Để tránh nguy cơ hàng nước ngoài 'đội lốt' hàng Việt
Sáng nay, nhiều tờ báo đồng loạt đưa tin về việc Bộ Thương mại Mỹ tuyên bố hôm thứ Ba rằng sẽ áp thuế quan cao nhất tới 456% đối với một số sản phẩm thép sản xuất ở Hàn Quốc hoặc Đài Loan, được vận chuyển tới Việt Nam để gia công nhỏ rồi cuối cùng xuất khẩu sang Mỹ.
Sự việc một lần nữa thổi bùng lên quan ngại về việc hàng hóa hoặc linh kiện, nguyên liệu từ nước ngoài nhập khẩu vào Việt Nam, sau khi thêm vào những bước gia công đơn giản đã "khoác áo" sản xuất tại Việt Nam, mà trước đó đã có nhiều nghi vấn, thậm chí bằng chứng khó chối cãi, liên quan đến Tập đoàn Asanzo, hay Khaisilk...
Thu lợi nhuận “khủng”
Nhiều chuyên gia nhận định, việc hàng hóa nước ngoài nhập khẩu khẩu vào nội địa rồi đội lốt hàng Việt Nam là một rủi ro thực tế, nhất là trong bối cảnh thưởng mại thế giới đang gặp nhiều khó khăn và căng thẳng thương mại leo thang ở nhiều nơi.
Ông Diệp Thành Kiệt, Phó chủ tịch Hiệp hội Da giày túi xách Việt Nam (Lefaso) nhận định, khả năng chuyển tải bất hợp pháp từ Trung Quốc sang Việt Nam rất cao, nhất là trong bối cảnh xung đột thương mại Mỹ - Trung chưa có lối thoát.
Theo ông Kiệt, thực tế cho thấy giữa Việt Nam và Trung Quốc hoạt động tiểu ngạch qua biên giới rất phổ biến, nên khả năng sản phẩm chưa hoàn chỉnh, hoặc thậm chí hoàn chỉnh, nhập vào Việt Nam rồi từ đó sử dụng nguồn gốc xuất xứ từ Việt Nam để xuất đi các nước là điều hoàn toàn có thể xảy ra.
“Chưa kể, nếu muốn chuyển nhà máy sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam cũng không phải là điều khó, vì túi xách có quy trình sản xuất đơn giản hơn rất nhiều so với ngành giày dép, chỉ cần khoảng 200.000 USD là có thể đầu tư hoàn tất phần cứng cho một nhà máy sản xuất túi xách quy mô trung bình trở xuống”, ông Kiệt lấy dẫn chứng.
Đại diện một doanh nghiệp may có trụ sở tại TP. Hồ Chí Minh tiết lộ, việc đặt mua hàng từ Trung Quốc và đưa về gắn mác “Made in Vietnam” diễn ra khá phổ biến do thu được mức lợi nhuận “khủng”, cao hơn nhiều so với việc tổ chức sản xuất tại Việt Nam. Chiêu thức đó, theo đại diện doanh nghiệp này, thì “chỉ có chính bản thân doanh nghiệp đó mới biết được, chứ chẳng ai dại mà tự nhận”.
Nông sản là mặt hàng phổ biến được "phù phép" để gắn mác Việt Nam |
Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cảnh báo, thời gian qua, hiện tượng gian lận thương mại thông qua ghi nhãn xuất xứ hàng hóa sản xuất tại Việt Nam ngày càng gia tăng. Theo đó, có trường hợp hàng hóa được sản xuất nhập khẩu từ nước ngoài hoặc đặt gia công tại nước ngoài nhưng lại gắn mác là hàng “Made in Vietnam” để gian lận thương mại, đánh lừa người tiêu dùng.
