Dịch tả lợn vẫn diễn biến phức tạp
Tìm lối thoát hiểm cho dịch tả lợn châu Phi | |
Ban Bí thư ban hành Chỉ thị về thực hiện phòng, chống dịch tả lợn châu Phi | |
Chủ động ứng phó với dịch tả lợn |
Gần đây, diễn biến của dịch tả lợn châu Phi tại các tỉnh miền Trung là khá phức tạp, nhiều điểm dịch mới liên tục được các cơ quan chức năng địa phương phát hiện và xử lý. Trước tình hình đó, chính quyền và các cơ quan chức năng địa phương đã nhanh chóng vào cuộc để kiểm soát, tuy nhiên, rất khó triệt để do ý thức của người dân trong việc phòng chống lây lan chưa cao. Nguyên nhân lây bệnh chính là vận chuyển lợn mang mầm bệnh từ địa phương này sang địa phương khác; cùng với đó là việc tận dụng thực phẩm tươi sống dư thừa từ các điểm dịch vụ ăn uống để cho lợn ăn mà không qua nấu chín.
Cần tiếp tục tăng cường hoạt động kiểm soát vận chuyển lợn bệnh, để giảm thiểu thiệt hại cho người dân |
Từ cuối tháng 5/2019, dịch bệnh liên tục được các cơ quan chức năng phát hiện tại các địa phương trên địa bàn Quảng Nam và TP. Đà Nẵng. Tại Quảng Nam, dịch bệnh xuất hiện tại nhiều địa phương như TP. Tam Kỳ, thị xã Điện Bàn, huyện Duy Xuyên, Thăng Bình, thậm chí lây lan đến huyện miền núi Nam Trà My, địa phương cách khá xa với quốc lộ 1A.
Trước tình hình này, chính quyền các địa phương đã phối hợp với ngành chức năng tỉnh Quảng Nam nhanh chóng tổ chức tiêu hủy số lợn bị nhiễm bệnh và thông tin rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng về tình hình dịch bệnh, các dấu hiệu nhiễm bệnh và cách phòng chống dịch cho người dân được biết.
Đồng thời, tiến hành khoanh vùng có dịch, chốt chặn, hạn chế phương tiện giao thông, phun thuốc tiêu độc khử trùng; Phân công các lực lượng thường xuyên theo dõi và lấy mẫu xét nghiệm ngay nếu phát hiện lợn ở một số thôn khác trên địa bàn có dấu hiệu nhiễm bệnh. Cùng với đó, đẩy mạnh công tác kiểm tra trên toàn bộ địa bàn; tập trung tuyên truyền để người dân khai báo, đồng thời ra quân tiêu độc khử trùng để khống chế dịch; kiểm soát việc giết mổ, vận chuyển lợn…
Theo Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Nam, hiện địa phương có khoảng 97,5 nghìn hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, không đảm bảo an toàn về dịch tễ, nguy cơ phát sinh dịch bệnh trên diện rộng dễ xảy ra. Vậy nên, công tác phòng chống cần được các địa phương, nhất là cấp cơ sở quan tâm, triển khai nghiêm túc các chỉ đạo, hướng dẫn của tỉnh về phòng, chống dịch.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh yêu cầu ngành nông nghiệp địa phương có văn bản hướng dẫn chi tiết về phòng chống dịch bệnh; chỉ đạo rà soát, kiểm đếm tổng số đàn lợn, tổ chức phun thuốc tiêu độc khử trùng trên diện rộng… Đồng thời, phải kiểm soát chặt chẽ hơn việc vận chuyển lợn qua địa bàn, lưu ý đặc biệt 2 chốt kiểm dịch động vật phía Nam, phía Bắc trên tuyến quốc lộ 1A, phối hợp tốt trong khâu kiểm soát phương tiện, số lượng lợn vận chuyển vào, ra địa bàn nhằm ngăn chặn tình trạng tiêu thụ lợn trái phép trong quá trình vận chuyển.
Tại Đà Nẵng cũng tương tự. Sau khi phát hiện và nghi ngờ có điểm dịch bệnh mới trên địa bàn, ngày 9/6/2019, Chi cục Chăn nuôi và Thú y TP. Đà Nẵng tiến hành lấy 9 mẫu máu và hạch trên 3 đàn lợn của 3 hộ Hoàng Thị Thúy (xã Hòa Tiến), Trần Công Minh và Trần Phước Đũng (xã Hòa Khương) mang đi xét nghiệm, và kết quả có 6/9 mẫu máu, hạch dương tính với virus dịch tả lợn châu Phi.
Ngay trong sáng 10/6/2019, 2 xã Hòa Tiến và Hòa Khương đã tiến hành tiêu hủy hoàn toàn 3 đàn lợn, dập 3 ổ dịch tả lợn châu Phi này và phun thuốc tiêu độc, khử trùng, ngăn chặn lây lan dịch bệnh sang các hộ chăn nuôi lân cận.
Trước tình hình dịch diễn biến phức tạp ở xã Hòa Khương, nơi có nhiều hộ chăn nuôi lợn với số lượng lớn, bên cạnh việc tăng cường phun thuốc tiêu độc khử trùng, UBND xã cũng vận động các hộ chăn nuôi lợn dừng việc lấy thức ăn thừa từ các nhà hàng, khách sạn về cho lợn ăn…
Theo ông Nguyễn Phú Ban, Giám đốc Sở NN&PTNT TP. Đà Nẵng, các ổ dịch tả lợn châu Phi xuất hiện tại huyện Hòa Vang đã được tiêu hủy ngay cả đàn và thực hiện các biện pháp dập tắt dịch, khoanh vùng, không để dịch lây lan ra các đàn lợn lân cận.
Hiện ngành nông nghiệp đang theo dõi gắt gao và chỉ đạo xử lý sớm, kịp thời diễn biến dịch tả lợn châu Phi xảy ra trên địa bàn. Quy trình, kế hoạch phòng chống dịch cũng như các phương án ứng phó đã được các đơn vị và địa phương chuẩn bị chu đáo và chủ động xử lý.
Do ảnh hưởng của dịch tả lợn châu Phi, sản lượng tiêu thụ thịt lợn tại các chợ trên địa bàn Quảng Nam, Đà Nẵng liên tục sụt giảm, có nơi lên đến gần 50% như chợ đầu mối Hòa Cường, chợ Mới, chợ Hàn, chợ Cẩm Lệ (Đà Nẵng); chợ Vĩnh Điện, chợ Tam Kỳ (Quảng Nam)… Nhiều tiểu thương kinh doanh thịt lợn cho biết, khi xảy ra dịch, số lượng thịt bán ra giảm xuống chỉ còn một nửa; giá cũng giảm xuống, như thịt vai từ 90.000 đồng/kg còn 75.000 đồng - 80.000 đồng/kg, sườn non từ 110.000 đồng/kg còn 100.000 đồng/kg, ba chỉ giảm từ 80.000 đồng/kg còn 70.000 - 75.000 đồng/kg… Trong khi, giá và lượng tiêu thụ một số mặt hàng như tôm, cá, mực, thịt bò… đang tăng lên đáng kể. |