Để không ai bị bỏ lại
Dự kiến dành 141 tỷ đồng xây dựng 7 cơ sở giáo dục nghề nghiệp |
Xe ôm 2.0
Cuộc tranh luận về lựa chọn Grab, Uber hay xe ôm lề đường vẫn chưa có hồi kết. Và thực tế là, dù có cái tên rất kêu nhưng GrabBike hay Uber moto cũng chỉ là phiên bản nâng cấp của xe ôm - một dịch vụ ít kỹ năng, thường chỉ dành cho những người thất nghiệp hoặc bán thời gian.
Nhìn đội quân đông thanh niên chạy Grab đầy đường, nhiều người phải suy nghĩ. Đáng lý những thanh niên khỏe mạnh và sáng sủa đó phải trở thành những kỹ sư phần mềm, viết game hay ứng dụng di động, kỹ sư nông nghiệp công nghệ cao... hay những ngành nghề không chỉ Việt Nam mà cả thế giới đang rất cần. Chứ không phải xách xe máy bươn chải, lăn lộn ngoài đường kiếm sống, dù trên tay đã có chiếc điện thoại thông minh.
Thay vì phấn đấu tìm kiếm việc làm ở những môi trường làm việc chuyên nghiệp thì ngày càng nhiều người trẻ chọn lựa kiếm tiền nhàn hạ nhờ công nghệ như Grab, Uber… |
Nhóm lao động giản đơn này, dù là xe ôm hay Grab, đều là nguy cơ tụt hậu của lao động Việt Nam, là “gánh nặng” của cả kinh tế trong hội nhập. Bên cạnh đó, nó phản chiếu chính sách giáo dục, đào tạo lệch hướng của Việt Nam. Và đội quân lao động kém kỹ năng ngày càng đông đảo sẽ trở thành nguy cơ tiềm ẩn của bất ổn xã hội mà nhiều nước đang phát triển và phát triển phải đối mặt.
Mới đây, tại buổi gặp mặt đối tác Grab 2 bánh (GrabBike, GrabBike Premium và GrabExpress) tháng 3 của Grab tại Nhà Thi đấu Nguyễn Du (Q1, TPHCM), người ta ngỡ ngàng về con số các tài xế tham gia. Sức chứa của nhà thi đấu Nguyễn Du lên đến 2.100 người, đều được lấp kín bởi màu áo xanh của cánh xe ôm GrabBike. Tất cả đều là những người trẻ.
Ở một diễn biến khác, Tổng cục Thống kê cho hay số người thất nghiệp quý I/2017 khoảng 1,14 triệu người. So với cùng kỳ năm trước tăng thêm hơn 20.000 người. Một con số được lưu ý là tỷ lệ thất nghiệp cao bất thường trong độ tuổi thanh niên. Theo đó, có tới hơn 500.000 thanh niên từ 15-24 tuổi bị thất nghiệp.
Hai con số này tất yếu dẫn đến suy luận đội quân thanh niên thất nghiệp đã đang và sẽ được chuyển hóa một phần sang lực lượng xe ôm.
Thống kê đến tháng 9/2016, cả nước có 1,1 triệu người trong độ tuổi lao động thất nghiệp, tăng 29.000 so với quý trước đó. Nhóm trình độ đại học trở lên thất nghiệp cao nhất, hơn 202.000 người. Tiếp đến là cao đẳng 122.000 người và trung cấp chuyên nghiệp 73.800 người. Con số này bổ sung cho hơn 2 triệu lao động thất nghiệp mỗi năm. Bên cạnh đó là hơn 78% lao động, tương đương khoảng 42 triệu lao động, không có hoặc thiếu kỹ năng...
Rõ ràng, nếu không được đào tạo lại, rất nhiều trong số này có nguy cơ gia nhập đội quân xe ôm ở mọi hình thức. Nhất là khi thị trường lao động mở cửa, những lao động nước ngoài đủ ngành nghề sẽ tràn vào Việt Nam tự do hơn. Khi đó, không chỉ ngành xe ôm, mà nhiều ngành nghề khác cũng có thể bị “tái thất nghiệp” do công nghệ (Technology Unemployment). Những nhân viên thu tiền điện, nước có thể bị thay thế bằng những ứng dụng MoMo, Mobivi, Paynet. Những nhân viên bán vé tàu xe được thay thế bằng dịch vụ vexere.com, Pasoto.com... Vì thế, công nghệ càng bùng nổ, số thất nghiệp sẽ ngày càng cao.
Rủi ro “thế hệ mất mát”
Để giải quyết một phần của nạn thất nghiệp, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đang xây dựng đề án xuất khẩu lao động có trình độ, được coi là mở ra cơ hội cho hơn 200.000 cử nhân, thạc sĩ thất nghiệp tìm kiếm việc làm ở nước ngoài. Nhưng đề xuất chương trình này khiến nhiều người buồn hơn vui. Bởi vì, xuất khẩu những lao động “trình độ cao” cũng như việc xuất khẩu những loại gạo ngon nhất ra nước ngoài, còn người dân trong nước chỉ còn loại gạo kém hơn.
