chương trình an sinh xã hội (Quyết định số 241/QĐ-TTg)...
Theo ông Dũng, đây là nhiệm vụ rất nặng nề không chỉ đối với các TCTD, mà còn đối với các tỉnh, thành phố, bởi Thủ tướng yêu cầu Chủ tịch UBND cấp tỉnh, thành phố chỉ đạo 100% trường học, bệnh viện, công ty điện, công ty cấp/thoát nước, vệ sinh môi trường, viễn thông, bưu chính trên địa bàn đô thị phối hợp với ngân hàng, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán để thu học phí, viện phí, tiền điện… bằng phương thức TTKDTM, trong đó ưu tiên các giải pháp thanh toán trên thiết bị di động, thanh toán qua thiết bị chấp nhận thẻ, hoàn thành trước tháng 12/2019. Tuy nhiên NHNN sẽ nỗ lực để đồng hành cùng với các bộ, ngành triển khai có hiệu quả việc thanh toán điện tử đối với dịch vụ công.
Từng bước hiện thực hóa mục tiêu
Trên thực tế, thời gian vừa qua, TTKDTM trong khu vực công không ngừng được thúc đẩy và mở rộng. Ông Phạm Tiến Dũng thông tin thêm: Triển khai Nghị quyết số 02/NQ-CP của Chính phủ và Quyết định số 241/QĐ-TTg, các ngân hàng đã tích cực đầu tư cơ sở hạ tầng kỹ thuật, phối hợp với các đơn vị liên quan để thúc đẩy TTKDTM đối với dịch vụ công và bước đầu đạt được một số kết quả cụ thể như: 50ngân hàng thỏa thuận phối hợp thu thuế điện tử với thuế, hải quan trên phạm vi 63 tỉnh, thành phố và tất cả các quận, huyện trên cả nước; 27 ngân hàng và 10 tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán phối hợp thu tiền điện; 100% cơ sở khám chữa bệnh trực thuộc Bộ Y tế đã bắt đầu triển khai Đề án phối hợp với các ngân hàng để nhờ thu hộ tiền khám chữa bệnh; số người nhận các chế độ BHXH, trợ cấp thất nghiệp qua tài khoản cá nhân chiếm khoảng 21% tổng số người hưởng các chế độ BHXH…
Về phía NHTM, ông Nghiêm Xuân Thành - Chủ tịch HĐQT Vietcombank cũng đề xuất Chính phủ xem xét cho phép Vietcombank là ngân hàng thí điểm phối hợp với Văn phòng Chính phủ nghiên cứu xây dựng các giải pháp TTKDTM tiên tiến, hiện đại dựa trên nền tảng ứng dụng công nghệ thông tin trên Cổng Dịch vụ công quốc gia cho các công dân, tổ chức.
Bên cạnh Vietcombank, được biết một số ngân hàng cũng đang tham gia triển khai dịch vụ thanh toán BOT và một số dịch vụ khác… Như Vietbank đang tham gia thí điểm triển khai vé xe buýt thông minh ứng dụng công nghệ cao trong hoạt động xe buýt và thí điểm thanh toán tự động cho hoạt động vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh trên 7 tuyến xe buýt với khoảng 139 phương tiện.
Một số địa phương, đơn vị cũng đã có những động thái tích cực trong triển khai nhiệm vụ này, đơn cử như ngày 10/4 vừa qua trong khuôn khổ Lễ công bố Đề án thành phố thông minh, chính quyền TP. Đà Nẵng và Ví điện tử MoMo đã chính thức ký thoả thuận triển khai thanh toán dịch vụ hành chính công thông qua ví điện tử. NHNN chi nhánh tỉnh Nam Định tháng 3 vừa qua đã tổ chức Hội nghị triển khai thực hiện Đề án đẩy mạnh thanh toán qua ngân hàng đối với các dịch vụ công trên địa bàn tỉnh.
Hay Vườn Quốc gia Cát Tiên mới đây đã phối hợp với chi nhánh Viettel tỉnh Lâm Đồng chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng quý IV/2018 cho 268 hộ gia đình nhận khoán bảo vệ rừng trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng với số tiền hơn 1,2 tỷ đồng thông qua ứng dụng công nghệ thanh toán điện tử ViettelPay…
Chuyên gia cho rằng, việc đẩy mạnh thanh toán điện tử đối với lĩnh vực dịch vụ công là chủ trương lớn của Chính phủ, nhưng cũng không phải có thể làm ngay trong một sớm một chiều, mà cần thời gian và sự phối hợp của nhiều bên liên quan. Để triển khai tích cực và hiệu quả, về lâu dài cần phải hoàn thiện khuôn khổ pháp lý cũng như cơ chế chính sách về thanh toán qua ngân hàng. Đi cùng với đó là giám sát các hệ thống thanh toán đảm bảo an ninh, an toàn, hiệu quả trong thanh toán điện tử; giám sát hoạt động các tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán bảo đảm hoạt động đúng quy định.
Vì theo ông này, “một trong những cơ sở để thu hút người dân sử dụng nhiều hơn thanh toán điện tử là phải đảm bảo an toàn lên hàng đầu, trên cả sự thuận tiện”. Cũng cần gia tăng khả năng kết nối, trao đổi dữ liệu, thông tin giữa đơn vị cung ứng dịch vụ công với ngân hàng; tăng cường sự chỉ đạo của các bộ, ban, ngành, UBND tỉnh, thành phố trong triển khai thanh toán qua ngân hàng đối với dịch vụ công.