Để phố đi bộ Hồ Gươm có điểm nhấn
Tạo dựng niềm vui từ phố đi bộ | |
Triển khai phố đi bộ quanh Hồ Gươm: Cần sự chung tay của cả cộng đồng |
Chia sẻ với phóng viên Thời báo Ngân hàng về những đánh giá của mình sau 10 tháng thí điểm mở rộng phố đi bộ quanh Hồ Hoàn Kiếm, Phó Giám đốc Công ty TransViet Travel Nguyễn Tiến Đạt cho rằng: “Không gian này đang giúp Hà Nội trở nên đáng sống và hấp dẫn hơn, tuy nhiên, nơi đây vẫn thiếu một điểm nhấn. Tôi từng đề xuất thành phố biến “Phố đi bộ Hồ Gươm cuối tuần tràn ngập tà áo dài Việt Nam” nhưng chưa thành hiện thực. Do đó, tôi đã tiếp tục xây dựng và đề xuất thành phố xem xét Đề án “Xây dựng không gian Hà Nội qua các thời kỳ” tại đây”.
Biểu diễn nghệ thuật trong không gian phố đi bộ |
Ngành du lịch Thủ đô đã có mức tăng trưởng ấn tượng với hơn 4 triệu lượt khách quốc tế năm 2016, tăng 23% so với năm 2015; phục vụ 17,8 triệu lượt khách nội địa, tăng 8% so với năm 2015. Tuy nhiên, nó vẫn chưa phát triển tương xứng với tiềm năng do sản phẩm còn đơn điệu. Thời gian lưu trú của khách vẫn ở mức thấp với trung bình 1,37 ngày/khách.
Hiện tại, Hà Nội đang quyết tâm đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, thể hiện trong hàng loạt chủ trương, chính sách, việc làm cụ thể như: Ban hành Nghị quyết 06-NQ/TU về phát triển du lịch Hà Nội 2016-2020 và những năm tiếp theo; Kế hoạch số 159/KH-UBND về tổ chức thí điểm phố đi bộ khu vực Hồ Gươm và phụ cận; thực hiện quảng bá trên kênh CNN…
Trong đó, phải khẳng định, thí điểm phố đi bộ quanh hồ Hoàn Kiếm là một quyết định hoàn toàn đúng đắn. Nơi đây đã thực sự trở thành điểm nhấn cho du lịch Thủ đô. Minh chứng là rất đông khách trong và ngoài nước đến đây mỗi cuối tuần.
Thế nhưng, ngoài những điểm cộng cho phố đi bộ quanh Hồ Gươm, vẫn còn đó những tồn tại, hạn chế cần khắc phục như: Chưa có điểm nhấn; hoạt động tự phát, đơn điệu, nhiều hình ảnh nhếch nhác; ít hình thức vui chơi, giải trí có tính văn hóa, giáo dục được tổ chức quy củ…
Đến nay, hầu hết các dự án, đề xuất mới về không gian này như: Xây dựng biểu tượng rùa vàng; cột mốc số 0; Đại lộ danh vọng… đều bị dư luận phản đối và không được chấp thuận. Đề xuất biến “Phố đi bộ Hồ Gươm cuối tuần tràn ngập tà áo dài Việt Nam” nhằm tạo điểm nhấn và quảng bá du lịch cho Hà Nội hồi cuối năm ngoái cũng chưa thể thực hiện.
Vừa là một doanh nhân làm du lịch, vừa là một người dân Hà Nội, ông Đạt tâm sự: “Bản thân tôi là người Hà Nội gốc, nhà lại ở rất gần Hồ Gươm nên cuối tuần nào không vướng công việc tôi đều đưa gia đình ra phố đi bộ chơi. Qua nghiên cứu thực tiễn, tìm hiểu nhu cầu, sở thích của người dân và du khách khi đến với phố đi bộ hồ Hoàn Kiếm, tôi đã trăn trở rất nhiều và quyết định xây dựng Đề án “Không gian Hà Nội qua các thời kỳ tại phố đi bộ Hồ Gươm”.
Đó là các không gian: Hà Nội thời phong kiến; Hà Nội thời Pháp thuộc; Hà Nội thời kháng chiến; Hà Nội thời bao cấp; và Hà Nội thời hiện đại. Nếu được triển khai, đây sẽ là bảo tàng sống ngoài trời rất sinh động về lịch sử Hà Nội, mở tự do cho công chúng trải nghiệm. Địa điểm dự kiến là từ phố Đinh Tiên Hoàng và đoạn từ phố Hồ Hoàn Kiếm tới quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục.
