Dự án phúc lợi xã hội trông đợi PPP
Thúc đẩy đầu tư PPP trong phát triển hạ tầng Tăng khả năng tiếp cận tín dụng cho dự án PPP |
Kỳ vọng từ cơ chế mở
Ông Phạm Trung Kiên, Phó giám đốc Sở Kế hoạch Đầu tư TP. Hồ Chí Minh cho biết, đầu tháng 12/2023 vừa qua, HĐND TP. Hồ Chí Minh đã thông qua Nghị quyết về Ban hành Danh mục dự án để kêu gọi đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) trong lĩnh vực y tế, giáo dục - đào tạo, thể thao - văn hóa.
Nghị quyết này nhằm cụ thể hóa và triển khai các quy định mới của Nghị quyết số 98/2023/QH15 về cơ chế đặc thù phát triển TP. Hồ Chí Minh. Trong đó, địa phương được áp dụng đầu tư theo phương thức PPP đối với các dự án thuộc lĩnh vực thể thao, văn hóa và y tế, giáo dục; tổng mức đầu tư các dự án và hình thức hợp đồng đầu tư cũng sẽ do TP. Hồ Chí Minh chủ động quyết định.
Các dự án nằm trong Khu liên hợp thể dục thể thao Rạch Chiếc, TP. Thủ Đức đang kêu gọi đầu tư theo phương thức PPP |
Theo danh mục nói trên, lĩnh vực thể thao - văn hóa có 23 dự án, lĩnh vực giáo dục - đào tạo có 12 dự án và lĩnh vực y tế có 6 dự án. Đáng chú ý, mặc dù đây là lần đầu tiên các dự án thuộc các lĩnh vực này được kêu gọi thu hút đầu tư theo hình thức PPP, nhưng quy mô tổng vốn đầu tư của nhiều dự án ở mức khá lớn. Chẳng hạn, đối với các dự án thể thao văn hóa: Dự án Xây dựng sân vận động chính trong Khu Liên hiệp thể dục thể thao Quốc gia Rạch Chiếc có quy mô vốn đầu tư 7.000 tỷ đồng. Các dự án khác trong khu liên hiệp này cũng có mức đầu tư từ 1.000 - 4.000 tỷ đồng (như dự án Nhà thi đấu tổng hợp: 3.000 tỷ đồng, dự án Nhà đua xe đạp và môtô: 4.000 tỷ đồng; dự án Sân thi đấu điền kinh: 1.500 tỷ đồng, dự án Khu thể thao dưới nước: 1.000 tỷ đồng…).
Các dự án thuộc lĩnh vực y tế có dự án Xây dựng Khu khám bệnh Bệnh viện Nguyễn Tri Phương kêu gọi đầu tư 3.500 tỷ đồng; dự án Bệnh viện đột quỵ TP. Hồ Chí Minh tổng vốn đầu tư 1.500 tỷ đồng. Trong khi đó, nhiều dự án trong lĩnh vực giáo dục - đào tạo cũng có quy mô kêu gọi đầu tư từ 300-500 tỷ đồng, như dự án Xây dựng trường mầm non quận 8 (491 tỷ đồng); dự án trường tiểu học trung học cơ sở Nguyễn Văn Quý, quận 7 (330 tỷ đồng)…
Ông Kiên cho biết, với nhu cầu đầu tư hơn 40 dự án theo hình thức PPP như trên, TP. Hồ Chí Minh kỳ vọng rất nhiều vào nguồn lực đầu tư từ các tập đoàn kinh tế lớn trong và ngoài nước. Bởi so với các lĩnh vực khác, như lĩnh vực hạ tầng, giao thông, hiện ngân sách đầu tư cho các lĩnh vực y tế, giáo dục - đào tạo, thể thao - văn hóa còn khá khiêm tốn. Tại TP. Hồ Chí Minh, trong giai đoạn 2021-2025 đầu tư cho các dự án giáo dục và y tế chỉ chiếm 7,17% - 8,61% tổng đầu tư ngân sách địa phương. Lĩnh vực thể thao - văn hóa thậm chí thấp hơn, chỉ ở mức 2,28%.
