Phố đi bộ - một phần không thể thiếu trong phát triển không gian du lịch
Lễ hội đường phố
Theo Sở Văn hóa và Thể thao TP. Đà Nẵng, năm 2024, hai bờ sông Hàn (Đà Nẵng) là nơi diễn ra của 55 sự kiện, hoạt động văn hóa - lễ hội định kỳ và thường niên, do các cơ quan, đơn vị, địa phương tổ chức. So với những năm trước, năm 2024 sẽ xuất hiện nhiều hoạt động mới lạ, có tính đột phá, bám sát với nhu cầu, thị hiếu của người dân và du khách.
Theo danh mục các hoạt động văn hóa - lễ hội hai bên bờ sông Hàn đã được UBND TP. Đà Nẵng thống nhất, năm 2024, Đà Nẵng có 19 hoạt động định kỳ và 36 hoạt động thường niên như: vũ hội đường phố, hát bài chòi, ảo thuật đường phố, chương trình âm nhạc và cuộc sống, giai điệu cuối tuần, tuồng xuống phố… do các cơ quan, đơn vị ngành văn hóa, hội đoàn thể trên địa bàn thực hiện.
Người dân và du khách xem phim miễn phí tại khu vực vỉa hè đường Như Nguyệt, quận Hải Châu (Đà Nẵng). |
Cùng với đó, Đà Nẵng đưa vào danh mục nhiều hoạt động mới như: chương trình random dance kpop, hòa tấu nhạc cụ, thư viện lưu động, chiếu phim ngoài trời và các hoạt động tương tác. Các hoạt động được sắp xếp trải đều các tuần, tháng trong năm, phù hợp thời tiết theo mùa và bảo đảm mỗi tuần đều có chương trình, sự kiện để người dân, du khách tham gia…
Để các lễ hội, sự kiện thật sự tạo được dấu ấn trong lòng người dân và du khách, chính quyền TP. Đà Nẵng đã yêu cầu các đơn vị thực hiện hoạt động hai bờ sông Hàn chủ động khảo sát nhu cầu, thị hiếu người dân và du khách để xây dựng các hoạt động văn hóa, lễ hội chất lượng. Đồng thời, đầu tư, đổi mới phương thức tổ chức hoạt động cả về nội dung và hình thức, bảo đảm có sự đột phá, mới lạ, thu hút người dân và du khách; tăng tính tương tác với khán giả bảo đảm hiệu quả tổ chức, tiến tới hình thành sản phẩm văn hóa đặc sắc hai bên bờ sông Hàn.
Sự trang trí đường phố mới lạ... đã thực sự chinh phục được nhiều du khách khi đến Đà Nẵng |
Trên có sở đó, Sở Văn hóa và Thể thao TP. Đà Nẵng đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc đưa thêm một số hoạt động mới vào danh mục để tạo sự đa dạng cho trục sự kiện văn hóa - lễ hội hai bên bờ sông Hàn; xây dựng các liên hoan nghệ thuật nhân các ngày lễ lớn của thành phố và đất nước. Song song đó, kết nối, phối hợp với các doanh nghiệp tổ chức sự kiện tư nhân xã hội hóa một số hoạt động nhằm bảo đảm tính lâu dài, có nguồn lực đầu tư xây dựng, tổ chức các chương trình chuyên nghiệp hơn.
Đặc biệt, để tránh sự nhàm chán, lặp lại cũng như tạo thêm sản phẩm mới thu hút khách đến Đà Nẵng trong năm 2024, ngành du lịch TP. Đà Nẵng huy động các nguồn lực để đầu tư phát triển các sản phẩm du lịch, trong đó có sự tham gia của các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ, lữ hành, lưu trú… Đồng thời, chuẩn bị các nhóm sản phẩm mới, tăng sức hút và thời gian lưu trú của du khách…
Phát triển các tuyến phố đi bộ
Theo Giám đốc Sở Du lịch Trương Thị Hồng Hạnh, ngành du lịch TP. Đà Nẵng huy động các nguồn lực để chuẩn bị các nhóm sản phẩm mới, nhằm tạo thêm sức hút và tăng thời gian lưu trú của khách. Trong đó, ở nhóm sản phẩm du lịch đêm sẽ triển khai kế hoạch tổ chức thí điểm phố đi bộ Bạch Đằng nối dài và phương án thí điểm dịch vụ du lịch ban đêm trên cầu Nguyễn Văn Trỗi và công viên Bờ Đông; triển khai chương trình lễ hội hai bờ sông Hàn (tăng số lượng chương trình âm nhạc đường phố).
Một trong những sản phẩm mới được nhiều người dân quan tâm là việc tổ chức thí điểm phố đi bộ Bạch Đằng. Sau một thời gian triển khai các bước chuẩn bị, sáng 24/3/2024, UBND quận Hải Châu (Đà Nẵng) đã tổ chức hội nghị công bố phương án tổ chức thí điểm phố đi bộ Bạch Đằng.
Theo Phó Chủ tịch UBND quận Hải Châu Trương Thanh Dũng, không gian tổ chức thí điểm phố đi bộ Bạch Đằng trên tuyến đường Bạch Đằng nối dài đoạn từ giáp đường dẫn lên cầu Trần Thị Lý đến cuối Công viên APEC với chiều dài 1,2 km và kết nối với cầu Nguyễn Văn Trỗi. Thời gian thí điểm tổ chức hoạt động từ 15 giờ đến 0 giờ hàng ngày, dự kiến từ cuối tháng 4/2024 đến cuối năm 2028.
Dự kiến, phố đi bộ sẽ có 3 cụm kiot bán hàng di động với 12 kiot trên toàn tuyến vỉa hè phía Đông đường Bạch Đằng. Các kito sẽ sử dụng container 20 feet khô và do hộ kinh doanh tự đầu tư, trang trí. Đồng thời, sẽ có 5 cụm xe bán hàng lưu động với 15 xe nằm trên làn xe phía đông đường Bạch Đằng, vị trí xe xen kẽ với các kiot.
Phối cảnh tuyến phố đi bộ Bạch Đằng nối dài |
Cùng với đó, quận sẽ bố trí 5 điểm check-in; xây dựng 2 khu vệ sinh công cộng; không gian sinh hoạt cộng đồng, có ghế đá ngồi trên vỉa hè; thùng rác cảnh quan và thùng đựng rác tái chế; các trạm phát wifi miễn phí; 4 cụm camera an ninh; trang trí đèn chiếu sáng, nghệ thuật và cây xanh..
Về phương án tổ chức giao thông khi phố đi bộ hoạt động, quận Hải Châu sử dụng 1 làn xe phía đông đường Bạch Đằng vào các ngày trong tuần, 3 làn còn lại là 1 chiều, đặt biển báo giới hạn 40 km/h theo giờ và hạn chế xe cơ giới theo giờ. Đối với các ngày thứ 6, thứ 7 và Chủ nhật sẽ cấm toàn bộ tuyến đường Bạch Đằng (đoạn từ Bình Minh 10 đến Công viên APEC)…
Có thể nói, việc khai thác tốt tiềm năng, lợi thế của địa phương cùng với sự đầu tư, nâng cấp cơ sở hạ tầng, chú trọng chất lượng dịch vụ, đến nay, các tuyến phố đi bộ, phố chuyên doanh, phố kinh doanh tập trung mới, chợ truyền thống phục vụ du lịch… trên địa bàn Đà Nẵng ngày càng khang trang, hoạt động có hiệu quả. Các sản phẩm du lịch mới này dần khẳng định được thương hiệu và góp phần quan trọng vào thu hút khách du lịch đến với Đà Nẵng.