Bên cạnh đó, nhiều hàng hóa nước ngoài cũng có xu hướng mượn xuất xứ Việt Nam để hưởng lợi “miễn phí” và bất hợp pháp từ các Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam tham gia, hoặc sử dụng xuất xứ hàng hóa làm phương tiện lẩn tránh các biện pháp phòng vệ thương mại của nước nhập khẩu.
Mơ hồ quy định “Made in Vietnam”
Để cập đến những rủi ro khiến hàng ngoại nhập có thể đội lốt hàng Việt, theo một số chuyên gia, hiện nay, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật Việt Nam chưa có quy định điều chỉnh việc hàng hóa được ghi nhãn sản xuất tại Việt Nam. Các quy định hiện hành dù đang được hoàn thiện để phù hợp với thực tế sản xuất và kinh doanh hàng hóa tại Việt Nam nhưng phạm vi điều chỉnh chủ yếu là nhãn hàng hóa, chỉ dẫn địa lý và thương hiệu.
Cục Xuất nhập khẩu thừa nhận, vì chưa có quy định về tiêu chí để hàng hóa được ghi nhãn sản xuất tại Việt Nam nên người tiêu dùng trong nước không có căn cứ để phân biệt thế nào là hàng “Made in Vietnam” và họ đang sử dụng hàng “Made in Vietnam” trên cơ sở tự nhận biết hoặc tin tưởng vào những nhãn hàng không được kiểm chứng.
Một chuyên gia kinh tế cho biết hiện nay, Việt Nam đã tham gia rất nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA), cùng với đó là việc đã ban hành nhiều quy định (ở cấp Thông tư của Bộ Công Thương) về việc xác định xuất xứ. Tuy nhiên, các quy định này đều là xuất xứ gộp, bao gồm cả Việt Nam và các nước khác.
Ví dụ, trong ASEAN nếu đạt được hàm lượng giá trị khu vực 40% trở lên thì được coi là có xuất xứ ASEAN. Trong 40% này có thể là 20% của Thái Lan, 10% của Malaysia, 5% của Philippines và chỉ có 5% của Việt Nam. Như vậy, việc đạt tiêu chí xuất xứ ASEAN (được cấp C/O mẫu D) chưa nói lên hàng hóa đó có xuất xứ Việt Nam hay không.
Khách hàng mơ hồ khi nhận dạng hàng Việt Nam |
Theo vị này, dù đã có một Thông tư 05/2018/TT-BCT quy định thế nào được coi là xuất xứ Việt Nam, nhưng Thông tư này cũng chỉ áp dụng cho hàng hóa xuất khẩu ra khỏi Việt Nam mà chưa có một quy định nào lấy các tiêu chí của Thông tư 05 để coi đó là hàng Việt Nam hay hàng “Made in Vietnam”.
“Nói cách khác, chúng ta chưa có một thước đo rõ ràng để xác định quá trình sản xuất thế nào, hàm lượng giá trị bao nhiêu thì doanh nghiệp có thể tự tin dán nhãn Made in Vietnam lên sản phẩm”, vị chuyên gia này cho hay.
Trước vấn đề này, đại diện Cục Xuất nhập khẩu cho rằng cần sớm xây dựng quy định về hàng hóa được ghi nhãn “Sản xuất tại Việt Nam”, “Made in Vietnam" nhằm tạo hành lang pháp lý phòng chống gian lận thương mại về xuất xứ hàng hóa và bảo vệ người tiêu dùng.
Mới đây, Bộ Công Thương cũng khuyến nghị các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam tuân thủ chặt chẽ các quy định về chứng nhận xuất xứ, không tiếp tay cho các hành vi gian lận xuất xứ, đồng thời phối hợp theo dõi sát thị trường để có thể kịp thời cung cấp thông tin cho các cơ quan quản lý khi thấy có dấu hiệu bất thường, tránh để các ngành sản xuất - xuất khẩu của Việt Nam bị liên lụy và bị ảnh hưởng bởi các biện pháp chống lẩn tránh tại một số thị trường nhập khẩu.