Theo đề án, tại mỗi không gian đó sẽ có trưng bày, giới thiệu về phương tiện, trang phục, đồ dùng đặc trưng của từng thời kỳ; có dịch vụ, chụp ảnh, trình diễn nghệ thuật và thời trang.
Chẳng hạn, không gian Hà Nội thời phong kiến có trưng bày kiệu, tổ chức dịch vụ cho thuê trang phục hoàng cung, rước kiệu và chụp ảnh cho du khách; nặn tò he; viết thư pháp; biểu diễn hát ca trù.
Không gian Hà Nội thời kháng chiến trưng bày xe đạp thồ; tổ chức thi lái xe thồ chở gạo; trưng bày bộ sưu tập tem, áp phích, khẩu hiệu và các vật dụng thời chiến; trưng bày và cho thuê trang phục bộ đội, chiến sĩ tự vệ Hà Nội; tái hiện góc chụp ảnh Quyết tử cho tổ quốc quyết sinh với các nhân vật chiến sĩ cảm tử quân cầm bom ba càng.
Không gian Hà Nội thời bao cấp trưng bày xe đạp, xe máy, xích lô, áo dài và các vật dụng thời kỳ này. Không gian Hà Nội thời hiện đại trưng bày siêu mô tô, ô tô; du khách sẽ được trải nghiệm thực tế ảo với đoạn phim dựng 3D về Hà Nội;…
Cùng với các hoạt động đó, du khách đến với “Không gian Hà Nội qua các thời kỳ tại phố đi bộ Hồ Gươm” còn có thể trải nghiệm rất nhiều dịch vụ, chương trình khác. Tại đây sẽ có triển lãm ảnh Hà Nội qua các thời kỳ xuyên suốt từ tối thứ 6 đến tối Chủ nhật; Biểu diễn áo dài vào tối thứ 7 hàng tuần; Sân khấu biểu diễn nghệ thuật truyền thống của các địa phương trong nước và quốc tế.
Du khách có thể tham gia các trò chơi dân gian và giáo dục như đi cà kheo, thi đi xe đạp chậm nhằm giáo dục ý thức tham gia giao thông. Chưa hết, khách tham quan còn được chụp ảnh với các tiểu cảnh, nhân vật, ngồi kiệu, xích lô kéo tay… Ngoài ra, sẽ có một tàu điện Hà Nội gồm 2-3 toa là nơi bán cà phê, ẩm thực Hà Nội; cho thuê trang phục áo dài, trang phục xưa, bán tour cho du khách.
Theo tính toán của ông Đạt, chi phí đầu tư ban đầu Để xây dựng được “Không gian Hà Nội qua các thời kỳ tại phố đi bộ hồ Gươm”, dao động từ 5 – 7 tỷ đồng. Chi phí duy trì hàng năm khoảng 2 – 3 tỷ đồng. Toàn bộ kinh phí sẽ được huy động bằng nguồn xã hội hóa từ đơn vị tổ chức và DN tài trợ.
Theo ông Đạt, nếu TP. Hà Nội chấp thuận, TransViet sẵn sàng đứng ra tổ chức thực hiện Đề án một cách hiệu quả, bởi lẽ, tất cả các bên tham gia vào Đề án đều có lợi. Chẳng hạn, các nhà tạo mẫu có nghĩa vụ lần lượt tổ chức chương trình biểu diễn thời trang áo dài vào tối thứ 7 hàng tuần. Đổi lại, họ có thu nhập từ bán và cho thuê áo dài, có cơ hội giới thiệu và quảng bá thương hiệu cũng như các bộ sưu tập áo dài của mình.
Sinh viên các trường du lịch có nghĩa vụ thuyết minh cho du khách lịch sử, văn hóa Hà Nội, đóng vai các nhân vật qua các thời kỳ, dựng và thu dọn không gian mỗi tuần, quản lý trông coi các đồ vật, hướng dẫn khách. Đổi lại, họ được trả công tác phí, được nâng cao kỹ năng, kiến thức qua công việc thực tế, được giao lưu với du khách trong và ngoài nước…
DN tài trợ có nghĩa vụ tài trợ kinh phí đầu tư ban đầu và chi phí vận hành hàng năm. Quyền lợi là được chính quyền cho phép quảng bá hình ảnh trong không gian này một cách hợp lý…