Cần cơ chế đủ sức hấp dẫn
Theo các chuyên gia kinh tế, mặc dù rất linh hoạt và cầu thị trong việc ban hành các văn bản hỗ trợ pháp lý đầu tư và tích cực xúc tiến kêu gọi khối kinh tế tư nhân và nhà đầu tư nước ngoài tham gia các dự án PPP, nhưng cơ hội để TP. Hồ Chí Minh thu hút đầu tư vào các dự án nghìn tỷ thuộc lĩnh vực văn hóa - thể thao, giáo dục, y tế là không lớn.
Ông Vũ Tú Thành, Phó giám đốc điều hành khu vực của Hội đồng kinh doanh Mỹ - ASEAN cho rằng, các dự án rạp hát, sân vận động thể dục thể thao tại Việt Nam nói chung và TP. Hồ Chí Minh nói riêng sẽ khó có thể thu hút được vốn đầu tư nước ngoài vì khả năng thu hồi vốn chậm, trong khi đó các lĩnh vực này có sự tham gia quản lý giá của Bộ Tài chính, vì thế các nhà đầu tư rất lo ngại.
Đồng quan điểm, LS. Ngô Thanh Tùng (Công ty Luật Quốc tế Việt Nam) cho rằng, các dự án lĩnh vực văn hóa-thể thao mang tính chất phúc lợi xã hội, nhà đầu tư khó có thể trông chờ vào lợi nhuận nếu chỉ có nguồn thu từ bán vé. Do đó, ngay cả khi tỷ lệ góp vốn của Nhà nước được nâng từ 50% lên 70% thì vẫn kém hấp dẫn hơn các dự án hạ tầng.
Để tháo gỡ những nút thắt này, các chuyên gia cho rằng trong năm nay và các năm sắp tới TP. Hồ Chí Minh cần nghiên cứu lựa chọn những loại hợp đồng PPP phù hợp với tính chất của từng dự án. Trước mắt nên hướng vốn tư nhân vào các công trình sẵn có theo phương thức giao cho tư nhân quản lý vận hành, vì không đòi hỏi vốn bỏ ra quá lớn. Điều này sẽ giúp các cơ sở đó được chỉnh trang và khai thác thương mại tốt hơn.
Đại diện Văn phòng JICA Việt Nam cho rằng, bên cạnh các hình thức BT, BOT thường chỉ tập trung trong ngắn hạn, TP. Hồ Chí Minh nên thí điểm những mô hình hợp tác chia sẻ lợi nhuận dài hạn, có thể đến kết thúc dòng đời dự án. Điều này sẽ hấp dẫn hơn đối với các tập đoàn nước ngoài có chiến lược đầu tư bền vững, dài hạn, ngay cả khi phải chấp nhận bỏ nhiều vốn và lỗ trong thời gian đầu.
Riêng về khía cạnh pháp lý và tranh chấp trong quá trình đầu tư PPP, LS. Nguyễn Trung Nam (Công ty Luật EPLegal) đề xuất, Chính phủ, các bộ ngành và TP. Hồ Chí Minh cần nhanh chóng đồng bộ hóa các quy định trong Luật Ngân sách Nhà nước, Luật Đầu tư công và Luật PPP. Bởi hiện nay các quy định liên quan đến kinh phí chấm dứt các hợp đồng PPP được quy định thiếu thống nhất ở các luật này. Ngoài ra, để nhà đầu tư an tâm khi góp vốn vào các dự án lớn, thì các quy định về giải quyết tranh chấp đối với các dạng hợp đồng PPP ở từng lĩnh vực cũng cần được cụ thể hóa, các cơ quan, đơn vị phụ trách giải quyết tranh chấp trong quá trình đầu tư các dự án PPP cũng cần có thêm các giải pháp phù hợp, tạo được sự đồng thuận giữa nhà đầu tư tư nhân và Nhà nước, đồng thời phù hợp với thông lệ quốc tế trong lĩnh vực đầu tư.