Đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt: Góp phần minh bạch hóa thị trường
Tăng cơ hội tiếp cận dịch vụ tài chính | |
Không sử dụng thẻ là thiệt thòi | |
Thanh toán không dùng tiền mặt sẽ giảm tải rất lớn cho ATM |
Thanh toán bằng mã phản hồi nhanh (QR), mở rộng các gói vay cho hộ kinh doanh và triển khai ngày càng nhiều các điểm ngân hàng lưu động… là những cách mà các NHTM đang góp sức để minh bạch hóa nền kinh tế phi chính thức.
Giá trị “kinh tế ngầm” rất lớn
Sự việc Cục Thuế TP.HCM mới đây cưỡng chế thu hồi hơn 53,3 tỷ đồng tiền nợ thuế của Công ty TNHH Uber, trong đó có gần 41 tỷ đồng là số tiền thuế giá trị gia tăng (VAT) và thuế thu nhập cá nhân của các tài xế (xe ôm và taxi) mà DN này bắt buộc phải nộp thay là một ví dụ rất rõ để chứng minh rằng doanh thu từ các hoạt động kinh tế phi chính thức đang vô cùng lớn.
Bởi chỉ với trên 10.000 tài xế Uber tại thị trường TP.HCM doanh thu hàng ngày đã lên tới hàng tỷ đồng. Trong khi đó theo số liệu của Tổng cục Thống kê hiện nay trên cả nước có khoảng 5,1 triệu cơ sở sản xuất kinh doanh cá thể phi nông nghiệp, 77% trong số này hoạt động các dịch vụ xe ôm, xe ba gác tự do, bán hàng rong, bia hơi vỉa hè và bán lẻ hàng hóa ở các chợ cóc… Nếu tất cả số lao động này được đăng ký kinh doanh và thống kê doanh thu thì rõ ràng giá trị kinh tế của bộ phận “kinh tế vỉa hè” này là không hề nhỏ.
Ngoài các thành phần kinh tế tự do như kể trên, LS. Trương Thanh Đức (Công ty Luật Basico) cho rằng, hiện nay thành phần kinh tế hộ kinh doanh tại Việt Nam cũng là một trong những thành phần kinh tế ẩn chứa nhiều yếu tố “ngầm” cả về doanh thu và lợi nhuận.
Thanh toán không dùng tiền mặt phải trở thành điều kiện bán hàng mới hạn chế “kinh tế ngầm” |
Theo LS. Đức, hiện nay tỷ lệ đóng góp của thành phần kinh tế hộ kinh doanh trong cơ cấu của nền kinh tế ở mức vài chục phần trăm. Tuy nhiên, do các quy định quản lý, kiểm soát đối với nhóm thành phần kinh tế này không tuân theo một chuẩn mực cụ thể nào. Vì vậy sự không minh bạch trong nguồn tiền thu – chi vẫn đang rất phổ biến và các vi phạm trong kinh doanh như trốn thuế, né thuế, gian lận doanh thu, hối lộ… ở khối kinh tế này luôn chiếm tỷ lệ cao nhất.
Trong một thống kê được công bố mới đây của Đại học Fulbright Việt Nam, hiện nay 57% lực lượng lao động xã hội của cả nước hoạt động trong các lĩnh vực phi chính thức. Mức này mặc dù giảm nhẹ so với các năm trước, tuy nhiên nếu phân ra giá trị sản xuất, khu vực kinh tế này vẫn tạo ra khoảng 20-30% GDP cho nền kinh tế.
Ngân hàng chủ động thâm nhập
Thực tế, không phải đợi đến khi có các số liệu thống kê về giá trị sản xuất ở khu vực kinh tế phi chính thức mà trong nhiều năm qua, với vai trò cung ứng vốn hệ thống các TCTD tại Việt Nam đã khá chủ động trong việc khai thác những mảnh đất màu mỡ tại các mảng của thị trường.
Quan sát cho thấy, trong năm 2017 hàng chục NHTM đã áp dụng các gói tín dụng ưu đãi dành cho khách hàng hộ kinh doanh. Chẳng hạn, các gói tín dụng 3.000 tỷ đồng của DongABank, Sacombank và OCB đều áp dụng đồng loạt mức lãi suất từ 5,5%/năm hoặc 6%/năm. Các NHTM khác như BIDV, VietinBank, ABBank, TPBank… cũng đều cho vay lãi suất từ 6,5-7%/năm đối với các hộ kinh doanh và cam kết thời gian giải ngân nhanh trong vòng 2-3 ngày.
Các thống kê đến cuối 2017 cho thấy tỷ lệ cho vay vào nhóm hộ kinh doanh ở nhiều NHTM đều có sự tăng trưởng mạnh. Riêng Agribank đã cho vay gần 500 ngàn tỷ đồng đối với trên 4 triệu khách hàng hộ sản xuất – kinh doanh ở lĩnh vực nông nghiệp – nông thôn. Trong khi đó, Vietcombank cũng cho vay khoảng 46% tổng dư nợ đối với nhóm khách hàng hộ kinh doanh cá thể. Các ngân hàng khác như VPBank, VIB, MB, HDBank tỷ lệ cho vay hộ kinh doanh, thể nhân cũng ở mức từ 50-70% tổng dư nợ.
Ngoài việc chuyển hướng thâm nhập mạnh vào khối khách hàng hộ kinh doanh thì trong những năm gần đây, việc các NHTM đẩy mạnh phát triển các dịch vụ thanh toán qua thẻ và công nghệ di động (bao gồm cả việc liên kết với các đơn vị trung gian thanh toán) cũng khiến cho các thành phần kinh tế phi chính thức bắt đầu “nổi” lên khá rõ ràng.
Thống kê của NHNN cho thấy, tỷ lệ rút tiền mặt năm 2017 giảm 5% so với mức 15% của năm 2016. Giao dịch thanh toán qua Internet tăng trưởng 81%, thanh toán qua mobile tăng gần 70%. Và chỉ sau 2 năm các NHTM áp dụng dịch vụ thanh toán thông qua mã QR, hiện nay đã có hàng chục ngân hàng áp dụng công nghệ này để thanh toán không dùng tiền mặt. Điều này chứng tỏ các dịch vụ thanh toán của hệ thống ngân hàng đã bắt đầu lan tỏa khá lớn trong thị trường và len lỏi vào các khu vực của kinh tế phi chính thức thông qua giao dịch tiêu dùng của nhóm khách hàng trẻ tuổi.
Một biểu hiện khác cũng cho thấy, hiện nay các NHTM đang rất chủ động trong việc chính thức hóa khối “kinh tế ngầm” đó là hạn chế sự bành trướng của hoạt động tín dụng phi chính thức.
Ghi nhận cho thấy, thời gian vừa qua Agribank đã triển khai hàng loạt ngân hàng di động trên ô tô tại các tỉnh Thanh Hóa, Quảng Ngãi và Đồng Nai để len lỏi vào các địa bàn vùng sâu vùng xa. Trong khi đó, LienVietPostBank cũng đã áp dụng sản phẩm ví điện tử Ví Việt để phục vụ thanh toán không dùng tiền mặt ở khu vực nông thôn. Điều này, rõ ràng tạo ra nhiều cơ hội tiếp cận, sử dụng các kênh tín dụng chính thức, thay vì phụ thuộc vào các hình thức tín dụng đen, cho vay nặng lãi vốn phổ biến ở các khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa.