Để PPP hấp dẫn nhà đầu tư ngoại
Ảnh minh họa |
Hợp tác công tư (PPP) có thể khả thi về mặt lý thuyết với khung pháp lý đang được hoàn thiện, tuy nhiên khi áp dụng vào thực tiễn, thì những quy định này vẫn chưa đủ sức thuyết phục. Nhóm Công tác Cơ sở hạ tầng của Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) năm 2015 đã nêu ra nhiều lý do khiến NĐT nước ngoài còn dè dặt tham gia PPP tại Việt Nam, dù đánh giá đây là lĩnh vực tiềm năng và cấp thiết.
“Các DN nước ngoài rất quan ngại về sự trì hoãn, chậm trễ trong phát triển các dự án cơ sở hạ tầng ở Việt Nam”, ông Tony Foster, Trưởng nhóm Công tác Cơ sở hạ tầng của VBF nhận định. Nguyên nhân rõ nhất là thị trường vốn trong nước chưa đủ lớn, do thị trường chứng khoán kém phát triển, các quỹ đầu tư còn ít, quỹ hưu trí chưa được đảm bảo. Tuy nhiên, vốn cũng chỉ là một phần của vấn đề. Theo các NĐT nước ngoài, những nguyên tắc khác về nâng cao năng lực, chuẩn hoá số liệu dự án, các điều khoản hỗ trợ thiếu hụt tính khả thi, danh mục các dự án mời gọi đầu tư… cũng là thách thức lớn không kém mà Việt Nam cần hoàn thiện để có thể thu hút NĐT ngoại tham gia vào các dự án PPP.
Chẳng hạn, Nghị định về PPP được ban hành hồi đầu năm không có nội dung chi tiết về việc các hoạt động phân chia rủi ro giữa các bên. Trong khi “các nội dung mang tính bảo vệ quyền lợi cho NĐT mới là vấn đề mà họ đang mong mỏi nhất”, ông Tony Foster đánh giá.
Vì vậy nhóm Công tác Cơ sở hạ tầng thay mặt cho cộng đồng DN nước ngoài đã đưa ra một số khuyến nghị trước mắt mà cơ quan quản lý cần hoàn thiện để tăng tính hấp dẫn của các dự án PPP. Đối với việc luật không cho phép các bên cho vay nước ngoài nhận thế chấp quyền sử dụng đất, nhóm đề xuất sử dụng một đại lý bảo đảm trong nước. Theo đó, bên cho vay nước ngoài có thể thực hiện một biện pháp bảo đảm đối với đất đai và nhà xưởng nếu một đại lý bảo đảm trong nước được Thủ tướng Chính phủ chỉ định trên cơ sở từng trường hợp.
Bên cạnh đó, NĐT đề nghị làm rõ trường hợp nào thì được Chính phủ quy định việc cấp bảo lãnh tỷ giá cho các dự án có doanh thu bằng tiền đồng trong các lĩnh vực cơ sở hạ tầng khác nhau. Vì nếu không có, một số dự án PPP không thể vay vốn ngân hàng.
Ông Trần Tuấn Phong, Đồng Trưởng nhóm Công tác Cơ sở hạ tầng VBF cũng nêu ra lo ngại, có một số dự án đang được đàm phán theo cơ chế BOT hiện tại. Sau khi chuyển đổi hoàn toàn sang thực hiện theo Nghị định PPP, NĐT băn khoăn liệu các điều khoản chuyển tiếp của Nghị định có bao hàm hết các dự án này hay không. NĐT lo ngại nếu phải đàm phán lại từ đầu thì có thể khiến thời gian thực hiện kéo dài, gây mất công sức và chi phí của họ.
Giải đáp các vướng mắc của NĐT, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh cho biết, Chính phủ đang triển khai tích cực việc xây dựng quỹ hỗ trợ cho các dự án. Với từng dự án, tuỳ quy mô sẽ có quy định và tính toán hiệu quả kinh tế, từ đó quyết định việc có được hỗ trợ từ phía nhà nước hay không. Về các điều khoản chuyển tiếp, ông Vinh trấn an, các dự án BOT đã hoàn thành (chủ yếu trong lĩnh vực điện, năng lượng, giao thông) nếu không trái Nghị định PPP và đáp ứng yêu cầu chung thì các cơ quan có thẩm quyền xem xét phê duyệt, không cần làm lại toàn bộ quy trình. Nếu trái điểm nào thì chỉ cần hoàn thiện điểm đó.
Liên quan đến vấn đề bảo lãnh ngoại tệ, ông Vinh khẳng định lại, Nhà nước đảm bảo quyền mua ngoại tệ của NĐT và DN trên thị trường ngoại hối, tuy nhiên Chính phủ Việt Nam không bảo lãnh về tỷ giá. “Đó là điều chắc chắn vì các dự án này có thể kéo dài 30-50 năm, không thể lường được các rủi ro biến động tỷ giá. Còn với ổn định vĩ mô như hiện nay, chúng tôi tin NHNN đủ sức đảm bảo quyền mua ngoại tệ”, ông Vinh quả quyết.
NĐT nước ngoài cũng khuyến nghị cần phải có một kênh liên lạc riêng về các dự án PPP hấp dẫn và khả thi đối với công trình kết cấu hạ tầng, không chỉ trông chờ các đề xuất từ cơ quan nhà nước lên như hiện nay. Đây là điều mà Việt Nam đang rất cần để thu hút các NĐT nước ngoài.