Thế nhưng, đây mới chỉ là định hướng, còn các lao động xuất khẩu này có đủ trình độ để làm việc ở nước ngoài hay không lại là chuyện khác. Xuất khẩu lao động của Việt Nam hiện nay chủ yếu là lao động trình độ phổ thông. Chẳng hạn, năm 2016, cả nước có hơn 98.000 người đi xuất khẩu lao động, chủ yếu là lao động chân tay, giá trị không cao. Và thất nghiệp ở trình độ cao là một nghịch lý tồn tại ở Việt Nam đã nhiều năm đến nay vẫn chưa có lời giải.
Nếu không giải quyết vấn đề đào tạo và đào tạo lại một cách cơ bản, câu chuyện những cử nhân chạy xe ôm vẫn tiếp diễn và những “đại hội” của Grab sẽ ngày càng đông đảo thanh niên tham gia.
Dù đó là công việc lương thiện, còn hơn trở thành những thanh niên lêu lổng nhưng các chuyên gia việc làm gọi đây là hình thức “thất nghiệp ẩn” hay “thất nghiệp trá hình”. Còn các nhà xã hội học gọi những người trẻ không có triển vọng nghề nghiệp là “thế hệ mất mát, đe dọa gắn kết xã hội”. Họ cũng cảnh báo tình trạng thất nghiệp cao trong thanh niên cùng với chất lượng việc làm thấp nếu kéo dài sẽ tạo ra nhiều hệ lụy nghiêm trọng.
Những thanh niên không có việc làm và không chịu học hỏi sẽ bị gạt ra khỏi thị trường lao động và luôn đứng trước nguy cơ rơi vào cảnh đói nghèo. Đáng lo ngại hơn, thất nghiệp kéo dài có thể khiến những người trẻ không cảm thấy hạnh phúc, dẫn tới những vấn đề về sức khỏe tinh thần như stress, trầm cảm, tự cách ly khỏi cộng đồng... Những thanh niên chạy xe ôm, những cử nhân thất nghiệp làm suy yếu đáng kể tiềm lực kinh tế quốc gia, thách thức cho ngân sách, an sinh xã hội, làm suy giảm niềm tin của giới trẻ đối với xã hội.
Ngay tại nước Mỹ, theo Giáo sư Kinh tế Angus Deaton, chủ nhân giải Nobel Kinh tế năm 2015, những người bị bỏ lại gây ra nhiều dấu hiệu đáng lo ngại hơn nữa khi ghi nhận được làn sóng “những cái chết vì tuyệt vọng” tăng cao trong số những người da trắng không có gốc Latinh - do tự tử, lạm dụng chất cồn và các trường hợp sốc thuốc được kê đơn hoặc thuốc bất hợp pháp. Đối với những người khốn khổ này, bị lãng quên bên lề xã hội là điều cùng cực nhất khiến họ quyết định từ bỏ thế giới.
Theo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, có tới gần 42 triệu lao động của Việt Nam không được đào tạo hoặc không đủ kỹ năng làm việc trong môi trường hiện đại. Con số này còn lớn hơn cả dân số của Singapore, Canada, New Zealand và nhiều nước trong G20. Nếu được đào tạo lại đúng kỹ năng xã hội cần, họ trở thành động lực lớn cho kinh tế Việt Nam.
Ngược lại, trong thị trường lao động tự do mà Việt Nam sắp mở cửa, nếu không được đào tạo, số lao động này trở thành gánh nặng lớn cho xã hội và sớm trở thành “thế hệ mất mát”. Họ thực sự trở thành nạn nhân của hình thức giáo dục nặng về sách vở, lý thuyết, hàn lâm, chứ không phải kiến thức và kỹ năng làm việc...
Hiện nay, có nhiều mô hình đào tạo có thể giải quyết vấn đề này, đặc biệt là các mô hình đào tạo trực tuyến theo tiêu chí: ai cũng có thể học - người học chủ động học - học được là phải làm được. Nếu mô hình này nhân rộng trong nhiều lĩnh vực thì có thể giải quyết được khá tốt nhu cầu đào tạo và đào tạo lại kỹ năng của nhiều lao động. Ngân hàng Thế giới cũng đưa ra lời giải cho bài toán “chia sẻ thịnh vượng” để đảm bảo không ai bị xã hội bỏ lại. Ngoài vấn đề thu thuế, đề xuất của Ngân hàng Thế giới chú trọng tới các trường đại học, trung tâm giáo dục với các khóa học ngắn hạn nhằm cải thiện kỹ năng chuyên môn, những ngành nghề công nghệ mới cho bất cứ ai muốn học. Cũng như vậy, các bác tài xế xe ôm hay nhiều lĩnh vực lao động giản đơn khác cần phải học kỹ năng mới để bắt kịp xu thế mới. Ngay cả những cử nhân, thạc sĩ thất nghiệp cũng cần có những kỹ năng mới, nếu không muốn phải gia nhập đội quân xe ôm hay trở thành “những người bị bỏ lại”. |